Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Ngàn cánh hạc"- đủ đầy hình bóng một thân phận

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Kiệt tác "Ngàn cánh hạc" tôn vinh một vẻ đẹp hư ảo, gắn chặt các nhân vật với một không gian nghệ thuật, nơi đất Phù Tang xưa thâm trầm cất lời ca ai oán.



Dẫu "Ngàn cánh hạc" của Kawabata Yasunari không quá xa lạ với bạn đọc Việt Nam nhưng bản dịch mới tiểu thuyết này (An Nhiên dịch, IPM và NXB Hồng Đức phát hành năm 2020) đã góp phần đưa đến một cái nhìn trọn vẹn hơn cho danh tác quen thuộc này.

Kiệt tác xứng tầm

Tiểu thuyết "Ngàn cánh hạc" đặt trong bối cảnh nước Nhật sau Thế chiến thứ hai, xung quanh một gia đình truyền thống gắn tên tuổi mình với trà đạo. Cũng giống như nhiều tiểu thuyết khác của Kawabata, "Ngàn cánh hạc" tôn vinh một vẻ đẹp hư ảo, gắn chặt các nhân vật với một không gian nghệ thuật, nơi đất Phù Tang xưa thâm trầm cất lời ca ai oán trong buổi lụi tàn của truyền thống và ký ức.

Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Kikuji, con trai một nghệ nhân trà đạo với mối quan hệ phức tạp với phu nhân Ota, người tình cũ của cha anh và sau này là con gái Fumiko của bà. Các mối quan hệ xoắn bện ấy lại được thể hiện bằng một văn phong tinh tế, nhạy cảm nắm bắt các rung động nội tâm của các nhân vật.

Các nhân vật của Kawabata thường ít hành động, hay nói đúng hơn, hành động của họ gói gọn trong một thứ thời gian như nằm ngoài tuyến tính. Thế gian trong mắt Kawabata là một thế gian đồng đẳng, nơi một chiếc chén kiểu, những bộ dụng cụ trà đạo hay chiếc khăn tay cũng cất lời, thậm chí nói hộ, giãi bày tâm tư của các nhân vật. Ngay chính tiêu đề tác phẩm đã nói lên cái nhỏ bé của sự vật có thể bao quát toàn bộ câu chuyện.

Ngàn cánh hạc ở đây xuất hiện trên chiếc khăn thêu của nhân vật Yukio mà mỗi khi Yukio và Kikuji gặp gỡ, độc giả sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng chiếc khăn hồng này. Hàng ngàn, thực chất chỉ là một con số phiếm chỉ, ngàn cánh hạc biểu trưng cho một đại cảnh rộng lớn, một thế giới nên thơ, sống động và hùng vĩ như tiếng đập cánh của đàn hạc thuộc về thế giới khác. Thế giới lớn ấy lại nằm gọn trên chiếc khăn tay con gái, như thể một giọt sương mai đọng trên lá cũng đã gói gọn vũ trụ.

Chiếc gương soi phản chiếu thế giới, chén trà biểu trưng cho vẽ mỹ miều của phụ nữ và các nhân vật cũng như chiếc gương soi hứng lấy bóng hình của người khác. Ta từng thấy những điều tương tự trong các tiểu thuyết cũng như truyện ngắn của Kawabata Yasunari, hình thành nguyên lý các tác phẩm của ông, một thế giới của những hình bóng.


 

Cuốn tiểu thuyết “Ngàn cánh hạc” (An Nhiên dịch) vừa xuất bản tại Việt Nam
Cuốn tiểu thuyết “Ngàn cánh hạc” (An Nhiên dịch) vừa xuất bản tại Việt Nam


Và những điều chưa biết

Khi in thành sách, tiểu thuyết "Ngàn cánh hạc" gồm 5 chương: "Ngàn cánh hạc", "Hoàng hôn trong rừng", "Chiếc bình Shino", "Vết son của người mẹ" và "Hai ngôi sao". Độc giả trước giờ vẫn đinh ninh "Ngàn cánh hạc" chỉ có như thế. Các bản dịch tiếng Việt trước đây cũng chỉ dừng lại ở chương "Hai ngôi sao".

Ít ai biết rằng "Ngàn cánh hạc" còn có một phần tiếp theo, bị đối xử như một chiếc bóng mang tên "Cánh chim trên sóng" gồm các chương: "Cánh chim trên sóng", "Chuyến đi biệt ly", "Gia đình mới", "Đôi mắt mùa xuân", "Tâm sự người vợ" được tác giả viết trong khoảng thời gian 1953 - 1954.

Trong phần "Giải đề" ở cuối sách, hiệu đính - biên tập viên của "Kawabata Yasunari toàn tập", Gunji Katsuyoshi, đã phần nào cho thấy lịch sử hình thành của tiểu thuyết "Ngàn cánh hạc" để chỉ ra tại sao trước giờ độc giả vẫn chỉ đọc một nửa tác phẩm, cũng như trả lại địa vị cho một nửa còn lại vốn bị làm lu mờ.

Vì lẽ đó, bản dịch mới của dịch giả An Nhiên lần này không thừa chút nào dù trước đó đã có những bản dịch khác. Được dịch từ nguyên tác tiếng Nhật, "Ngàn cánh hạc" của An Nhiên cho phép ta tiếp cận văn phong của Kawabata một cách trực diện hơn, đồng thời cũng giúp khôi phục phần tiểu thuyết thường bị loại ra khỏi tác phẩm này.

Điều này giúp ta hình dung được quá trình sáng tác của Kawabata, tuy "Ngàn cánh hạc" có dung lượng không nhiều nhưng được viết trong khoảng thời gian dài. Chính vì mỗi khi đặt bút viết, nhà văn thường khảo sát rất kỹ và ông cũng thường viết song song nhiều tác phẩm. Phần "Cánh chim trên sóng" tuy nói là bổ sung cho "Ngàn cánh hạc" nhưng cũng chưa phải là kết, như tiếng sóng ngoài xa, dẫu chẳng thấy hình song dư âm còn vang vọng mãi.

Theo Huỳnh Trọng Khang (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm