Phóng sự - Ký sự

Ngăn chặn “dòng chảy ma túy”-Cuộc chiến không giới tuyến - Bài 1: Điểm danh những “cung đường tử thần”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vì lợi nhuận siêu khủng, các “ông trùm” vẫn luôn tìm mọi cách để thẩm lậu ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam tiêu thụ.

Ngăn chặn “dòng chảy ma túy” từ bên kia biên giới vẫn luôn là cuộc chiến đầy cam go, đòi hỏi những người lính Biên phòng làm công tác phòng, chống tội phạm phải có bản lĩnh, trình độ, tâm huyết bởi luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách và cả hiểm nguy.

Trên hơn 3.200km đường biên giới đất liền Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, tội phạm ma túy tìm mọi cách “mở đường” để vận chuyển trái phép ma túy vào Việt Nam tiêu thụ. “Hàng” được tập kết sẵn ở sát biên giới, các “ông trùm” tin rằng, bằng những thủ đoạn tinh vi, các tay chân của mình sẽ qua mặt được lực lượng chức năng mà không biết rằng, phía trước, “tấm lưới luật pháp” đã được giăng sẵn.

ngan-chan-dd.jpg
Đường biên giới qua xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La có nhiều đường qua lại huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Ảnh: Trúc Hà

Nóng bỏng ở Tây Bắc

“Nước mắt cho phụ nữ, khổ đau cho trẻ em và nhà tù cho đàn ông” là câu nói đầy ám ảnh về một số bản có nhiều gia đình có người bị bắt vì phạm tội liên quan ma túy ở Điện Biên và Sơn La. Những cái tên Na Ư, Lóng Sập, Tân Xuân rồi Tàng Kangnam cho đến giờ vẫn gợi nhớ về nỗi đau ma túy. Những năm trở lại đây, Tây Bắc không còn xuất hiện những toán vận chuyển ma túy có vũ trang, tuy nhiên, không vì thế mà đánh giá tình hình mua bán, vận chuyển ma túy nơi đây đã hạ nhiệt.

Theo Thượng tá Phạm Thái Hòa, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), BĐBP Sơn La: “Các đối tượng ngày càng mưu mô, thủ đoạn và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng sau thời gian “chạy việc” đã nâng cấp bản thân lên “ông chủ”, tách ra làm ăn riêng để “buôn tận gốc, bán tận ngọn”. Đặc biệt, các đối tượng có mối quan hệ thân tộc, cấu kết ngoại, nội biên thành một đường dây khép kín, rất khó để tiếp cận, điều tra”.

Theo thời gian, tội phạm ma túy ở Sơn La cũng mở rộng địa bàn qua khu vực biên giới huyện Sông Mã, Yên Châu thay vì “điểm nóng” Mộc Châu, Vân Hồ trước đây. Những đối tượng đã bị bắt giữ khai nhận, ma túy ở Lào không những rẻ, dễ mua, mà còn không cần phải bỏ vốn ban đầu vì ma túy cứ mang về, khi nào bán được thì trả tiền. Thậm chí, nếu chẳng may bị “mất hàng” do lực lượng chức năng thu giữ, các “ông trùm” hoặc giảm một nửa tiền hoặc cho không như một sự “chia sẻ” để giữ mối làm ăn. Mỗi năm, tỉnh Sơn La có cả nghìn vụ việc với cả nghìn người phạm tội liên quan đến ma túy.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Sơn La phát hiện, bắt giữ 3.523 vụ/4.527 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 84,57kg heroin, 11,92kg nhựa thuốc phiện, 1.281.448 viên ma túy tổng hợp, 46,37kg ma túy đá, 7,05 tỷ đồng, 31 khẩu súng, 200 viên đạn và một số tang vật có liên quan. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống và kiểm soát ma túy 549 vụ/583 đối tượng, phạt tiền 789,8 triệu đồng.

Nghẹt thở ở miền Trung

Nếu như ở miền Bắc, chỉ Sơn La, Điện Biên được coi là “điểm nóng” thì hầu hết các tỉnh miền Trung có đường biên giới tiếp giáp với Lào đều xảy ra các vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng hàng chục đến hàng trăm kg. Các tỉnh này có cửa khẩu quốc tế, thông thương nhộn nhịp, bởi vậy, không chỉ “gùi hàng” qua đường mòn, lối tắt trên biên giới, các đối tượng còn sử dụng xe cá nhân, taxi hoặc xe khách tạo vỏ bọc cho mình, tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Dường như càng trong khó khăn, thử thách, lực lượng PCMT&TP BĐBP các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum lại càng thể hiện được trình độ, bản lĩnh trước tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Các chuyên án được đánh giá có tính nghiệp vụ cao, tần suất đánh án dày với việc bóc trần các thủ đoạn mới như “trộn” vào hàng kí gửi xe khách qua cửa khẩu, “phẫu thuật” xe ô tô để cất giấu ma túy. Nhiều đối tượng mang theo vũ khí, nhưng lực lượng đánh án vẫn đảm bảo an toàn về con người, trang bị.

2ngandan.jpg
Trần Xuân Tâm (thứ 2, từ trái qua) và Văn Ngọc Đức (thứ 8, từ trái qua) bị bắt giữ khi đang vận chuyển 11kg ma túy đá. Ảnh: Trúc Hà

Quốc lộ 9 là con đường độc đạo nối từ khu vực biên giới huyện Đakrông và Hướng Hóa về thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và đi các tỉnh, thành khác. “Yết hầu” này cũng là nơi diễn ra nhiều “trận đánh” khó quên. 23 giờ 30 phút, ngày 1/12/2021, tại km 20+293 quốc lộ 9, thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, Thượng tá Nguyễn Tất Phùng (Đội trưởng Đội Đặc nhiệm PCMT&TP, Phòng PCMT&TP, BĐBP Quảng Trị) buộc phải nổ súng mới ngăn được chiếc “xe điên” do Văn Ngọc Đức (sinh năm 1992, trú tại huyện Hướng Hóa) điều khiển dừng lại. Sở dĩ Văn Ngọc Đức quyết sống còn vì trên xe có 11kg ma túy đá.

Trước đó, các trinh sát của Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung (Cục PCMT&TP BĐBP); Phòng PCMT&TP, BĐBP Quảng Trị phát hiện Đoàn Trân (sinh năm 1972, trú tại huyện Hướng Hóa) điều khiển chiếc xe Winer, di chuyển với tốc độ của "thần chết" trên quốc lộ 9 từ thị trấn Khe Sanh hướng về thành phố Đông Hà. Các trinh sát phát hiện Đoàn Trân chở theo ma túy, tuy nhiên phải giữ khoảng cách để tránh “rút dây động rừng”. Cho đến khi tổ đánh án thông báo đã bắt được Văn Ngọc Đức và Trần Xuân Tâm (sinh năm 1980, trú tại thành phố Đông Hà) cùng 11kg ma túy đá, các trinh sát mới tạo tình huống nghiệp vụ bắt giữ Đoàn Trân. Ngày 17/2/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tuyên phạt Đoàn Trân, Văn Ngọc Đức và Trần Xuân Tâm mức án tử hình.

“Tảng băng trôi” ở Đồng Tháp Mười

Nếu như biên giới Việt Nam - Lào là những dãy núi hiểm trở thì tuyến Việt Nam - Campuchia biên giới chạy trên sông và cánh đồng thẳng cánh cò bay. Thế nhưng, cảnh bình yên ấy được ví như “tảng băng trôi”, bởi các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy đang “hâm nóng” với những hoạt động phi pháp ở khu vực biên giới Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh liên tục “tuyển người” vận chuyển ma túy về Việt Nam để cung cấp cho khách hàng ở thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, thậm chí... chuyển ra Bắc, đưa sang nước thứ 3.

Tại những điểm dân cư thưa thớt, các đối tượng ở Campuchia lợi dụng đêm tối để ma túy trên đường biên rồi báo cho đối tượng ở Việt Nam tới lấy. Hoặc chúng cất giấu trong hàng hóa rồi lôi kéo, mua chuộc thành phần bất hảo cư trú sát đường biên giới tiếp tay. Nhà của Trần Văn Mển (sinh năm 1982, trú tại ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) chỉ cách casino Cái Rồ (Campuchia) 300m, bởi vậy mà khi “ông trùm” ở Campuchia gọi, bất cứ giờ nào, y cũng chỉ cần dùng ghe nhỏ khua nhẹ mái chèo là đã sang bên kia biên giới để nhận và vác “hàng” về Việt Nam.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam, các “ông trùm” thường nhắm vào những đối tượng ham chơi, lười làm, say mê trò đỏ đen, vướng nợ nần. Ngay như Trần Văn Mển khai, bản thân trong một lần ngồi xem đá gà ở casino Cái Rồ, một người đàn ông đã nói “muốn có tiền trả nợ không” khi y “tâm sự” là đang vay nợ xã hội đen. Trần Văn Mển đã nhận lời với tiền công 7-8 triệu đồng cho 1kg ma túy từ biên giới Campuchia về thành phố Hồ Chí Minh - một cái giá rẻ mạt so với lợi nhuận của “ông trùm”, nhưng chắc chắn là quá đắt đối với Trần Văn Mển.

Theo Trúc Hà (Báo Biên Phòng)

------------------------

Bài 2: Sự chuyển dịch của dòng chảy “cái chết trắng”

Có thể bạn quan tâm