Kinh tế

Nông nghiệp

Ngăn chặn rệp sáp hoành hành cây cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nắng hạn kéo dài trong thời gian qua khiến hơn 3.215 ha cà phê bị rệp gây hại với tỷ lệ 2,5-50%. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các ngành và chính quyền địa phương khẩn trương xử lý triệt để bệnh rệp sáp trên cây cà phê, tránh lây lan ra diện rộng.



Gia đình anh Hlơng (làng Dôr 2, xã Glar, huyện Đak Đoa) có hơn 800 cây cà phê thì gần một nửa bị rệp sáp gây hại với nhiều mức độ khác nhau. Anh cho biết: “Từ tháng 2 năm nay, sau khi vườn cà phê của mình ra hoa thì bắt đầu xuất hiện rệp sáp ở một số cây. Chúng bám lên chùm hoa khiến cà phê không đậu quả được. Sau khi phát hiện, mình đã mua thuốc về phun nhưng vẫn không có tác dụng. Mình mong cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ người dân những loại thuốc hiệu quả để xử lý triệt để bệnh rệp sáp gây hại”.

 Hơn 200 cây cà phê của gia đình ông Nguyễn Thanh Trung (thị trấn Chư Sê) bị rệp sáp tấn công. Ảnh: Q.T
Hơn 200 cây cà phê của gia đình ông Nguyễn Thanh Trung (thị trấn Chư Sê) bị rệp sáp tấn công. Ảnh: Q.T



Tương tự, vườn cà phê gần 500 cây của gia đình ông Nguyễn Thanh Trung (làng Dun Bêu, thị trấn Chư Sê) cũng bị rệp sáp tấn công. Ông Trung chia sẻ: “Rệp sáp là bệnh rất nguy hiểm, nhẹ thì cà phê không ra quả, giảm năng suất, bị nặng có thể khiến cây khô cành. Nếu phát hiện vườn cà phê bị bệnh rệp sáp thì phải mua thuốc về phun ngay, để chậm khoảng 1 tuần thì chắc chắn sẽ thiệt hại. Đặc biệt, rệp sáp rất khó diệt, dễ lờn thuốc, nếu để lây lan rộng thì rất khó khống chế. Vườn cà phê của tôi hiện tại có khoảng 200 cây bị nhiễm rệp đen, nhiều cây có dấu hiệu nhiễm rệp sáp”. Cũng theo ông Trung, rệp sáp được bao bọc bằng lớp sáp dày nên rất khó tiêu diệt. Vì vậy, phải phun thuốc thẳng vào vị trí có rệp sáp. Mặt khác, khi tưới cà phê, người dân nên dùng vòi nước phun mạnh vào cành, chùm hoa để làm bể lớp sáp, sau đó phun thuốc sẽ hiệu quả hơn.

Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Loan-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê-cho biết: “Ngay sau khi phát hiện rệp sáp trên cây cà phê, Trung tâm đã hướng dẫn người dân cách phòng trừ bệnh. Theo đó, đã có 325/584 ha cà phê bị nhiễm bệnh được phun thuốc. Đồng thời, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân nên theo dõi vườn cà phê của mình, nếu phát hiện rệp sáp thì phun thuốc diệt trừ ngay, trường hợp nặng phải báo cáo với cơ quan chuyên môn để được hỗ trợ, ngăn chặn bệnh lây lan. Cách ngăn chặn bệnh rệp sáp tốt nhất là phòng ngừa ngay từ đầu”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện đã có hơn 3.215 ha cà phê bị rệp sáp gây hại với tỷ lệ 2,5-50%, phân bố rải rác tại các vùng cà phê của tỉnh và có khả năng lây lan trên diện rộng nếu không ngăn chặn kịp thời. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương theo dõi, nắm bắt chặt chẽ diễn biến các loại sâu bệnh; đồng thời hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ, không để lây lan.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT có Công văn số 1095/SNNPTNT-TTBVTV hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng trong vụ mùa năm 2020. Công văn nêu rõ: Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, vụ mùa 2020, khu vực Tây Nguyên có khả năng mưa muộn hơn so với trung bình nhiều năm, tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong tháng 5. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng như: bệnh sâu keo mùa thu trên cây bắp, khảm lá mì, trắng lá mía, nhất là bệnh rụng quả, rệp sáp trên cây cà phê. Vì vậy, các địa phương cần hướng dẫn người dân thường xuyên cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm, cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất để vườn cà phê vừa thông thoáng, vừa giảm tiêu hao dinh dưỡng, hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh.

Đồng thời, hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ sớm, kịp thời khi rệp sáp mới xuất hiện, mật độ còn thấp; những vườn rệp sáp xuất hiện với mật độ cao thì kết hợp tưới nước phá tan lớp sáp để khi phun thuốc dễ thấm sâu vào chùm quả, có thể sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật như: Bi-58 40EC, Dimenate 40EC, Mapjudo 40WP… Đối với những vườn cà phê rụng quả do bệnh thán thư gây ra thì hướng dẫn người dân xử lý sớm, kịp thời bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất: Azoxystrobin + Difenoconazole, Hexaconazole, Metalaxyl + Mancozeb... pha theo nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất, nếu bệnh nặng phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày…
 

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm