Bạn đọc

Ngăn chặn thú chơi phá rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều cánh rừng ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên bị đào bới, khai thác trái phép, gây tác hại đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học nhằm phục vụ thị hiếu sưu tầm các loại cây rừng có dáng và hoa đẹp, quý hiếm nằm trong danh mục sắp bị tuyệt chủng.

Từ nhiều năm qua, phong trào chơi cây cảnh được khai thác từ cây rừng tự nhiên diễn ra khá phổ biến trên phạm vi cả nước. Nắm bắt thị hiếu này, nhiều người đã lên các cánh rừng ở Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên tìm kiếm, đào bới các loài cây có nguồn gốc tự nhiên như: lộc vừng, thiên tuế, bông trang, sim, ngũ sắc, đỗ quyên, thông tre, lan rừng... về bán.

Càng hiếm càng bị săn lùng

Tại hội nghị tổng kết kế hoạch năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiêm cấm việc chặt cây rừng, đào rừng tự nhiên mang về xuôi bán. "Phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc, mang về Hà Nội bán dịp Tết. Hôm nay, tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm" - Thủ tướng nói và giao Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo này một cách nghiêm túc.

Việc chặt đào rừng đã diễn ra từ lâu nhưng hầu như các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn đúng mức. Nhiều cánh rừng đào tự nhiên giờ đã bị đào bới tận gốc. Không chỉ vậy, nhiều loài hoa đặc hữu của rừng Việt Nam cũng lâm cảnh tương tự.

 

 Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai) bàn giao gốc cây thông tre quý hiếm bị khai thác, vận chuyển trái phép cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) chăm sóc Ảnh: VƯỜN QUỐC GIA HOÀNG LIÊN
Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai) bàn giao gốc cây thông tre quý hiếm bị khai thác, vận chuyển trái phép cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) chăm sóc Ảnh: VƯỜN QUỐC GIA HOÀNG LIÊN


Cách đây chưa lâu, Công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đã phát hiện 2 đối tượng đi trên ôtô chở 235 kg hoa phong lan đựng trong 8 bao tải lớn. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, 2 đối tượng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số phong lan trên.

Tại tỉnh Tuyên Quang, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện Đặng Quý Vinh (ngụ xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa) vận chuyển 40 kg phong lan. Toàn bộ số phong lan này, Vinh không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật.

Theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì có tới 34 loài lan gồm: kim tuyến, hài bóng, hài tam đảo, hài chân tím... là những loài thực vật hoang dã thuộc nhóm IA bị đe dọa tuyệt chủng, bị cấm khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại. Cấm thì cấm nhưng càng quý hiếm thì những loài hoa quý này càng bị săn lùng để phục vụ nhiều người chơi hoa thành thị.

Cùng với các loài lan rừng quý hiếm, nhiều năm qua, thú chơi cây cảnh cổ thụ cũng được dân chơi có tiền ưa chuộng. Các giống cây cổ thụ như sanh, si, đa, sung, bồ đề, nhất là những cây lâu năm, cây có dáng, có thế, gốc cây xù xì, cổ kính được giới chơi cây cảnh săn lùng từ khắp nơi đưa về trồng làm cây cảnh trang trí tại gia, sân vườn.

Nghiêm cấm chặt cây rừng

Để ngăn chặn hành vi này, tại tỉnh Phú Yên, ngày 1-11-2020, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo nghiêm cấm việc khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép cây cổ thụ, cây rừng làm cây cảnh trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố không cấp phép cho các hộ gia đình, cá nhân khai thác tận thu cây rừng trên đất nương rẫy để làm cây cảnh.

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, cho rằng đào rừng hay còn gọi là đào tự nhiên rất ít hoa so với đào trồng (đào nhà). "Đào rừng cũng có tác dụng giữ đất để tránh xói mòn khi có mưa lũ. Đào mình trồng chỉ cao được 1-2 m nhưng đào rừng có thể cao đến 3-4 m, thậm chí 4-5 m, mà chặt cả cây về chưng Tết thì rất lãng phí" - GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung nói.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng cần thiết phải kiểm soát chặt việc chặt phá đào rừng, đào cổ thụ mang về xuôi phục vụ thú chơi cây cảnh ngày Tết của một bộ phận người dân nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên, để những cây đào rừng quý, có tuổi đời lâu năm không bị chặt phá.

Luật đã quy định việc cấm chặt phá cây rừng, trong đó có đào rừng, nên cần có sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương, lực lượng quản lý thị trường và công an chứ không phải chỉ là việc của lực lượng kiểm lâm.


Có giá cả tỉ đồng

Ngoài việc chơi cây cảnh cổ thụ, hiện nay vẫn có nhiều đại gia còn đam mê thú chơi đồ mỹ nghệ bằng gốc cây rừng quý hiếm. Những gốc cây to, sần sùi, tua tủa rễ, qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ chạm khắc đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, lập tức hóa thành bộ bàn ghế sang trọng, được chạm trổ tinh xảo có giá hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng.

Còn nhớ hồi đầu năm 2018, vụ việc 3 cây khủng như "quái thú" được vận chuyển nghênh ngang dọc Quốc lộ 1 gây bức xúc dư luận, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phải có văn bản gửi chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý cây cảnh, cây bóng mát và cây cổ thụ.


Theo Văn Duẩn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm