Trước tình trạng một số nơi bị ảnh hưởng bởi lũ lụt có hiện tượng tăng giá các mặt hàng thiết yếu như gạo, rau xanh, thịt lợn… Các cơ quan chức năng đang phải rà soát nhằm ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, tích trữ, tăng giá.
Giá rau xanh tại Đà Nẵng tăng mạnh. Ảnh: Thuỳ Trang |
Rau xanh tăng bất thường
Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động tại chợ Mai, quận Sơn Trà, Đà Nẵng vẫn ở mức cao do tình hình mưa lũ kéo dài. Chị Nguyễn Mai - tiểu thương tại chợ cho biết, gần 10 ngày nay, giá các loại rau xanh ở chợ đầu mới đã tăng gấp 3 đến 4 lần so với bình thường.
Cụ thể, một bó rau mồng tơi, rau muống ngày thường có giá 5.000đồng/bó nay tăng lên 20.000 - 25.000đồng/bó. Các loại rau ăn sống như xà xách, diếp cá, húng quế cũng tăng gấp 4 lần. Cá biệt, rau cải tăng từ 10.000đồng/kg lên 100.000đồng/kg, tức gấp 10 lần so với trước đây.
Mức giá này khiến người dân cũng e dè trong việc lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Nhiều người chuyển qua dùng các loại củ quả vẫn đang có giá ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ. Nhiều người phải giảm số lượng rau ăn hàng ngày.
“Tình hình kinh tế mỗi gia đình đang khó khăn do dịch bệnh, nay lại gặp mưa lũ, vật giá tăng cao khiến việc đi chợ mỗi ngày đều áp lực. Chúng tôi phải cân nhắc từng chi tiêu vì chưa biết sắp đến mưa bão còn diễn biến ra sao” - chị Phạm Lan, người dân Đà Nẵng cho hay.
Trong khi đó, tại chợ Siêu thị Đà Nẵng, tiểu thương tại đây cho biết, rau xanh và củ quả những ngày này tăng giá liên tục. Hành lá hôm qua có giá 30.000 đồng/kg nhưng hôm nay đã 40.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến rau, củ tăng giá là do mưa lũ khiến các vùng rau của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… bị ngập lụt hư hại hết. Nguồn hàng của các tiểu thương hiện chỉ còn phụ thuộc rau, củ của Đà Lạt.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân hết lương thực dự trữ ở những vùng bị chia cắt do ngập sâu, ngập dài ngày tại nhiều địa phương, khu dân cư.
Chính vì vậy, Vụ Thị trường trong nước cho hay, cần phải thiết lập mạng lưới doanh nghiệp sản xuất, cấp phát lương thực, thực phẩm cho người dân vùng lũ lụt. Đồng thời, có các phương án căn cơ, như kế hoạch sản xuất thức ăn, rau khô, lương khô, sản xuất thuyền caosu, áo phao, phương tiện đi lại... trang thiết bị cho người dân vùng lũ.
Triển khai tích trữ hàng hoá từ sớm
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với một số doanh nghiệp để thiết lập mạng lưới sản xuất, phân phối lương thực, thực phẩm, gồm các loại giản đơn, dễ tổ chức vận chuyển như lương khô, rau khô, mì gói... đến với bà con vùng ngập lũ lụt, không để xảy ra tình trạng người dân đói rét trong thời điểm khó khăn như hiện nay, cũng không để xảy ra tình trạng lũ đến chân mới nhảy”, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay.
Còn đối với những mặt hàng chuyên dụng cho bà con vùng lũ, theo bà Nga - sẽ thiết lập mạng lưới sản xuất thuyền caosu, phao cứu sinh đa năng. Ví dụ, như phao cứu sinh đa năng sẽ được thiết kế 8 túi lớn nhỏ khác nhau, đựng dụng cụ cá nhân, dụng cụ báo hiệu cứu hộ và lương thực, thực phẩm khô dự trữ, nước uống, sử dụng được từ 6 - 7 ngày nếu bị cô lập ở vùng lũ.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước - Việt Nam, hằng năm phải hứng chịu 9-10 cơn bão, người dân “vùng rốn lũ” năm nào cũng bị ngập lụt, nhưng không có sự chủ động, chính vì vậy, để có kế hoạch ứng phó trước mùa mưa bão, đầu năm 2020, Bộ Công Thương đã có công văn số 2868 hướng dẫn các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai.
Ngay từ đầu năm, công tác dự trữ hàng hóa tại một số tỉnh ở khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai đã được xây dựng kỹ lưỡng về phương án, mặt hàng, địa điểm, đối tượng, để triển khai khi xảy ra thiên tai.
Cụ thể, tại 4 tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng của lũ lụt như sau: Tỉnh Quảng Bình, các doanh nghiệp tham gia kế hoạch dự trữ gồm: Coop mart Quảng Bình, Vinmart Quảng Bình, siêu thị Thái hậu, siêu thị Diên Hồng… Trong đó, dự trữ 63.700 thùng mì ăn liền, lương khô là 12.600 thùng, 1.175 tấn gạo, 17.500 thùng nước uống đóng chai, các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác là 1.700 tấn, 10.000m3 xăng, 4.350m3 dầu, 850m3 dầu hoả, 1.000 tấm tôn lợp… Tổng hàng hoá là 6,70 tỉ đồng
Tại tỉnh Quảng Trị, dự trữ 50.000 thùng mì ăn liền, 300 tấn gạo, 30.000 nước uống đóng chai, 20 tấn đường, 20 tấn muối, 15.000 nước mắm, 100.000 hộp đồ hộp các loại…, với tổng hàng hóa là 13,895 tỉ đồng. Ở Thừa Thiên-Huế, dự trữ 50.000 thùng mì ăn liền, 100 tấn gạo, 35.000 nước uống đóng chai, 2.200.000 lít xăng. Ở Quảng Nam cũng dự trữ khoảng 45.130 thùng mì ăn liền, 2.320 thùng lương khô, 2.221 tấn gạo…, tổng giá trị hàng hoá là hơn 6 tỉ đồng.
Xử lý nghiêm
Trao đổi với PV Lao Động 20.10, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại một số tỉnh miền Trung trong những ngày qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng nhu cầu tăng cao từ thị trường để kiếm lời bất chính, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn hỏa tốc gửi Cục QLTT các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nhu yếu phẩm và bảo hộ dùng trong hoạt động phòng chống thiên tai. Trong đó, Tổng cục yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trên chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt, cập nhật diễn biến thị trường, theo dõi sát nguồn cung - cầu đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, thuốc men, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thiên tai để đầy cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt, Tổng cục QLTT yêu cầu các Cục QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai, tăng giá thu lời bất chính đối với các loại mặt hàng bảo hộ, cứu hộ như áo phao, xuồng caosu… để các lực lượng cứu nạn, cứu hộ và người dân có đủ phương tiện xử lý kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.
“Tổng cục QLTT sẽ xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng sự khan hiếm từ thị trường để trục lợi bất chính” - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định.
Theo Cường Ngô - Thuỳ Trang - Khánh Vũ (LĐO)