Các ngân hàng tiếp tục rao bán hàng loạt tài sản thế chấp là bất động sản, máy móc, thiết bị… để thu hồi nợ. Tuy nhiên, quá trình xử lý, cả ở giai đoạn khởi kiện và thi hành án, đang gặp khó khăn.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo bán đấu giá tài sản là khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay theo các hợp đồng tín dụng ký với Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Bách Giang, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Cao Nguyên.
Trong đó, Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh nhà Bách Giang có tổng dư nợ gốc và lãi là 223,7 tỉ đồng; tổng dư nợ gốc và lãi của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Cao Nguyên tại BIDV là 242 tỉ đồng. Hai khoản nợ này tạm tính đến đầu tháng 3-2021.
Tài sản bảo đảm cho các khoản nợ trên là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đầu tư trên đất bao gồm toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất gồm cả giá trị đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng và các chi phí tại của Công ty Bách Giang ở Dự án khu dân cư khu phố 4, phường Phước Long A, quận 9, TP HCM…
Giá khởi điểm của khoản nợ được BIDV đem đấu giá là 475,1 tỉ đồng. Người tham gia đấu giá phải đặt trước 10% giá khởi điểm.
Việc thiếu thông tin, dữ liệu về tài sản cũng là khó khăn trong quá trình xử lý tài sản thế chấp của các ngân hàng. |
Nhiều ngân hàng thương mại khác đang rao bán hàng loạt tài sản khác gồm bất động sản, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp để xử lý, thu hồi nợ. Xu hướng rao bán tài sản thế chấp để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu cũng được nhiều ngân hàng thương mại lựa chọn thời gian qua.
Dù vậy, trong quá trình xử lý, dù đã đến khâu khởi kiện ra tòa hay thậm chí có quyết định thi hành án nhưng việc thu hồi nợ cũng không đơn giản.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh về việc "Đau đầu xử lý tài sản thế chấp", khởi kiện ra tòa và chờ thi hành án là một trong những giải pháp thường được các ngân hàng thương mại lựa chọn khi xử lý, thu hồi nợ xấu nhưng cũng gặp không ít trầy trật.
Theo TAND TP HCM, ngay đối với tài sản ngân hàng đem bán đấu giá, người mua được tài sản đấu giá vẫn không thực hiện được thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận vì người có tài sản khởi kiện liên quan đến tài sản đấu giá, hoặc tranh chấp khác liên quan đến tài sản đem đấu giá. Từ đó, phát sinh thêm nhiều vụ tranh chấp liên quan đến Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, khiến việc xử lý dứt điểm nợ xấu của ngân hàng gặp khó.
Một số tài sản thế chấp là động sản như ôtô, xe máy, sau khi thế chấp cho ngân hàng, người vay lại đem chuyển nhượng bất hợp pháp cho người khác dẫn đến khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án và thi hành án.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, thẩm phán, Chánh tòa kinh tế, TAND TP HCM, cho biết một khó khăn khác trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng khi thi hành án là thiếu dữ liệu, thông tin về tài sản. Cụ thể, khi tiếp nhận đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến bất động sản như cấm chuyển dịch quyền về tài sản… tòa phải kiểm tra tình trạng pháp lý của bất động sản đó. "Quá trình này được lấy thông tin từ văn phòng đất đai thuộc sở tài nguyên và môi trường cấp tỉnh mất nhiều thời gian, không đáp ứng được thời gian giải quyết vụ việc. Tòa cũng thiếu thông tin phối hợp trong vụ việc xuyên suốt từ các tổ chức tín dụng, từ cơ quan thi hành án dân sự" - bà Nguyễn Thị Thùy Dung chia sẻ.
Theo Thái Phương (Ảnh: Tấn Thạnh/NLĐO)