Lãi suất vay mua nhà giảm
Theo khảo sát của Tiền Phong với một số ngân hàng, ở thời điểm hiện tại phần lớn các ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất đó là lãi suất vay ưu đãi áp dụng ở kỳ vay ngắn từ 3-12 tháng và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi suất vay ngân hàng giữa ưu đãi và sau ưu đãi ở các ngân hàng phổ biến từ 2-3,8%.
Cũng theo khảo sát, lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng trong tháng 2/2024 dao động từ 5-10,5%/năm, hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 8-13%/năm.
Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV) đang áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà trong năm đầu từ 6,4-7%/năm. Trong đó:
BIDV: từ 6-7%/năm cho kỳ hạn từ 6-36 tháng và thời gian vay tối thiểu từ 36-60 tháng, áp dụng từ nay đến 31/12/2024; VietinBank: áp dụng mức 6,4%/năm, áp dụng trong thời gian đầu được ưu đãi lãi suất;
Agribank: áp dụng lãi suất cố định từ 7%/năm đối với các khoản vay trung hạn và dài hạn, thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi này kéo dài từ 12-24 tháng; Vietcombank: lãi suất cho vay có thời hạn 18 tháng đầu là 6,7%/năm, sau đó tăng lên lần lượt 6,8%/năm (2 năm tiếp theo), 7,5% (3 năm), 9,5% (5 năm), 10,5% (7 năm), 11% (10 năm). Hết thời gian ưu đãi, lãi suất vay ngân hàng được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3,5%.
Mức lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà thấp nhất thị trường hiện nay thuộc về BVBank với 5%/năm. Ảnh: Lộc Liên |
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất vay mua nhà dao động từ 5-10,5% một năm. Trong đó, BVBank đang có lãi suất vay ngân hàng thấp nhất với mức chỉ từ 5%/năm, biên độ sau khi hết ưu đãi là 2%/năm. Tiếp theo là VPBank áp dụng mức 5,9% cho 6 tháng đầu năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 3% mỗi năm.
Các ngân hàng HDBank, Sacombank, MSB, ACB, OCB… cũng có mức lãi suất ưu đãi năm đầu tiên cho khách hàng vay mua nhà là 6,5-8% một năm.
Trong khi đó, nhóm các ngân hàng nước ngoài cũng có sự điều chỉnh lãi suất cho vay, cụ thể, ngân hàng UOB, Wooribank áp lãi suất vay 6% trong 12 tháng đầu tiên. Nếu người mua nhà chọn gói vay với lãi suất cố định 2 năm đầu là 8% hoặc lãi suất cố định 3 năm đầu là 8,7% mỗi năm. Hết ưu đãi, lãi suất thả nổi của các ngân hàng này dao động từ 8,6-8,9%/năm. Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng đưa ra mức lãi suất cho vay mua nhà chỉ còn 5,9% cho 6 tháng đầu tiên và 8% cho 54 tháng tiếp.
Dòng tiền vẫn chưa quay lại thị trường địa ốc
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục giảm lãi suất huy động để hỗ trợ cho vay tiêu dùng và hạn chế tình trạng dư thừa nguồn tiền trong các nhà băng. Hiện sau nhiều lần điều chỉnh, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã xuống mức thấp kỷ lục, dao động quanh mức 5%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, con số này thấp hơn mức lãi suất trong giai đoạn dịch COVID -19.
Các chuyên gia cho rằng việc lãi suất huy động giảm được kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền trong dân cư đổ vào bất động sản (BĐS), một kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với tiết kiệm ngân hàng. Mặc dù vậy, theo số liệu mới được NHNN công bố mới đây cho thấy, dòng tiền vẫn chưa quay trở lại thị trường BĐS, đặc biệt là đối với các sản phẩm có giá trị lớn.
Dòng tiền vẫn chưa quay trở lại thị trường BĐS, đặc biệt là đối với các sản phẩm có giá trị lớn. |
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, với tình hình khó khăn trong kinh tế và ngành địa ốc tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sức cầu trên thị trường và giao dịch chủ yếu tập trung vào sản phẩm có giá dưới 3 tỷ đồng từ khách hàng có sẵn tiền mặt. Ở chiều hướng ngược lại, các sản phẩm đầu tư giá trị cao vẫn tồn kho do cơ chế và điều kiện vay vốn phức tạp và chặt chẽ, khiến nhiều người không muốn đầu tư vào BĐS có vốn quá lớn.
Mặt khác, sự chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và tiền vay vẫn cao, khiến nhiều người dân lo ngại về việc vay vốn do khả năng lãi suất tăng trở lại. Thậm chí sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN giảm lãi suất, thủ tục vay vẫn phức tạp và chi phí phát sinh lớn, khiến nhiều người e ngại.
Vì vậy, VARS cho rằng, để kích thích nhu cầu và phục hồi đầu tư, các ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 2%/năm với các điều kiện và thủ tục linh hoạt, đơn giản hơn.