Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.

Những bàn tay thô ráp hàng ngày chỉ biết chăm chỉ làm rẫy đã có thể cùng tấu lên nhịp chiêng ngân vang, lay động lòng người.

Định kỳ 17 giờ 30 phút các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, người dân tổ 6 (phường Sông Bờ) lại gọi nhau tập trung về nhà sinh hoạt cộng đồng để học và xem đánh chiêng. Dưới ánh điện, các nghệ nhân miệt mài chỉ dạy cho học viên, thanh âm cồng chiêng vang vọng khắp nơi.

Đây là lớp học cồng chiêng do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức.

1-nghe-nhan-rcom-tu-bia-trai-can-man-huong-dan-cac-hoc-vien-cach-danh-chieng-anh-vu-chi.jpg
Nghệ nhân Rcom Tu (bìa trái) hướng dẫn các học viên cách đánh chiêng. Ảnh: V.C

26 học viên đều là nam giới, tuổi từ ngoài 30 đến gần 50, vốn thường ngày chỉ quen với nương rẫy nay chuyên cần đến lớp, chăm chỉ luyện tập. Chỉ sau 1 tháng, những bàn tay thô ráp đã có thể cùng tấu lên nhịp chiêng ngân vang, làm lay động lòng người.

Không đơn thuần là cùng nhau hòa điệu một bản nhạc thông qua nhạc cụ truyền thống cồng chiêng mà đó còn là tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc được ấp ủ, nuôi dưỡng trong tâm hồn bao thế hệ.

Tổ trưởng tổ dân phố Rcom Li Hường tham gia lớp học với tư cách là học viên. Một tháng qua, anh chưa nghỉ buổi nào. Tuy đã biết chơi khá thành thạo chiêng cải tiến nhưng với bộ chiêng cổ, anh Hường gặp không ít khó khăn.

Anh Hường bảo: Từ khi lọt lòng mẹ, những đứa trẻ Jrai đã nghe âm thanh cồng chiêng qua lễ thổi tai. Khi lớn lên là tiếng cồng chiêng mừng sức khỏe, mừng lúa mới… Đến khi từ giã cuộc đời, tiếng cồng chiêng lại u hoài đưa tiễn.

Cồng chiêng vì vậy như phần hồn, chung sống với bà con từ đời này sang đời khác. Tuy vậy, những bài chiêng cổ, những dàn chiêng cổ, số lượng nghệ nhân biết đánh chiêng trong buôn đang ngày càng giảm dần.

Tổ 6 có 252 hộ với 1.150 khẩu, trong đó, trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, song chỉ còn 4 nghệ nhân có khả năng đánh chiêng thuần thục nhưng đều đã lớn tuổi. Trăn trở trước sự mai một của văn hóa truyền thống, anh Hường đề xuất mở lớp dạy cồng chiêng cho bà con.

“Tổ chức cho bà con nhưng cũng là để chính bản thân có cơ hội học hỏi. Càng đánh càng mê, tôi rất tự hào vì đã có thể chơi được nhạc cụ truyền thống của chính dân tộc mình.

Hy vọng sau lớp học này, chúng tôi được hỗ trợ thêm một số bộ cồng chiêng để bà con thường xuyên tập luyện và trình diễn, duy trì vốn quý âm nhạc truyền thống”-anh Hường chia sẻ.

Do học viên đều là những người dân lao động nên lớp tổ chức vào buổi chiều tối để không ảnh hưởng đến công việc. Có người kịp ăn cơm trước khi đến lớp, có người mới đi rẫy về, chỉ kịp tắm rửa nhưng tất cả đều thể hiện sự đam mê tình yêu âm nhạc cồng chiêng, bản sắc văn hóa dân tộc.

Họ say sưa, miệt mài tập luyện không phải để được xem là nghệ nhân mà với hy vọng trong tương lai có thể truyền lại cách đánh chiêng cho chính con em mình và giới thiệu cho mọi người cùng biết.

Là 1 trong 2 nghệ nhân chỉ dạy học viên, ông Rcom Tu (làng Plơi Apa Ơi H’Trông, xã Chư Mố, huyện Ia Pa) tâm sự: Thật mừng vì bà con mình yêu thích âm nhạc dân tộc và động viên nhau tập đánh cồng chiêng.

Thời gian lớp học chỉ diễn ra 1,5 tháng nên mình chọn 2 bài chiêng: Pe trong luai (hái cà bơi) và Ayong Soăch (chàng trai nhanh nhẹn) để truyền dạy. Đây là 2 bài chiêng ca ngợi khí thế hăng say lao động và vẻ đẹp của những chàng trai Jrai cao ráo, khỏe mạnh, khí phách.

1-cac-hoc-vien-lop-cong-chieng-say-sua-luyen-tap-anh-vu-chi.jpg
Các học viên lớp cồng chiêng say sưa luyện tập. Ảnh: Vũ Chi

Theo ông Tu, để học thuộc cách đánh một bài chiêng, phải nắm được nốt của chiếc cồng hay chiêng mà mình đảm nhận, giai điệu và nhịp điệu bài chiêng thật nhuần nhuyễn; từ đó mới có thể phối hợp với những chiếc cồng, chiếc chiêng khác.

“Sự học chưa bao giờ là muộn. Hy vọng rằng sau lớp cồng chiêng này, nhiều người biết chơi cồng chiêng, bồi đắp thêm tình yêu văn hóa dân tộc. Họ tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê, vận động con cháu cùng lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng”-nghệ nhân Rcom Tu kỳ vọng.

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã Lại Quang Minh: Hiện tại, 7/8 xã, phường trên địa bàn thị xã đã thành lập đội cồng chiêng. Trong đó, xã Ia Rbol có 2 đội gồm 1 đội cồng chiêng trường học và 1 đội cồng chiêng thanh niên.

Các đội đều hoạt động khá hiệu quả, thường xuyên tham gia chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức.

Cuối tháng 9 vừa qua, thị xã bố trí kinh phí mở lớp dạy cồng chiêng cho bà con dân tộc thiểu số phường Sông Bờ. 26 học viên đã chăm chỉ luyện tập và tiến bộ nhanh chóng. Bà con đã chơi nhuần nhuyễn 1 bài chiêng và đang tập luyện bài thứ hai.

“Lớp học cồng chiêng góp phần nhân lên tình yêu văn hóa trong cộng đồng. Các buổi học đều có rất đông trẻ em, người lớn đến thưởng thức, cổ vũ, động viên.

Dự kiến cuối tháng 11 này, thị xã tổ chức hội thi cồng chiêng, tạo điều kiện cho những nghệ nhân có dịp trình diễn, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình đến với du khách gần xa”-ông Minh cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm