TN - Đất & Người

Ngang nhiên buôn bán đất rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 41 dự án sản xuất nông lâm nghiệp được UBND tỉnh giao, cho thuê, với tổng diện tích hơn 32.000ha rừng và đất rừng. Các dự án tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Đức và Đắk Glong. Tuy nhiên, hiệu quả tại các dự án nông lâm nghiệp rất khiêm tốn. Nhiều dự án để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, có hiện tượng sang nhượng, mua bán trái phép đất rừng.

Ngang nhiên treo biển quảng cáo rao bán đất rừng ở Đắk Nông. Ảnh: P.T
Ngang nhiên treo biển quảng cáo rao bán đất rừng ở Đắk Nông. Ảnh: P.T
Sôi động buôn bán bất động sản... đất rừng
Giữa năm 2009, Công ty TNHH Thương mại Đỉnh Nghệ (gọi tắt là Công ty Đỉnh Nghệ) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê 172,7ha đất rừng nằm trên địa phận xã Quảng Sơn. Trong đó có 107,8ha đất có rừng thuộc diện khoanh nuôi bảo vệ. Diện tích còn lại là đất trồng keo lai, chăn nuôi, đường giao thông.
Đến năm 2014, sau khi UBND tỉnh thu hồi, dự án còn hơn 130ha, trong đó có 99ha rừng. Dự án được kỳ vọng sau 7 năm sẽ cung cấp khoảng 3.600m3 nguyên liệu keo lai cho chế biến lâm sản, 60 con bò thịt và 3.600 con heo thịt.
Những ngày này, có mặt tại vùng lõi dự án của Công ty Đỉnh Nghệ, chúng tôi chứng kiến nhiều khu đất được người dân dựng nhà, hình thành khu dân cư đông đúc và trồng nhiều cây công nghiệp dài ngày... Tình trạng này là do ở dự án đã xảy ra việc mua bán, sang nhượng đất rừng từ lâu.
Tại đây, chúng tôi bắt gặp anh P.T.P đang sản xuất các loại cây trồng. Trao đổi về phần đất đang canh tác, anh P. cho biết: “Năm 2018, gia đình tôi mua mảnh đất có diện tích 3,1ha. Mảnh đất có 170m mặt tiền Tỉnh lộ 6 với số tiền là 2,1 tỉ đồng”.
Tương tự, cuối năm 2009, Công ty Cổ phần Thiên Sơn (gọi tắt Công ty Thiên Sơn) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 423ha đất rừng, rừng để thực hiện dự án nông lâm nghiệp tại xã Quảng Sơn. Cuối tháng 10.2010, sau khi điều chỉnh, dự án còn hơn 222ha rừng phải bảo vệ, khoanh nuôi, 167ha đất trồng rừng và đất khác…
Sự việc lớn nhất là dự án không được thực hiện như lộ trình ban đầu, ở đây là liên tục xảy ra câu chuyện mất rừng, người dân mua bán, sang nhượng đất rừng... trái phép, thậm chí công khai. Trên phần đất của dự án, chúng tôi chứng kiến nhiều bảng, biển hiệu rao bán đất rừng.
Từ manh mối này, chúng tôi đã gọi vào một số điện thoại ở đây để nắm bắt thông tin. Qua trò chuyện, một người đàn ông tự xưng tên Q tiết lộ cho chúng tôi biết đang có nhu cầu bán hơn 2ha rẫy có hơn 10m mặt đường, nở hậu và chạy sâu cho tới sình.
Theo ông Q, đất này là đất rừng của Công ty Thiên Sơn nhưng đã dọn dẹp sạch sẽ và trồng cây. Đất chưa có sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV) nhưng phải 700 triệu đồng/ha thì mới bán.
“Chủ rừng” bán luôn... đất rừng
Bên cạnh việc người dân sang nhượng, mua bán đất rừng thì còn xuất hiện tình trạng chủ rừng, nhân viên dự án mua bán, sang nhượng đất rừng.
Năm 2015, đại diện Công ty Đỉnh Nghệ là ông Nguyễn Văn Khanh đã sang nhượng 100ha đất của dự án cho ông V.V.T (ở tỉnh Gia Lai) và 1 người dân khác. Thương vụ này có giá trị 12 tỉ đồng. Hai bên viết giấy nhận tiền đặt cọc và thống nhất sẽ thanh toán thành 4 đợt.
Sau đó, ông V.T.T thanh toán cho ông Khanh 3 đợt với số tiền 6 tỉ đồng. Tuy nhiên, lúc này ông Khanh không chịu bàn giao diện tích đất trên nhưng không chịu trả lại số tiền 6 tỉ đồng. Do đó, ông T đã khởi kiện ông Khanh ra Tòa án.
Cuối năm 2019, TAND huyện Đắk Glong đã xét xử và buộc gia đình ông Khanh phải trả lại cho bên ông T số tiền trên 10,2 tỉ đồng (gồm 6 tỉ đồng tiền gốc và trên 4,2 tỉ đồng tiền lãi).
Những ngày qua, tìm đến trụ sở trước đây của Công ty Đỉnh Nghệ nằm dọc tỉnh lộ 6, chúng tôi chỉ thấy một ngôi nhà nghỉ bề thế mọc lên. Tại đây, chúng tôi được một số người dân thông tin Công ty Đỉnh Nghệ đã bán luôn đất xây dựng trụ sở trước đây của đơn vị.
Để kiếm chứng thông tin, chúng tôi đã tìm mọi cách để liên hệ với ông Khanh nhưng không được. Trao đổi về việc này, lãnh đạo UBND xã Quảng Sơn thừa nhận, đã lâu lắm rồi xã không tài nào liên hệ được với ông Khanh và người của Công ty Đỉnh Nghệ.
Tương tự, năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hợp Tiến (Hợp tác xã Hợp Tiếp) được giao hơn 1.200ha đất rừng cũng tại xã Quảng Sơn.
Ông Nguyễn Đỗ Điệp, Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến cho biết, qua rà soát, có khoảng 70% diện tích đất rừng được giao cho đơn vị bị lấn chiếm, mua bán. Cùng với việc người dân mua, bán trước thời điểm Hợp tác xã Hợp Tiến được UBND tỉnh Đắk Nông giao đất thì cũng có không ít trường hợp tham gia chuyển nhượng gần đây. 
“Tôi đã từng đóng giả là người đi mua rẫy để nắm bắt thông tin. Và thực sự có nhiều người khẳng định có đất của Hợp tác xã để bán. Mặc dù không nhiều nhưng chính xã viên của Hợp tác xã cũng tham gia chuyển nhượng trái phép” - ông Nguyễn Đỗ Điệp, Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến cho biết. 
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Lê Đình Tuấn, trên địa bàn xã hiện có 5 dự án sản xuất nông, lâm nghiệp. Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất tại một số dự án diễn ra rất phức tạp, với nhiều hình thức như: Giấy viết tay, hợp đồng góp cổ phần, hợp đồng giao khoán...
Đối với hình thức kêu gọi người dân góp cổ phần là một hình thức trá hình của chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng. Một hình thức khác là hợp đồng liên doanh, liên kết, giao khoán… giữa chủ dự án và người dân.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng để rồi chuyển nhượng trái phép. Tình trạng này là phổ biến, vì sự buông lỏng của các chủ dự án. 
PHAN TUẤN (LĐO)
https://laodong.vn/bat-dong-san/ngang-nhien-buon-ban-dat-rung-959918.ldo

Có thể bạn quan tâm