Mới chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019 Việt Nam đã chi hơn 1,2 tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như đậu tương, lúa mì, ngô và dầu mỡ động thực vật.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 4/2019 đạt 275 triệu USD, giảm hơn 20% so với tháng trước đó và giảm hơn 21% so với cùng tháng năm ngoái.
Các thị trường chính cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam trong tháng 4/2019 vẫn là Argentina, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc... Trong đó, Argentina trở thành thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với 91 triệu USD, giảm hơn 26% so với tháng trước đó và giảm gần 44% so với cùng tháng năm ngoái, nâng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong 4 tháng đầu năm 2019 lên hơn 417 triệu USD, chiếm hơn 33% thị phần.
Brazil và Argentina là hai thị trường nhập khẩu ngô chính của Việt Nam
Kế đến là thị trường Mỹ với kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4/2019 đạt hơn 54 triệu USD, tăng gần 19% so với tháng 3/2019 và tăng hơn 7% so với tháng 4/2018. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ thị trường này đạt hơn 248 triệu USD, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2018.
Đứng thứ ba là Ấn Độ với kim ngạch nhập khẩu hơn 17 triệu USD, tăng 7,4% so với tháng 3/2019 và tăng hơn 104% so với tháng 4/2018, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2019 lên hơn 73 triệu USD, giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung, trong 4 tháng đầu năm 2019 Việt Nam đã chi hơn 1,2 tỉ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, giảm 0,62% so với cùng kỳ năm 2018. Các thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh trong thời gian này là: Australia, Canada, Tây Ban Nha, Chile.
Những nguyên liệu được nhập khẩu chủ yếu là đậu tương, lúa mì, ngô và dầu mỡ động thực vật. Cụ thể, đậu tương nhập khẩu khoảng 163 nghìn tấn với trị giá hơn 63 triệu USD, lúa mì 250 nghìn tấn với kim ngạch đạt 71 triệu USD, ngô hơn 918 nghìn tấn với trị giá đạt 193 triệu USD.
Thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 4 tháng đầu năm 2019 là Australia chiếm 37% thị phần; Nga chiếm 24%, Canada chiếm 11%, Brazil chiếm 11% và Mỹ chiếm không đáng kể 4%. Brazil và Argentina là 2 thị trường nhập khẩu ngô chính, chiếm lần lượt là 55% và 40% thị phần.
M.L (PetroTimes)