Kinh tế

Giá cả thị trường

Ngành điện đối mặt "khủng hoảng thừa"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Điện mặt trời, điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác được các nhà đầu tư hồ hởi tham gia. Song, hiện nay, chúng ta lại đang đối mặt với tình trạng “khủng hoảng thừa”, phải cắt giảm để đảm bảo an toàn hệ thống. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia



PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tình hình sản xuất, cung ứng và vận hành hệ thống điện của chúng ta hiện nay như thế nào?

Ông NGUYỄN ĐỨC NINH: Hệ thống vận hành điện năm 2021 cũng như năm 2020 ở nước ta có đặc điểm khác với mọi năm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên tăng trưởng của phụ tải không quá cao. Trong năm 2020, nếu không có dịch Covid-19 thì dự kiến chúng ta sẽ phải chạy khoảng 3,4 tỷ kWh từ nguồn chạy dầu đắt tiền để đáp ứng phụ tải cơ sở; nhưng do ảnh hưởng của dịch nên phụ tải giảm thấp, hầu hết các nguồn khai thác thấp hơn kế hoạch.

Trong năm 2020, lượng điện thương phẩm chỉ đạt 216,95 tỷ kWh, tăng trưởng 3,42% so với năm 2019 và trong các tháng đầu năm 2021, lượng điện thương phẩm cũng chỉ tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tăng trưởng phụ tải trong năm 2020 chỉ có trên 3%, còn năm 2021 dự kiến chỉ tăng khoảng 5%-7% - thấp hơn khá nhiều so với các mức tăng trong quá khứ.

Đâu là nguyên nhân mà EVN cũng như Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đề xuất chính sách cắt giảm mạnh nguồn năng lượng tái tạo?

Có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, như trên đã đề cập, do phụ tải năm nay có mức tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch, trong khi về bức tranh cung - cầu, chúng ta có đủ các nguồn để đáp ứng phụ tải cả về công suất lẫn sản lượng, nhưng chúng ta vẫn cần phải đảm bảo duy trì sự vận hành của nguồn điện truyền thống (ví dụ như thủy điện hiện chiếm tới 35% công suất nguồn của hệ thống), để đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống điện quốc gia.

Thêm nữa, ngoài nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta cũng phải đảm bảo vận hành hệ thống đáp ứng các yêu cầu khác của thị trường điện như đảm bảo các hợp đồng bao tiêu khí cho các dự án Nam Côn Sơn, Tây Nam bộ và đảm bảo bao tiêu điện cho các dự án nhà máy BOT…

Thứ hai là do trong thời gian qua, năng lượng tái tạo phát triển nhanh và nóng. Năm 2019, chúng ta có xấp xỉ 5.000MW điện năng lượng mặt trời nối lưới, đến năm 2020 tiếp tục có thêm khoảng 5.000MW điện mặt trời nối lưới và khoảng 7.000-8.000MW điện mặt trời áp mái. Trong khi, dự kiến đến cuối năm 2021 này, sẽ tiếp tục bùng nổ nguồn điện gió ở nước ta với khoảng 5.400MW được bổ sung cho hệ thống…

Với sự phát triển năng lượng tái tạo nhanh như vậy, lưới truyền tải đi theo không đáp ứng được nhu cầu. Chúng ta đều biết, hệ thống lưới truyền tải của chúng ta “lớn mà không khỏe”. Khi chưa bùng nổ năng lượng tái tạo, ở nhiều nơi, lưới truyền tải cũng chưa đáp ứng tiêu chí đảm bảo vận hành an toàn, không bị quá tải.

Thời gian qua, tình trạng quá tải lưới điện 110kV và 220kV đã xảy ra ở nhiều nơi có dự án năng lượng tái tạo phát triển, nhất là Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và một số tỉnh miền Tây Nam bộ… Tình trạng quá tải truyền tải này sẽ còn xảy ra từ nay cho tới cuối năm 2021 khi có thêm khoảng 4.000-5.000MW điện gió được đưa vào hệ thống. Trong những năm tới, tình trạng này cũng chưa thể cải thiện được ngay vì việc đầu tư đường dây để giải tỏa cho các dự án năng lượng tái tạo cần phải có thời gian.

Dự kiến năm 2021 này, lượng điện năng lượng tái tạo phải cắt giảm bao nhiêu?

Trong các tháng đầu năm, chúng tôi đã cắt giảm gần 500 triệu kWh điện mặt trời trang trại (chiếm khoảng 13,3% công suất có thể phát) và dự kiến cả năm 2021 cắt giảm khoảng 1,25 tỷ kWh điện mặt trời (chiếm khoảng 9% công suất). Còn về điện gió, các tháng đầu năm đã cắt giảm 19,7 triệu kWh (chiếm 4,8%) và dự kiến năm nay cắt khoảng 43 triệu kWh (chiếm 7%). Như vậy, tổng cộng cả năm 2021 sẽ phải cắt giảm khoảng 1,7 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo.

Với việc cắt giảm này, EVN có đảm bảo đồng đều, công bằng giữa các nguồn không và thứ tự ưu tiên như thế nào để không thiệt thòi cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo?

Trong hệ thống điện Việt Nam hiện nay, chúng ta đang huy động nguồn từ các nhà máy theo cơ chế thị trường điện bán buôn theo quy định của Chính phủ và hiện tại chúng tôi vẫn đang đảm bảo công bằng giữa tất cả các loại nguồn khác nhau trên hệ thống. Việc thừa năng lượng tái tạo là do năng lực lưới điện truyền tải, còn trong hoạt động điều độ, chúng tôi vẫn ưu tiên năng lượng tái tạo.

Chúng tôi đang áp dụng 3 nguyên tắc chính trong điều độ hệ thống điện. Đầu tiên, khi vận hành hệ thống thì vẫn phải giữ các tổ máy truyền thống với cấu hình tối thiểu để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật như về điện áp, tần số, ổn định… với tiêu chí số 1 là đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống điện của quốc gia. Thứ hai mới là đảm bảo công suất, sản lượng của năng lượng tái tạo, các nguồn thủy điện nhỏ hưởng chi phí tránh được và các thủy điện đang xả lũ trong mùa lũ. Thứ ba mới là dành cho các nguồn còn lại.

Thực tế hiện nay, ưu tiên cho năng lượng tái tạo trong khung từ 10-11 giờ đến 14-15 giờ. Nhằm đáp ứng công suất và sản lượng lớn nhất cho phụ tải thì chúng ta đang phải dừng hết các nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và miền Nam. Tất nhiên, việc dừng (giảm) các nhà máy này vẫn phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu khác trong hệ thống như về điện áp, độ ổn định… nhưng việc dừng, giảm “bất đắc dĩ” này lại không đúng với quy trình vận hành liên hồ chứa.

Bởi vì, các dự án thủy điện đang phải hoạt động theo 11 quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng hoặc các bộ ban hành, trong đó có những yêu cầu nhất định về công suất phát tối thiểu, rồi lưu lượng tối thiểu cần phải xả xuống hạ du... Hiện các tổ máy thủy điện đang phải thay đổi linh hoạt công suất phát để bù đắp sự thay đổi của năng lượng tái tạo và điều này dẫn đến vi phạm các quy định về mực nước giới hạn và ảnh hưởng tới an ninh cấp điện cuối mùa khô.

Về dài hạn, tình hình cân bằng cung cầu điện trong giai đoạn 2021-2025 như thế nào? Tại sao đang thừa điện mà vẫn lo thiếu điện?

Trong giai đoạn 2021-2025, theo tính toán của chúng tôi, phụ tải sẽ tăng trưởng xấp xỉ 8,9%/năm, tương đương nhu cầu cung ứng điện tăng khoảng 23,6-30,5 tỷ kWh/năm và như vậy chúng ta vẫn đáp ứng được nhu cầu điện. Tuy nhiên, sản lượng các nguồn mới bổ sung trong giai đoạn này sẽ chỉ đạt xấp xỉ 6,1-16,7 tỷ kWh/năm, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu. Nguyên nhân là do nhiều nguồn nhiệt điện có rủi ro trễ tiến độ và tiến độ năng lượng tái tạo sau khi kết thúc cơ chế FIT 2 vào tháng 10.

Trong cả giai đoạn 2021-2025, tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo, về mặt sản lượng dự tính sẽ đạt 14,5%-17,3% trong cơ cấu nguồn và dự kiến tỷ trọng huy động cho phụ tải đỉnh sẽ luôn chiếm khoảng 44,7%-61,5% nhưng chắc chắn là vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận hành. Trong các năm 2022-2023, chúng ta vẫn sẽ phải huy động các nguồn điện dầu để đáp ứng công suất hệ thống điện vào cao điểm chiều khi nguồn điện mặt trời đã giảm công suất, nguồn điện khác chưa kịp tăng để đáp ứng nhu cầu phụ tải.

PHÚC VĂN thực hiện
(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm