Một nghịch lý mà chúng ta đang thấy đó là giáo viên vẫn thường kêu ca về khối lượng kiến thức phải hoàn thành trong năm học là khá nhiều và nặng; còn phụ huynh thì than phiền là bài tập, đề kiểm tra cấp tiểu học mà phụ huynh không thể giải được. Vậy mà, kết quả học tập, kết quả kiểm tra học kỳ của học trò luôn cao.
Ảnh minh họa |
Thật lòng mà nói, phụ huynh nào lại không mong con mình học giỏi, cũng như chẳng có thầy cô nào lại muốn học trò mình không tiếp thu được bài. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế giảng dạy, học tập tại các nhà trường lại thường rất xa nhau. Số học sinh chịu khó học hành, tiếp thu bài nhanh vẫn có nhiều nhưng không thể là đa số học sinh trong lớp, trong trường. Nhiều em học rất chậm và yếu nhưng khi tổng kết vẫn đạt được loại cao. Hóa ra những học sinh xếp loại trung bình trong các trường học bây giờ lại trở thành hàng hiếm. Nhiều em vì thế mà không còn động lực để học tập, xem thường chuyện học và đương nhiên cũng không còn biết sợ, biết mắc cỡ khi không thuộc bài, không nắm được kiến thức cơ bản.
Học sinh đạt điểm cao bằng chính năng lực của mình thì đó là điều đáng vui mừng cho gia đình và nhà trường nhưng thực học của học sinh yếu mà vẫn được tổng kết điểm cao, vẫn được nhận danh hiệu và khen thưởng thì đó là một thất bại của những người làm giáo dục.
Căn bệnh thành tích còn do các chỉ tiêu, những con số đẹp được mặc định trong các báo cáo. Cụ thể như chỉ tiêu quy định trường chuẩn chỉ được dưới 5% học sinh yếu kém vì vậy các trường phải “ép” theo con số đó để đảm bảo thành tích chung. Rồi tiêu chí trong quy định về phổ cập giáo dục: Bỏ học dưới 1%.
Vì vậy, các trường không dám cho học sinh lưu ban vì nếu lưu ban, các em có thể bỏ học, từ đó ảnh hưởng thi đua của trường. Cũng vì bệnh thành tích mà trong các kỳ thi hết cấp, nhiều học sinh đã được "đỗ ép" để trường nâng cao tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình, nâng được uy tín của trường.
Bệnh thành tích còn xuất phát từ chính suy nghĩ của phụ huynh muốn con mình đạt học sinh giỏi để sau này có điểm cộng ở các cấp học cao hơn, hoặc đi du học.
Hiện tượng trên không chỉ thể hiện sự suy tư về thành tích của cả giáo viên, nhà trường mà còn cho thấy căn bệnh thành tích đã “ngấm” vào trong suy nghĩ, hành động của phụ huynh và cả xã hội.
Ngoài nguyên nhân khách quan, một nguyên nhân quan trọng đó chính là một số chính sách, chủ trương, quy định của Bộ GD-ĐT, của địa phương chưa hợp lý, dễ tạo điều kiện cho bệnh thành tích nảy sinh, phát triển. Trong đó, có các phong trào thi đua còn nặng về hình thức như thi giáo viên giỏi hàng năm. Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm cũng được thực hiện một cách hình thức. Các quy định về đánh giá giáo viên, giảng viên.
Thi đua có hai mặt như một tấm huân chương: mặt trước bóng bẩy, mặt sau xù xì. Đã thi đua và để được khen thưởng thì phải có thành tích. Trong thực tế, có nhiều thành tích thật nhưng cũng có không ít thành tích ảo. Đối với ngành giáo dục, thi đua đã tạo nên áp lực rất lớn cho giáo viên, cho nhà trường.
Thiết nghĩ, căn bệnh thành tích sẽ khó chấm dứt nếu chính ngành giáo dục không thật sự đổi mới chính mình. Nên giảm thiểu các cuộc thi “giáo viên dạy giỏi”; “giáo viên chủ nhiệm giỏi”, “tổng phụ trách giỏi”... vì các cuộc thi này đã không còn thực chất, trái lại gây nhiều áp lực cho giáo viên. Cần giảm thiểu cả việc “dự giờ theo chuyên đề cấp quận/huyện” vì thực tế hoạt động này không học tập được gì, thường tâng bốc hoặc soi mói lẫn nhau, phản tác dụng. Cũng cần giảm thiểu việc kiểm tra cấp phòng, cấp sở các loại sổ sách của giáo viên, của trường. Trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục về việc này.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6-6-2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn của đại biểu về bệnh thành tích trong giáo dục. Theo đó, vấn đề về bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu và mặc dù ngành giáo dục luôn cố gắng nói không với bệnh thành tích nhưng nhận thấy trong quá trình thực hiện, đây không chỉ là vấn đề dừng lại ở quy định mà còn liên quan tới văn hóa và thói quen của một bộ phận không nhỏ những người làm trong ngành giáo dục tại Việt Nam.
Giáo dục là một bộ phận của xã hội. Nên ngoài xã hội có gì, giáo dục cũng có cái đó. Muốn thay đổi gốc rễ thì bản thân xã hội cũng phải thay đổi. Nếu chỉ yêu cầu ngành giáo dục, trường học loay hoay tìm cách thay đổi thì khó. Nói cách khác, việc cần làm trong lúc này là xã hội cũng cần chấm dứt căn bệnh thành tích. Muốn kìm hãm bệnh thành tích trong giáo dục thì điều đầu tiên phải thay đổi từ cấp vĩ mô. Lãnh đạo ngành giáo dục, các Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện không áp chỉ tiêu một cách cứng nhắc mà cần nhìn nhận thực tế của ngành mình, địa phương mình mà giao chỉ tiêu cho các đơn vị nhà trường.
THANH HUY (chungthanhhuy@gmail.com)
(Dẫn nguồn SGGPO)