(GLO)- Sau 3 năm triển khai, chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) đã giúp nhiều trường học vùng khó ở Gia Lai có được các công trình vệ sinh và nước sạch đảm bảo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Hiệu quả thiết thực
Cách trung tâm huyện Ia Grai khoảng 15 km, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Hrung) có 5 điểm trường làng và 1 cụm trung tâm. Từ lâu, nhà trường luôn chú trọng đến công tác giữ gìn vệ sinh để bảo vệ sức khỏe học sinh.
Đặc biệt, năm 2018, nhà trường tham gia chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn WB ở tiểu hợp phần “Truyền thông, giáo dục hành vi hợp vệ sinh”. Từ đó, nhận thức và hành vi của giáo viên, học sinh đã có những thay đổi tích cực. Vừa qua, nhà trường được huyện đầu tư lắp đặt hệ thống lọc nước uống với kinh phí hơn 130 triệu đồng; đồng thời chủ động trích 70 triệu đồng từ nguồn chi thường xuyên để khoan giếng nhằm chủ động nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Cô Bùi Thị Hà-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Hiện nay, hệ thống nhà vệ sinh, nước sạch cho giáo viên, học sinh tương đối đầy đủ ở cả điểm chính và điểm lẻ. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhà trường thường xuyên sửa chữa, tu bổ các nhà vệ sinh bị hư hỏng; thường xuyên vệ sinh hệ thống chậu rửa tay và cung cấp đầy đủ xà phòng, khăn, giấy vệ sinh…, hướng dẫn học sinh cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng đúng cách. Riêng tại 3 điểm trường chưa có hệ thống bồn rửa tay, nhà trường đã làm ống dẫn nước lắp vòi rửa và khay đựng xà phòng bên cạnh nhà vệ sinh cho học sinh sử dụng.
Ngoài ra, nhà trường còn tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm vệ sinh môi trường, sử dụng, bảo quản công trình nhà vệ sinh; tổ chức cho học sinh tham gia lao động, dọn dẹp vệ sinh trường, lớp hàng tuần và trực nhật, dọn dẹp vệ sinh hàng ngày theo quy định; tăng cường giáo dục hành vi hợp vệ sinh bằng áp phích, vẽ trang trí trên tường và thông qua các bài hát, điệu nhảy tập thể, hoạt động ngoại khóa.
Hầu hết học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) đã ý thức việc rửa tay thường xuyên, đúng cách. Ảnh: Hồng Thi |
“Sau khi được đầu tư, các công trình đã phát huy tác dụng, giúp học sinh có địa điểm vệ sinh kiên cố, sạch sẽ; góp phần đảm bảo các điều kiện phục vụ cho hoạt động sinh hoạt và giáo dục của nhà trường. Đến nay, 100% học sinh đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung, biết rửa tay bằng xà phòng đúng cách, theo 6 bước”-cô Hà chia sẻ.
Năm nay, Trường Mẫu giáo Măng Non (xã Thành An, thị xã An Khê) cũng được cấp kinh phí từ chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” để đầu tư nâng cấp nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh. Công trình đang được triển khai và dự kiến giữa tháng 12 này sẽ hoàn thành. Hiệu trưởng Trần Thị Thu Hằng phấn khởi nói: “Công trình nhà vệ sinh này cùng với dãy phòng học mới vừa được đầu tư xây dựng sẽ tạo nên diện mạo khang trang, sạch đẹp cho nhà trường; giúp chúng tôi có điều kiện tốt hơn để chăm sóc, giáo dục trẻ và tạo niềm tin nơi phụ huynh khi gửi gắm con em học tại trường”.
Gắn với chuyên đề “Trường xanh-sạch-đẹp-an toàn”
Gia Lai là 1 trong 21 tỉnh trên cả nước được chọn triển khai chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn WB. Trong số 3 hợp phần của chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) được giao nhiệm vụ triển khai hợp phần nước sạch và vệ sinh tại một số trường học ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, bắt đầu từ năm 2018.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh về giữ gìn vệ sinh môi trường. Ảnh: Hồng Thi |
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết: Bên cạnh việc đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp, hoạt động cốt lõi của chương trình là truyền thông thay đổi hành vi hợp vệ sinh cho học sinh. Xuất phát từ thực trạng các trường đứng chân ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, phần đông học sinh là người dân tộc thiểu số… thì việc thay đổi hành vi của học sinh phải bắt đầu từ nếp nghĩ, tư duy và năng lực truyền thông, giáo dục hành vi hợp vệ sinh của thầy-cô giáo.
Trên cơ sở tập huấn về kiến thức, kỹ năng hàng năm của Sở GD-ĐT, các trường học xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động truyền thông thường xuyên trong suốt năm học. Hiệu trưởng các trường cam kết thực hiện truyền thông, đảm bảo vệ sinh cảnh quan môi trường, thực hiện các giải pháp đảm bảo nhà vệ sinh cho học sinh đạt các tiêu chuẩn mà chương trình đề ra; cung cấp xà phòng rửa tay cũng như có chỗ rửa tay bằng nước sạch và giáo dục học sinh kỹ năng rửa tay đúng cách theo quy định của Bộ Y tế.
Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT, để tăng cường hơn nữa việc đảm bảo nước sạch và vệ sinh trường học trên địa bàn tỉnh, cuối tháng 11 vừa qua, Sở đã có văn bản đề nghị phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường học liên quan gắn việc triển khai thực hiện chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” với chuyên đề thi đua “Trường xanh-sạch-đẹp-an toàn”; thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tư vấn và hỗ trợ nhằm giúp các trường đạt cũng như tiếp tục duy trì các tiêu chí trong thời gian đến.
Từ năm 2018, Sở GD-ĐT được giao nhiệm vụ triển khai hợp phần nước sạch và vệ sinh tại một số trường học ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã đầu tư sửa chữa và xây mới 59 công trình vệ sinh tại các trường học, riêng năm 2020 là 28 công trình. |
HỒNG THI