* P.V: Từ kết quả thu ngân sách nhà nước trong tháng 1 có thể nói lên được điều gì, thưa ông?
- Ông LÊ MINH NHỰT: Theo dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ Tài chính giao tổng thu nội địa là 5.390 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao là 5.660 tỷ đồng, tăng 270 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao. Trong tháng 1, ngành Thuế tập trung thu các khoản thuế như: thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, lệ phí môn bài. Dự ước thực hiện được 650 tỷ đồng, đạt 11,5% dự toán HĐND tỉnh giao.
Thông qua tình hình thu ngân sách tháng 1-2023, có thể thấy rõ nguồn thu từ một số ngành, lĩnh vực kinh tế vẫn đang chịu tác động từ chính sách tài khóa, tiền tệ như Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn nên số thu vào ngân sách giảm. Bên cạnh đó, đà phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường có xu hướng giảm do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, yếu tố. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì số thu ngân sách của tháng đầu năm vẫn khá tốt, vượt tiến độ thu bình quân là 8,5%/tháng, tạo tiền đề thuận lợi để ngành Thuế phấn đấu quý I-2023 đạt từ 28% dự toán trở lên. Đây cũng là bước khởi đầu quan trọng để toàn ngành quyết tâm phấn đấu hoàn thành đạt và vượt dự toán cả năm.
Ông Lê Minh Nhựt-Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phát biểu tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã. Ảnh: Đức Thụy |
* P.V: Theo ông, trước những thách thức đã được nhận diện, ngành Thuế Gia Lai đã chuẩn bị kịch bản ứng phó như thế nào?
- Ông LÊ MINH NHỰT: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023, ngành Thuế đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó trên tinh thần bám sát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như luôn theo sát diễn biến tình hình chung để kịp thời điều chỉnh giải pháp linh hoạt. Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, quan điểm nhất quán, xuyên suốt là tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách; thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa Cục Thuế tỉnh với các sở, ngành, UBND cấp huyện trong công tác thu ngân sách trên địa bàn.
Một vấn đề mà ngành Thuế hết sức quan tâm là các khoản thu từ tiền sử dụng đất dự toán tỉnh giao 1.350 tỷ đồng và ảnh hưởng giảm thu từ thực hiện các chính sách hỗ trợ người nộp thuế, riêng giảm thuế bảo vệ môi trường đã dự ước giảm thu 340 tỷ đồng. Vì thế, ngành Thuế chủ động phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác thu ngân sách năm 2023 trong tháng đầu năm; tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương thực hiện việc giải phóng mặt bằng, hồ sơ thủ tục pháp lý để thực hiện đấu giá đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất để cơ quan thuế thu tiền đất kịp thời vào ngân sách. Bên cạnh đó, thường xuyên phân tích, đánh giá các khoản thu, sắc thuế, từng địa bàn để có giải pháp cụ thể đối với các khoản thu chưa bảo đảm tiến độ so với dự toán được giao, theo dõi nắm bắt thông tin để có giải pháp khai thác nguồn thu từ các dự án đầu tư mới.
Năm 2023, ngành Thuế tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người nộp thuế góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Ảnh: Sơn Ca |
* P.V:Trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển, ngành Thuế Gia Lai đặt kỳ vọng tăng trưởng nguồn thu đối với những ngành, lĩnh vực nào, thưa ông?
- Ông LÊ MINH NHỰT: Nhìn lại kết quả năm 2022, thu nội địa đạt và vượt tiến độ ở hầu hết các quý. Trong đó, 8 khu vực, sắc thuế đạt và vượt dự toán như: thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực công thương nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ... Đây cũng là những chỉ số thể hiện “sức khỏe” tài chính doanh nghiệp gắn với đà phục hồi tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2023, ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế để tạo động lực phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách. Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá từng khoản thu sắc thuế, ngành Thuế tiếp tục triển khai quyết liệt các chuyên đề chống thất thu từ giao dịch liên kết, thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, khoáng sản, xây dựng cơ bản nhà ở tư nhân, chuyển nhượng bất động sản, thanh-kiểm tra tiền thuê đất. Đặc biệt, theo sát tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo để mở rộng cơ sở thu, tăng trưởng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là những lĩnh vực có dư địa khai thác mang tính ổn định, bền vững đối với nguồn thu ngân sách nhà nước.
* P.V: Xin cảm ơn ông!