Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ngày gió đông về trên Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng sớm, Hiệp-người bạn học với tôi suốt 12 năm nhắn tin: “Hà Nội cuối thu đầu đông, cái lạnh ùa về, đẹp quá cậu ạ”. 
Hiệp sinh ra và lớn lên ở Gia Lai nhưng học xong đại học thì được giữ lại trường và làm bác sĩ tại Hà Nội. Sau thì cả gia đình ra đó định cư. Thế nhưng, cái chất Tây Nguyên vẫn ngấm chảy trong huyết mạch của bạn, để đến mỗi độ chuyển gió sang mùa, thể nào cũng nhắn tôi, hỏi về ngày hoa dã quỳ nở. Hoặc cả khi đi làm về trên con đường ùn ứ xe, bạn cũng nhắn một đôi câu đại loại như: "Thèm những con đường thênh thang bạt gió. Nhớ cái vẻ yên bình của đồng quê nơi tụi mình lớn lên có những phụ nữ Bahnar địu con gánh củi. Nhớ cái nắng trên ấy khô khốc. Nhớ mùa này hoa dã quỳ đã nở vàng từng độ...".
Đọc tin nhắn của Hiệp, tôi hiểu nỗi nhớ quê hương đang từng ngày, từng ngày nhân lên trong bạn. Để rồi chiều qua, khi bắt gặp những vạt dã quỳ đang rực vàng trong gió, tôi vội chụp và gửi cho bạn. Và, chỉ sau đó 1 ngày, Hiệp đã ngồi cùng tôi, trong sớm Pleiku mờ sương, bên ly cà phê ấm nóng. Hiệp bảo, cố lắm nhưng không thể dời việc, nghĩ thế thôi bứt 2 ngày cuối tuần để đi, lái thẳng xe ra sân bay lấy vé rồi vào luôn. Cũng chỉ như vậy mới có thể cùng tôi bên phố yên bình.
Phố núi của chúng tôi không phân định 4 mùa. Khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo cùng độ cao của núi đã đẩy một ngày 4 mùa ở Pleiku rõ nét. Nhất là khi giao mùa lại càng dễ nhận ra. Ngắt mưa là khi trời có không khí lạnh. Sáng sương đổ dồn ở những góc cao thành phố.
Nhà tôi ở ngoại ô. Ngày nào đi làm cũng phải xuyên qua ảo ảnh của màn sương dày mịt ấy. Trời cũng lạ, cứ sương nhiều là nắng to rồi trời đổ chiều lạnh khe khẽ. Chỉ cần ra quảng trường Đại Đoàn Kết mùa này là thấy ngay tiết trời chuyển rõ. Nắng vàng hươm cuối ngày vừa đó mà cái lạnh đã nhẹ theo gió luồn vào trong khăn áo. Tôi phải giục tụi trẻ chạy nhanh về nhà. Buổi tối, sương phả hơi nước vào làm mờ ô cửa kính nhà.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Những cơn bão cuối năm cũng yếu dần và cũng có gây mưa. Những vạt hoa dã quỳ ven vệ đường đã nở rộ khi gió về, đông chớm. Trong nắng trưa, hoa đượm hơn, nhưng gió khô làm những tàn lá dần trở úa. Dưới làn trời xanh và cao vút, những tảng mây trắng lập lờ đung đưa theo gió và hoa. Trời xanh, hoa vàng, đất đỏ, những màu sắc ấy mặn mà, miên man, khởi vẽ một mùa lễ hội trên cao nguyên bazan đầy hứng khởi.
Tôi nhắc Hiệp đánh dấu trên lịch, hết lễ hội đua thuyền trên sông Pô Cô thì sẽ đến tuần lễ thưởng ngoạn hoa dã quỳ Chư Đang Ya. Dù sông Pô Cô không lạ, hoa dã quỳ trên đất Tây Nguyên đâu đâu cũng có nhưng để biến nó thành lễ hội thì đó là sự tài hoa và sáng tạo của con người. Tôi mong chờ những dịp như thế để cùng bạn bè, người thân nghỉ ngơi, thưởng ngoạn trong những ngày lập đông gió về.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm