Du lịch

Ngày hội du lịch Kbang: Kết tinh văn hóa đại ngàn Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Huyện Kbang sở hữu nhiều sản vật nổi tiếng cùng hệ thống di sản đa dạng, mang đặc trưng văn hóa rừng. Ngày hội du lịch Kbang lần thứ 4 diễn ra từ ngày 4 đến 6-8 tiếp tục quảng bá các giá trị độc đáo của vùng đất nơi đại ngàn Trường Sơn đến với bạn bè và du khách, khẳng định sức hấp dẫn của điểm đến này trên cung đường du lịch phía Đông tỉnh Gia Lai.

Quà của rừng

Câu chuyện về văn hóa sống dựa vào rừng của cư dân vùng Đông Trường Sơn luôn gợi tò mò và có sức hấp dẫn. Trong khuôn khổ Ngày hội du lịch Kbang năm 2023, Hội chợ nông sản-thực phẩm với sự tham gia của 148 gian hàng tựa như một phiên chợ “bán” cả những câu chuyện tiếp nối từ ngàn đời về việc giữ rừng của con người. Trong đó, các sản vật chính là món quà vô giá từ rừng, là minh chứng cho mạch nguồn giữ rừng ấy.

Hàng trăm gian hàng trưng bày những nông-lâm sản, thực phẩm thế mạnh của huyện Kbang, mang đặc trưng riêng có, là chỉ dẫn địa lý cho mỗi vùng đất. Nhiều sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu như các loại sâm rừng, nấm rừng, cây dược liệu, mật ong rừng, mật nhân, cam, hạt mắc ca, gạo lứt đỏ (gạo bọc thép), gạo Sơ Pai, heo đen… Tinh hoa của mỗi vùng đất hội tụ trong từng sản vật cũng chính là đặc trưng riêng để du khách dễ nhận diện về một vùng đất khi ghé đến.

Qua hội chợ, người ta nhìn thấy thành quả của quá trình đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng của vùng đất Kbang. Mỗi xã có một sản phẩm đặc trưng được sản xuất, khai thác một cách bền vững theo chuỗi giá trị.

Hội chợ nông sản-thực phẩm quy tụ 148 gian hàng với nhiều sản vật từ rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Hội chợ nông sản-thực phẩm quy tụ 148 gian hàng với nhiều sản vật từ rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đoàn du khách đến từ tỉnh Thái Bình dừng lại trước gian hàng bày bán các loại dược liệu từ rừng của chị Nguyễn Thị Thanh Thảo và không ai ra về tay không. Ông Nguyễn Thành Vân chia sẻ: “Chúng tôi không ngờ hàng hóa nơi đây, nhất là các dược liệu từ rừng lại phong phú đến như vậy. Tôi mua mật nhân và nấm linh chi. Đây là 2 sản phẩm được mọi người truyền tai đến Kbang nhất định phải mang về”.

Anh Nguyễn Vĩnh Thụy-du khách đến từ miền Tây Nam Bộ vừa đi dạo “phiên chợ vùng cao”, vừa livestream giới thiệu cho bạn bè ở xa cùng xem. Anh hào hứng: “Đoàn chúng tôi vừa đi thác 50 trở ra thị trấn. Vì trải nghiệm sự phong phú, giàu có của rừng Kbang nên chúng tôi rất muốn mua dược liệu để mang chút “hương rừng” về làm quà. Ngoài dược liệu, tôi còn mua thêm các sản phẩm của người bản địa như: men lá, “gạo bọc thép” Krong, hoa nghệ rừng. Cách bán hàng của người dân cũng rất thân thiện, cởi mở”.

Giới thiệu loại men làm bằng nguyên liệu từ rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Giới thiệu loại men làm bằng nguyên liệu từ rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Trong năm thứ 2 tham gia giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội du lịch Kbang, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo-Chủ gian hàng dược liệu rừng Thủy Hiền (thị trấn Kbang) cho biết: “Hàng chục năm trước, cha mẹ tôi đã nhìn thấy nguồn tài nguyên vô giá từ rừng và thu mua, kinh doanh dược liệu, mật ong rừng. Các sản phẩm sơ chế, bán thô là chủ yếu và được khách hàng cả nước, nhất là thị trường phía Bắc biết tới với thương hiệu Thủy Hiền. Khi tiếp nhận việc kinh doanh của gia đình, tôi bắt đầu chú trọng đầu tư hình thức, đóng bao bì có tem nhãn để nhận diện thương hiệu. Mới đây, sản phẩm dược liệu của chúng tôi may mắn được một công ty du lịch đặt làm quà tặng cho đoàn du khách gần 100 người đến từ Hà Nội. Qua các lần tham gia hội chợ, tôi cũng nhìn thấy thị trường đầy tiềm năng để giới thiệu, quảng bá dược liệu Kbang qua con đường du lịch”.

Sản vật từ rừng Kbang đã trở thành hàng hóa, quà tặng theo chân bao du khách trở về xuôi, mang theo câu chuyện về đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Không quá khi nói rằng, quà của rừng đã trở thành “đại sứ” của du lịch địa phương.

Tour du lịch giàu cảm xúc

Phục dựng lễ tạ ơn của người Bahnar tại Làng kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung-quê hương Anh hùng Núp và lễ mừng lúa mới tại làng Mơ Hra Đáp (xã Kông Lơng Khơng) là 2 hoạt động văn hóa nổi bật trong khuôn khổ Ngày hội du lịch Kbang. Các hoạt động được tổ chức ở “ngoại vi” làm phong phú thêm sự trải nghiệm cho du khách khi đến với Kbang dịp này.

Từ trung tâm thị trấn Kbang đến các ngôi làng du lịch chừng 15-17 km trên cùng một cung đường di sản. Những ngọn gió của Trường Sơn thổi qua tai như kể thêm những câu chuyện của núi rừng đại ngàn với khách phương xa. Nếu di sản văn hóa là điểm tựa cho sự phát triển thì Kbang có thể tự hào khi sở hữu những sản phẩm du lịch văn hóa đầu tiên của tỉnh, thu hút nhiều đoàn du khách và các đơn vị lữ hành khảo sát, xây dựng tour tuyến để kết nối.

Phục dựng lễ mừng lúa mới của dân tộc Bahnar tại làng Mơ Hra Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang. Ảnh: Đức Thụy

Phục dựng lễ mừng lúa mới của dân tộc Bahnar tại làng Mơ Hra Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang. Ảnh: Đức Thụy

Ngày hội du lịch Kbang lần thứ 4 đã thu hút 32 ngàn lượt người đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm các hoạt động du lịch. Tổng doanh số kinh doanh hàng hóa và hoạt động dịch vụ ước đạt 5,6 tỷ đồng.

Tham gia hoạt động phục dựng lễ tạ ơn của người Bahnar, du khách cùng vít rượu cần, chìm đắm trong sắc màu của thổ cẩm, thưởng thức âm nhạc của rừng già qua thanh âm của tre nứa mộc mạc. Di sản sống chính là cách đánh thức cảm xúc, làm du khách rung động trong từng hoạt động thú vị như vậy.

Anh Đinh Văn Tâm-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh-chia sẻ: “Vợ tôi là người Kbang nhưng đây là lần đầu hai vợ chồng được đến với ngôi làng của Anh hùng Núp. Mọi thứ với tôi rất mới mẻ và hấp dẫn. Ngoài tham gia các hoạt động văn hóa, chúng tôi còn đặt cơm do người dân của làng chuẩn bị với các món truyền thống Bahnar”.

Còn chị Đinh Thị Vân Anh-du khách đến từ tỉnh Thái Bình thì cho biết: “Vùng đất này hấp dẫn ở chỗ có nhiều trải nghiệm ở 1 điểm đến. Trên cùng cung đường, chúng tôi có cơ hội trải nghiệm nhiều loại hình văn hóa của cộng đồng, các thắng cảnh như thác 50, thác Hang Dơi gần trung tâm thị trấn, mua các sản phẩm đặc sản mà không nơi nào có. Đặc biệt, ẩm thực truyền thống rất ngon”.

Người dân uống rượu cần trong lễ tạ ơn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Người dân uống rượu cần trong lễ tạ ơn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đứng chủ lễ tạ ơn, ông Hmê-già làng Stơr-phấn khởi cho biết: “Nhiều đoàn khách du lịch đến làng muốn trải nghiệm cồng chiêng, các món ăn truyền thống hay tham gia các sinh hoạt hàng ngày như: giã gạo, dệt vải, đan lát… khiến bà con nâng cao ý thức hơn trong gìn giữ truyền thống văn hóa”. Không khí rộn ràng của Ngày hội du lịch Kbang khép lại nhưng mở ra nhiều cơ hội mới để vùng đất nơi đại ngàn Trường Sơn được biết đến nhiều hơn. Nhất là tư duy làm du lịch của cộng đồng đã thay đổi rõ rệt. Người dân ý thức rằng di sản đã trở thành tài sản để gìn giữ, phát huy.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng-Trưởng ban tổ chức Ngày hội du lịch Kbang-cho biết: Kbang có những lợi thế nổi bật về di sản văn hóa, thiên nhiên, truyền thống cách mạng và rất nhiều sản vật đặc trưng. “Sự hội tụ các giá trị này đã làm nên vùng đất giàu có về tài nguyên bản địa và di sản văn hóa, được các thế hệ người dân gìn giữ, bảo vệ, trở thành nguồn lực vô giá. Ngày hội du lịch là cơ hội để huyện Kbang đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm du lịch riêng có tới bạn bè, du khách, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn”-Chủ tịch UBND huyện Kbang nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm