(GLO)- Những ngày này, miền Trung đang chìm trong lũ lụt. Nước tràn ngập khắp mọi làng quê cho đến thành thị. Nước trắng băng những cánh đồng. Những con đường ngập nước như sông.
Trong những cơn lũ ấy, hàng chục người đã tử nạn, hàng chục người mất tích. Ruộng đồng bị nước cuốn trôi, hoa màu ngập giữa mênh mông nước, núi đồi sạt lở, không biết bao nhiêu ngôi nhà bị đổ sập. Hàng đàn gia súc, gia cầm chết chìm theo lũ. Bao nhiêu phận người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, lênh đênh nổi trôi cùng nước!
Rừng đang nổi giận!
Sông đang nổi giận!
Lão Tử-một học giả cổ đại-thuận theo thiên nhiên, gọi đó là phản phục!
Ngoài việc trời làm nên mưa bão theo chu kỳ vận động của khí quyển, nguyên nhân lũ lụt tàn khốc còn 2 vấn đề rất trọng yếu là nạn phá rừng và hậu quả của thủy điện.
Tôi cứ nhớ mãi câu nói của ông Nguyễn Tố-Trưởng ban Quản lý công trình xây dựng hồ Ayun Hạ rộng 3.700 ha (một công trình được cho là hiệu quả nhất miền Trung-Tây Nguyên, là công trình đặc biệt không có tham nhũng, không bị rơi rớt kinh phí đầu tư) khi ông khẳng định rằng, mỗi cây cổ thụ là 1 công trình thủy lợi nhỏ!
Khi nghiên cứu về cây rừng, tôi nhận thấy, những cây đại thụ có tác dụng rất lớn trong việc điều hòa nước. Mỗi cây cổ thụ, nhờ các mao mạch và tính chất thẩm thấu có thể hút nước ngang bằng 1 máy bơm công suất lớn lên một tòa nhà 50 tầng! Các mạch nước trong thân cây đại thụ sẽ tự điều hòa lượng nước, làm cho mặt đất không quá khô hạn, đồng thời không bị ngập úng.
Lá cây có bộ phận gọi là “khí khổng”, là cơ quan điều hòa lượng nước cho cây rất vi diệu. Khi thiếu nước, khí khổng đóng lại để giảm thoát hơi nước vào không khí; khi thừa nước, khí khổng tự mở ra, tạo nên sự thoát hơi nước từ thân cây vào không khí. Một điều quan trọng nữa là hệ thống rễ cây nhờ bám chắc vào lòng đất mà giúp cho mặt đất không bị rửa trôi, không bị sạt lở, đất được ràng rịt kết cấu chặt chẽ hơn.
Bây giờ, những rừng cây đã trọc trơ xói lở, mất dần sức sống nguyên sinh. Một thời, người ta khai phá rừng lấy gỗ, lấy chất đốt, có nơi còn đào cả gốc cây để làm củi. Sau này có điện, cây rừng thoát được nạn chất đốt thì gặp nạn trồng lương thực cứu đói. Có thời điểm phải đổi rừng già cổ thụ lấy khoai, mì, lúa rẫy... Cuối cùng là nông nghiệp hàng hóa giáng đòn chí tử khiến rừng tê liệt hẳn. Rừng tự nhiên thành bạt ngàn bắp, bạt ngàn mì, bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê…
Về thủy điện, ngoài cái lợi kinh tế điện năng sạch thì có lẽ nó có 2 vấn đề về môi trường. Thứ nhất, hầu hết các công trình thủy lợi được xây dựng trên miền rừng, nó đã góp phần xóa sổ khá nhiều những cánh rừng cổ thụ nguyên sinh. Thứ hai, việc tích nước trong mùa khô dễ gây hạn cho hạ lưu làm “chết” những dòng sông, đồng thời việc xả lũ trong mùa mưa dễ gây ra hiện tượng lũ chồng lũ.
Ảnh minh họa: Văn Ngọc |
Sông Cửu Long hiền hòa nhờ một phần rất quan trọng là bởi hồ Tonlé Sap (Biển Hồ Campuchia) có tác dụng điều hòa nước. Mùa mưa, hồ Tonlé Sap tăng gấp 5 lần diện tích mặt nước so với mùa khô. Tương tự như sông Trường Giang (Trung Quốc) có các hồ chứa nước lớn như: Động Đình, Bà Dương, Thanh Hải… điều hòa nước trong mùa lũ và mùa cạn. Đó là những hồ hoàn toàn tự nhiên, nước vào, nước ra theo mực nước sông của từng thời điểm trong năm, không hề có sự can thiệp của con người.
Miền Trung sông ngắn, dải đồng bằng hẹp, hết rừng, mưa thì bao nhiêu nước đổ ập ngay xuống đồng ruộng làng quê.
Dãy Trường Sơn vào Nam Trung Bộ thì chẻ làm 2 là Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Hai dãy Trường Sơn này tạo nên một vòng cung bao quanh mạn Đông của Tây Nguyên, tạo thế đất nghiêng về phía Campuchia. Phần lớn lượng mưa ở Tây Nguyên đều chảy về Campuchia rồi đổ về sông Cửu Long. Mái Đông của Trường Sơn Tây và mái Tây của Trường Sơn Đông tạo thành 2 con sông đổ về Việt Nam là sông Ba chảy về đồng bằng Tuy Hòa-Phú Yên; sông Đồng Nai chảy qua miền Đông, xuôi về TP. Hồ Chí Minh.
Mái Đông của Trường Sơn Đông đổ hết nước về dải đất Nam Trung Bộ. Toàn bộ sườn Đông của Trường Sơn vì vậy có vai trò rất quan trọng trong mưa lũ của miền Trung. Đến nay thì Trường Sơn không điều hòa được nước cho cả dải đất miền Trung nữa, nó đã ốm yếu, ọp ẹp sau những mưu sinh tàn sát không thương tiếc của con người.
Nhìn lũ, thương xót đồng bằng mà cũng ngậm ngùi cho rừng!
Trường Sơn nằm trọn trong lòng miền Trung. Những ngày này, Trường Sơn bất lực trước “thủy họa” sôi sục cuốn trào!
Thương lắm miền Trung!
Thương lắm những cánh rừng!
PHẠM ĐỨC LONG