Xã hội

Đời sống

NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM (20-10): Phụ nữ hạnh phúc, xã hội phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày nay, phụ nữ được trao quyền nhiều hơn, có nhiều cơ hội để phát triển nhưng còn đó những thách thức.

Xã hội ngày nay đã đổi mới, phát triển, khả năng kết nối rất cao và vì thế cũng đối mặt với nhiều thách thức, vấn đề, cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Chịu nhiều áp lực

Hiện mọi quốc gia trên thế giới đều đang hướng về bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ đang được đẩy mạnh. Tại Việt Nam, người phụ nữ được xem trọng, nhận được nhiều sự ưu ái, sự quan tâm của xã hội và chính quyền. Đồng thời có nhiều cơ hội để phát triển cả về mặt kiến thức lẫn kỹ năng và sự kết nối trong xã hội.

Khác với trước đây, ngày nay ở những tổ chức cao cấp, cơ quan quản lý…, người phụ nữ được đặt chân vào hoặc thậm chí đứng vào những vị trí rất cao.

Điều này giúp cho phụ nữ có thể phát huy những tiềm năng bên trong của mình và đồng hành với nam giới xây dựng xã hội văn minh. Như vậy, có thể nói rằng người phụ nữ trong xã hội hiện đại đang mỗi ngày chứng minh được vai trò và tầm ảnh hưởng của mình.

Tuy nhiên thực tế, còn có những thách thức mà người phụ nữ gặp phải. Một mặt chúng ta thừa nhận phụ nữ có một vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại, họ có nhiều điểm mạnh, có khả năng lãnh đạo…

Nhưng cũng không thể chối bỏ đâu đó vẫn còn nhiều định kiến, quan niệm cổ hủ, lỗi thời, điển hình cách phân công công việc mà có những việc hiển nhiên xem là của phụ nữ.

Ví dụ chăm con, nấu ăn, nuôi dạy con… được "gắn nhãn" cho phụ nữ. Hay việc làm dâu trở thành gánh nặng hơn là việc làm rể. Chưa kể, trong gia đình, dường như người phụ nữ bị "hiểu ngầm" phải gồng gánh nhiều vai trò khác nhau và đôi khi những vai trò đó lại chồng chéo và đối ngược nhau.

Minh họa AI: VY THƯ
Minh họa AI: VY THƯ

Người phụ nữ ngoài xã hội được kỳ vọng sẽ phát triển, cống hiến nhiều cho công việc nhưng trong gia đình, người phụ nữ được kỳ vọng phải toàn tâm toàn lực cho gia đình, con cái.

Ví dụ bác sĩ khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ tối thiểu 12 tháng nhưng xã hội thì yêu cầu người phụ nữ phải nhanh chóng thoát khỏi chuyện "ở ẩn mẹ bỉm sữa" để thực hiện công tác trong xã hội.

Ba mẹ chồng ao ước con dâu toàn tâm toàn lực nuôi dạy con, giúp đỡ chồng nhưng gia đình nhà ngoại thì lại rất mong con mình phát triển, đạt được những thành tựu trong xã hội. Đó là chưa nói đến mong ước riêng và hướng phát triển riêng, sự nghiệp của người phụ nữ.

Như vậy, xét giữa nam giới và nữ giới thì rõ ràng nữ giới đang bị nhiều áp lực vô hình từ nhiều phía và điều đó sẽ ảnh hưởng đến những thứ tự ưu tiên cũng như cách sắp xếp công việc của người phụ nữ.

Cần môi trường an toàn, bình đẳng và tôn trọng

Với những áp lực lớn khi phải cân bằng giữa các vai trò trong gia đình nhỏ, gia đình lớn và xã hội khiến người phụ nữ bận rộn không ngừng, nhiều người thiếu thời gian chăm sóc bản thân, đôi khi quên mất nhu cầu cá nhân và sức khỏe tinh thần. Điều này đặt ra thách thức lớn về sự cân bằng và hạnh phúc cá nhân.

Câu hỏi đặt ra là thời gian đâu họ dành cho bản thân, để suy nghĩ, để lắng nghe cảm xúc, làm bạn với bản thân? Trước hết, người phụ nữ phải ý thức được rằng họ khỏe mạnh thì gia đình của họ khỏe mạnh. Gia đình họ khỏe mạnh thì xã hội cũng khỏe mạnh.

Muốn vậy, phụ nữ cần chăm sóc sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của bản thân cho thật vững vàng. Khi đó sẽ bắt đầu cống hiến, đầu tiên là cho gia đình và lớn hơn nữa với những nơi chúng ta đang làm việc, với những vị trí ở trong xã hội mà chúng ta đang có.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa hạnh phúc của phụ nữ và hạnh phúc xã hội là sự tương tác sâu sắc, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển bền vững của một quốc gia bởi khi người phụ nữ hạnh phúc, họ không chỉ mang lại niềm vui cho bản thân mà còn lan tỏa hạnh phúc đến gia đình và cộng đồng.

Cụ thể hơn, trong vai trò làm mẹ, làm vợ, phụ nữ là trụ cột tinh thần của gia đình. Họ chăm sóc, nuôi dạy con cái và góp phần xây dựng một tổ ấm vững chắc. Khi phụ nữ được sống trong môi trường yêu thương và tôn trọng, họ sẽ cảm nhận được hạnh phúc, từ đó truyền tải giá trị tích cực đến con cái.

Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình mà người mẹ hạnh phúc sẽ có cơ hội phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn cảm xúc, hình thành nên những cá nhân có tinh thần cống hiến cho xã hội.

Phụ nữ ngày nay tham gia vào nhiều lĩnh vực. Khi phụ nữ hạnh phúc và được tạo điều kiện phát triển bản thân, họ không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của mình mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội.

Những thành công của phụ nữ trong công việc tạo ra sự bình đẳng và tiến bộ, là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Hơn nữa, phụ nữ hạnh phúc cũng có xu hướng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thiện nguyện và cộng đồng, tạo nên một xã hội gắn kết, giàu lòng nhân ái.

Để phụ nữ đạt được hạnh phúc, xã hội cần tạo ra một môi trường an toàn, bình đẳng và tôn trọng. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng về vai trò của phụ nữ, bảo đảm rằng họ có cơ hội phát triển nghề nghiệp và được đối xử công bằng trong mọi lĩnh vực. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ phụ nữ như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo vệ quyền lợi cần được chú trọng.

Ngoài ra, mỗi người phụ nữ cũng cần tự trao quyền cho chính mình bằng cách nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng, tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và gia đình.

Phụ nữ là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự thịnh vượng và ổn định của xã hội. Khi phụ nữ biết yêu thương và chăm sóc bản thân, họ có thể mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh.

ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui (Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP HCM)

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm