TN - Đất & Người

Ngày Tết xa quê của người Tày - Nùng trên Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vào thời khắc giao thừa, mỗi gia đình đều cử một thành viên đi lấy nước về cúng tổ tiên. Sau đó thanh niên trong làng cùng nhau đi gõ cửa từng nhà chúc Tết, còn người già tụ tập đàn tính, hát then. Những ngày đầu năm mới sẽ diễn ra các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, múa sư tử...
Giao thừa xong là đi lấy nước  
Vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm những hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tày - Nùng ở làng Kdâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai). Dọc con đường làng, chúng tôi đã cảm nhận được không khí ngày Tết rộn rã. Nhà nhà rủ nhau đi hái lá dong, ủ rượu cần, làm các loại bánh cổ truyền, cùng nhau chuẩn bị cây nêu dựng vào chiều 30 Tết để chào một năm mới...
 
Những ngày cuối năm, người dân làng Kdâu lại ngồi lại với nhau làm những món bánh cổ truyền để thưởng thức trong dịp Tết.
Bà Triệu Thị Phong (72 tuổi, người dân tộc Nùng) đã sinh sống gần 30 năm ở làng Kdâu chia sẻ, Tết năm nào cũng vậy, cả gia đình đều ăn Tết cổ truyền theo đúng phong vị của người Nùng ở phía Bắc. “Tết có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Nùng. Tết là tổng kết, đánh giá thành quả trong một năm về lao động, sản xuất… Chính vì vậy, chào đón Tết đến, mọi gia đình đều phải sắm sửa, chuẩn bị thật đầy đủ”, bà Phong nói.
Nói về phong tục ăn Tết của người Nùng, bà Phong cho biết: “Khoảng sau ngày 20 tháng Chạp, tôi cùng các con bắt đầu dọn nhà. 25 đi hái lá dong, đụng heo gói bánh chưng… và đúng vào chiều 30 Tết thì mỗi gia đình phải dựng cây nêu lên trước nhà. “Đối với chúng tôi, lấy cây nêu dựng trước nhà chính là báo hiệu một mùa xuân mới lại về”.
 
Bánh Khẩu Sli, một loại bánh không thể thiếu trong dịp tết của người Tày - Nùng.
Cũng theo bà Phong, vào những ngày cuối năm mọi người trong gia đình không được làm bất cứ thứ gì vi phạm đến tâm linh, hay tín ngưỡng trong gia đình, dòng họ. Do vậy các gia đình đều chỉnh trang nhà cửa, sắp xếp các đồ dùng sinh hoạt ngăn nắp, bàn thờ được trang trí lại, các chân hương cũ trong năm phải bỏ đi.
Cũng là một người xa quê nhiều năm, anh Đổng Văn Tung (55 tuổi, dân tộc Nùng ở làng Kdâu) cho biết, theo phong tục của người Nùng, vào thời khắc giao thừa, khi con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên, mỗi gia đình phải cử một thành viên mang dụng cụ đến mỏ nước hoặc giếng nước để lấy nước mang về nhà đặt lên bàn thờ để báo cáo tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu…
“Hơn nữa, người Nùng có phong tục vào ngày mùng 2 Tết, con gái đi lấy chồng thì phải về chúc Tết bên ngoại. Phải chuẩn bị gà, bánh chưng, bánh khảo, bánh khẩu Sli... để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, cảm ơn đối với người đã sinh thành mình. Đồ lễ đem sang ngoại để cúng tổ tiên trước khi về sẽ được hạ vệ, chia đều cho cả nội và ngoại để thể hiện tình cảm chân thành giữa hai bên thông gia”, ông Tung nói.
Gõ cửa chúc năm mới phát tài                                      
Đàn tính, hát then, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc đồng bào phía Bắc cũng được các hộ dân nơi đây lưu giữ và giao lưu với các đồng bào khác qua lễ hội vui xuân.
Theo già làng ở đây, trong đêm giao thừa thanh niên trong làng sẽ rủ nhau thành một nhóm đi gõ cửa chúc gia chủ một năm mới phát tài. Các ông, bà lớn tuổi không đi được thì sẽ ở nhà đánh đàn, hát then với nhau, cùng nhau thưởng thức những món bánh ngày Tết bên tiếng đàn, câu hát…
 
Nhiều người già trong làng tụ họp lại cùng nhau đàn tính, hát then, bên tách trà nóng để nhớ về quê hương của mình trong những ngày Tết.
Vốn có tài đánh đàn hay nhất làng Kdâu, bà Tô Thị Kiệm (72 tuổi) cho biết: “Nhiều năm sinh sống và lập nghiệp nơi đây, cứ vào dịp lễ hội, xuân về, những người xa quê như chúng tôi lại ngồi bên nhau đàn tính, hát then để nhớ không khí Tết quê nhà. Nhiều người còn làm thơ tặng nhau bằng tiếng Nùng… Lời ca tiếng nhạc hòa chung vào không khí xuân giúp chúng tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ quê”.
Vào dịp Tết, những người dân nơi đây còn vui xuân với những trò chơi như múa sư tử, múa võ, ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo…
Chị Cam Thị Ngọc - Trưởng thôn làng Kdâu cho biết: “Làng hiện có 61 hộ người dân tộc Tày - Nùng đang sinh sống và định cư. Nhiều năm qua, dù xa quê lập nghiệp nhưng người dân nơi đây vẫn gìn giữ những bản sắc ăn Tết cổ truyền đặc trưng của người dân tộc vùng Đông Bắc".
Cũng theo chị Ngọc, bà con xem nơi ở mới như quê hương thứ hai của mình, cùng nhau chung sống hòa thuận với người dân bản xứ. Những nét văn hóa họ mang theo góp phần đa dạng và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.
Văn Hà (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm