Du lịch

Nghe hơi thở Hội An bên bờ Mê Kông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Di sản thế giới Luang Prabang cách Vientiane (Lào) chỉ hơn 400 cây số nhưng đi ô tô mất 10 tiếng đồng hồ, khi phố đêm đã gần thưa khách du lịch, chúng tôi mới đến nơi. Đường đèo dốc chiếm 3/4 lộ trình.
Một khu phố cổ ở Luang Prabang
Trước khi leo đèo, chúng tôi dừng chân ở thị trấn Vang Vieng để ăn trưa. Đây chính là trung điểm của hành trình và gần kề khu bảo tồn động vật hoang dã - khu du lịch thủy điện Nậm Ngừm nên tập trung rất nhiều du khách và nhiều nhà hàng thức ăn khá ngon.
Xe leo qua những vòng cong dựng đứng, cao ngất và nối tiếp nhau. Bên ngoài mưa dần nặng hạt và gió lạnh hơn. Hôm ở thủ đô Vientiane nắng có lúc đến 38 độ C thì ở đây, trên độ cao 1.300 - 1.400 m, chỉ còn 18 độ trong mưa. Con đường đèo một bên là núi, bên kia là vực sâu thăm thẳm, không có lan can phòng hộ mà chỉ rộng đủ cho 2 xe tránh nhau, thật là nguy hiểm.
Mọi người đều căng thẳng, tay nắm chặt chỗ vịn phía ghế trước… Chỉ đến chỗ dừng lại vệ sinh mới nói với nhau vài câu để... lấy lại bình tĩnh. Tôi cứ nghĩ dại, lúc đó nếu xe lạc tay lái hay nổ lốp, cả đoàn chúng tôi sẽ lao tự do ngay xuống vực mà không kịp… hô khẩu hiệu!
Luang Prabang là cố đô của Vương quốc Lane Xang từ thế kỷ 13 - 16, đến nay còn tồn tại nhiều di tích cổ như hoàng cung, các ngôi chùa trên 600 năm tuổi như War Xiềng Thong và các bảo tàng lịch sử.
Được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1995 nhưng nó còn chứa đựng nhiều giá trị kiến trúc mang hơi hướm phương Tây đầu thế kỷ 20 đồng thời là đô thị cổ có sự sinh hoạt của con người tựa phố cổ Hội An ở nước ta. Các dãy phố buôn bán của người Lào, người Hoa khá nhộn nhịp. Phía dọc bờ sông Mê Kông được quy hoạch và quản lý khá tốt nên dù đông du khách vẫn nề nếp và vệ sinh.
Ấn tượng với tôi là các con hẻm và lề đường lát gạch khá tinh tươm và cảnh các nhà sư xuống sông gánh nước và làm ruộng phía ngoại ô mỗi sớm mai, tạo nên những hoạt cảnh sinh động, đáng yêu.
Hầu hết những ngôi nhà dân trong phố nếu không buôn bán hay làm hàng thủ công đều được đón khách đến ở với giá 50 - 75 USD trong những căn phòng gỗ kiểu nhà rường khá thân thiện như ở Hội An. Một chủ nhà trong hẻm có phòng cho thuê nói chính nhờ vậy mà cư dân bản địa như anh vẫn có thu nhập mà không cần đến nhà mặt tiền!
Lần đầu vượt núi non hiểm trở đến Luang Prabang là chuyến đi mạo hiểm và lý thú, nhưng dừng chân ở các khu phố cổ bình yên này tôi vẫn thấy gần gũi ngay vì có nhiều kiến trúc và lối sống thân quen. Nhiều ngôi nhà vẫn giữ lại bộ mái, cột gỗ, tủ thờ, cối đá từ xưa. Một ông cụ lớn tuổi cho biết, trước năm 1945 đã có nhiều thợ mộc từ Hội An và Huế được người Pháp đưa đến đây để dựng nhà cho họ! Giờ thì chúng tôi đã hiểu.
Luang Prabang thật thanh bình vào những buổi sáng sớm với những đoàn tăng lữ áo vàng đi khất thực. Trên những lối phố ấy những người dân sùng kinh đạo Phật đã bày sẵn từ tinh mơ những vật phẩm cúng dường khá cung kính chờ đợi. Một lối sống hiền hòa vốn có của miền đất Phật.
Trương Điện Thắng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm