Kinh tế

Nông nghiệp

Nghề hốt bạc... sau Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau Tết, các nhà vườn làm dịch vụ chăm sóc cây cảnh, mai cảnh trên địa bàn TP. Pleiku vẫn sống khỏe. Chỉ riêng thu nhập từ tiền đặt cọc đã giúp nhiều chủ vườn có một khoản kha khá.
Vườn mai Minh Hào (số 246 đường Phạm Ngọc Thạch, tổ 17, phường Yên Thế) được xếp vào loại lớn nhất nhì trên địa bàn TP. Pleiku. Nếu tháng Chạp, vườn mai này nhộn nhịp mua bán, vận chuyển mai cảnh, cây cảnh về trưng bày thì sau Tết cũng đông vui không kém. Hàng chục chiếc xe tải, xe máy chở mai cảnh, cây cảnh xếp hàng đến nhờ nhà vườn chăm sóc.
Khách hàng chở mai đến gửi chăm tại vườn mai Minh Hào. Ảnh: Hà Phương
Khách hàng chở mai đến gửi chăm tại vườn mai Minh Hào. Ảnh: Hà Phương
Anh Trương Hoài Phong-chủ vườn mai Minh Hào-cho biết: “Đa phần người gửi mai tại vườn của tôi là những khách hàng lâu năm. Vì vậy, số lượng cây gửi tại vườn rất ổn định. So với mọi năm thì năm nay lượng khách hàng đến hỏi gửi nhờ chăm mai còn nhiều hơn. Hiện tôi đã nhận trên 400 cây mai của khách quen. Tôi không nhận thêm nữa vì vườn đã hết chỗ”.
Là khách hàng thân quen của vườn mai Minh Hào, anh Phan Đình Vũ (tổ 3, phường Diên Hồng) bộc bạch: “6 năm nay, cứ sau Tết là tôi lại chở cây đến vườn mai Minh Hào để gửi nhờ chăm sóc. Cứ vậy mà Tết năm nào cây cũng đều nở hoa đúng dịp. Vườn mai Minh Hào là cơ sở có kỹ thuật chăm sóc tốt, uy tín nên được nhiều khách hàng biết đến và gửi chăm”.
Với kinh nghiệm trồng và chăm sóc mai gần 20 năm, anh Phong chia sẻ: Vườn mai của gia đình có gần 2.000 cây mai lớn nhỏ và mai bonsai. Loài hoa này phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Bắt đầu từ rằm tháng Giêng trở đi, nhà vườn tiến hành cắt tỉa cành, chồi. Tất cả hoa, nụ, chồi non đều bị cắt bỏ. Cây nào có rễ thừa quá nhiều thì cũng phải cắt bỏ bớt, sau đó thay đất. Sau một tuần để cho cây thích ứng với khí hậu và điều kiện sống mới, nhà vườn mới bắt đầu bón phân. Đây là thời gian vất vả nhất bởi phải tất bật cắt tỉa, thay đất, vô chậu, kích rễ, kích lá... Chỉ trong 3 tuần, nhà vườn phải khéo chăm sao cho mai cơ bản đạt đủ lá. “Mỗi nhà vườn có những bí quyết khác nhau, nhưng thông thường, với đặc trưng mùa mưa kéo dài nên loại đất tốt nhất dùng để vào chậu cho cây mai là cát trộn lẫn với phân hữu cơ, vỏ trấu ủ hoai... để rễ cây có được sự thoáng khí, thoát nước tốt, không gây úng, thối rễ”-anh Phong nói.
Tại một số vườn mai khác trên địa bàn TP. Pleiku, hoạt động giao dịch gửi, nhận chăm mai cảnh, cây cảnh, đặt tiền cọc cũng nhộn nhịp không kém. Cơ sở của ông Đặng Kiệt (thôn 6, xã Trà Đa) cũng có hơn 30 năm trồng và chăm sóc mai. Ông Kiệt chia sẻ: Để cây mai nở đúng dịp Tết đòi hỏi phải áp dụng đồng bộ các khâu như: bón phân, tuốt lá, tưới nước... “Ngay từ khi bắt đầu thay đất cho cây nên hạn chế các loại phân có hàm lượng đạm cao. Bắt đầu từ giữa tháng 11 Âm lịch thì nên dừng bón phân vào gốc và hạn chế tưới nước để chuẩn bị tuốt lá”-ông Kiệt “bật mí”.
Có kỹ thuật, tay nghề cao, lại vất vả chăm bẵm cả năm nên thu nhập của các nhà vườn cũng tương đối. Giá gửi chăm cây cảnh, mai ở các nhà vườn gần như không chênh lệch mấy, nhưng mỗi năm đều biến động tăng. “Năm ngoái tôi gửi 2 chậu mai nhỏ cao 1 m/chậu nhờ chăm với giá 1,5 triệu đồng, nhưng năm nay lên đến 2 triệu đồng. Mình không hiểu biết kỹ thuật, không có kinh nghiệm  nên giá chăm mai dẫu có nâng lên đôi chút thì cũng đành chấp nhận thôi”-một khách hàng cho biết. Những cây cảnh lớn, gốc mai lớn thì giá chăm sóc cao hơn, dao động 5-7 triệu đồng/cây/năm. Tính sơ sơ, nếu bình quân giá chăm 1 chậu mai là 2 triệu đồng thì với 200 chậu, nhà vườn thu mỗi năm 400 triệu đồng. Ngay từ những ngày sau Tết, nếu người nhờ chăm cây đặt cọc trước 1/3 giá thì nhà vườn đã có khoản thu hơn 130 triệu đồng ngon ơ!
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm