Kinh tế

Nông nghiệp

Nghề mộc ở Hải Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1985, nhiều hộ dân ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) vào xã Hải Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) xây dựng vùng kinh tế mới mang theo nghề làm mộc nổi tiếng. 
Ông Đỗ Văn Đạo-nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hải Yang-cho biết: “Thời gian đầu, một số thợ mộc làm các vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình và tiêu thụ trong xã. Sau đó, những thợ lành nghề đến các xã lân cận hành nghề. Công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Một số hộ dân thuê thợ, đầu tư mua sắm máy móc, phương tiện, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi về làm bàn ghế, sập nằm, giường ngủ, tủ đựng đồ, đồ mỹ nghệ. Sản phẩm ngày càng đa dạng, thị trường tiêu thụ vươn xa. Nghề mộc Hải Yang từ đó cũng được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến”. 
Do mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt nên sản phẩm mộc của Hải Yang rất có giá. Ví dụ: Bộ bàn ghế gỗ cẩm lai nhập từ châu Phi với bàn dài 9 m, rộng 2 m, dày 32 cm và 2 ghế băng dài 9 m, rộng 0,5 m, dày 35 cm có giá  500 triệu đồng; bộ bàn ghế gỗ hương đỏ với chiếc bàn dài 5 m, mặt bàn rộng 2 m, dày 30 cm và 10 cái ghế đơn có giá 400 triệu đồng; bộ sập gỗ gụ dài 2,2 m, mặt rộng 2 m và dày 20 cm được chạm khắc mỹ thuật có giá 350 triệu đồng. Hay như bộ tượng Phúc-Lộc-Thọ bằng gỗ mun cao 1,7 m có giá 200 triệu đồng…
Một cơ sở sản xuất đồ gỗ ở xã Hải Yang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Hoàng Minh
Một cơ sở sản xuất đồ gỗ ở xã Hải Yang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Hoàng Minh
Các cơ sở kinh doanh ở Hải Yang cho biết giá cả những mặt hàng trên không đổi đã 3 năm nay. Chị Phạm Thị Ngọc Bích-nhân viên Công ty Gỗ Hưng Thịnh Phát Tây Nguyên (thôn 1, xã Hải Yang) giải thích: “Giá các mặt hàng ở đây không tăng là do các cơ sở sản xuất nhập khẩu gỗ ổn định, tận dụng lao động lành nghề tại chỗ, cơ sở chỉ lấy công làm lãi”. Còn anh Nguyễn Đức Thuận-chủ cơ sở sản xuất Đức Thuận (cùng thôn 1) thông tin: “Nghề mộc, chế tác đồ gỗ mỹ nghệ là nghề truyền thống, bà con mang từ quê vào. Bà con chủ yếu làm nương rẫy, mộc chỉ là nghề phụ. Như gia đình tôi vừa làm nghề mộc, vừa canh tác 13 ha cây ăn quả. Trước năm 2020, kinh doanh đồ gỗ có hiệu quả cao nên nghề mộc hưng thịnh, còn 2 năm nay, dịch bệnh, giá cả leo thang nên trầm lắng hẳn. Nhờ nguồn thu nhập làm nông bù vào mà nghề mộc ở đây còn được duy trì”.
Ông Nguyễn Tường Duy-Chủ tịch UBND xã Hải Yang-cho biết: “Toàn xã có 55 cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ. Qua công tác kiểm tra, các cơ sở đều có giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ nhập khẩu từ châu Phi qua Cảng Hải Phòng; một số hộ tận dụng gỗ ở vườn nhà hoặc nương rẫy. Nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, xã yêu cầu chủ các cơ sở mộc ký cam kết không sử dụng gỗ trái phép. Để thuận lợi trong quản lý, tạo việc làm và bảo vệ môi trường, xã đang tích cực vận động các cơ sở mộc tham gia thành lập làng nghề mộc Hải Yang hoặc vào hợp tác xã”.
HOÀNG MINH
 

Có thể bạn quan tâm