Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nghệ nhân Rơ Châm Hmút tận tâm, đa tài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi quen ông Rơ Châm Hmút cách đây tầm 25 năm. Ngày đó, mỗi lần về làng Mrông Yố (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) sưu tầm văn hóa dân gian, tôi đều đến nhà ông ở nhờ. Vợ chồng ông cùng các con sống trong một căn nhà sàn không rộng rãi nhưng cũng chừa cho tôi một chỗ để đêm đêm về nằm ngủ, sau khi đã đi lang thang khắp nơi hỏi han chuyện này việc khác.
Ngày ấy, văn hóa truyền thống ở cơ sở chưa thực sự được quan tâm như bây giờ. Thế nhưng, trong nhà ông Hmút những năm tháng đó luôn ngổn ngang các loại đàn do ông tự chế và cồng chiêng. Mấy cái t’rưng to nhỏ khác nhau đứng cạnh những đàn goong, k’ni… được làm trau chuốt, kèm theo rất nhiều hoa văn được chạm khắc trên thân tre nứa hay vỏ quả bầu. Đáng kể hơn là 2 bộ cồng chiêng đen bóng xếp gọn trong rọ mây, cất nơi góc nhà.
Ông nói với tôi, đại ý: Khi rảnh rang, không đan gùi, mình thường làm đàn chơi cho vui, anh em bạn bè ghé nhà, ai thích thì tặng. Chiêng là của ông bà xưa để lại, mình giữ cho con cháu. Những người Jrai trong và ngoài làng đều quý ông, bởi ông chính là một trong những hạt nhân văn nghệ của cộng đồng, của xã, thậm chí của huyện và tỉnh trong các cuộc liên hoan suốt hàng chục năm liền. 
Bằng tài năng đặc biệt và sự đóng góp tận tâm, ông Hmút đã gặt hái được nhiều giải thưởng, sự tôn vinh trong các cuộc thi, liên hoan văn nghệ dân gian. Ông góp mặt trong hàng chục chương trình liên hoan ở cấp quốc gia và khu vực. Nhiều khi, tôi nghĩ: Hmút chính là một phần linh hồn của cồng chiêng Jrai, văn hóa Jrai, văn hóa Tây Nguyên.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, ông còn là người truyền dạy không biết mệt mỏi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Ông từng đến hầu hết các trường nội trú để dạy cồng chiêng theo yêu cầu. Cũng như vậy, khi được mời, ông trở thành người hướng dẫn nhiệt tình và gần gũi của nhiều đội cồng chiêng ở các huyện.
Một thời gian khá dài, ông Hmút là cộng tác viên đắc lực của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh trong lĩnh vực truyền dạy kỹ thuật diễn xướng cồng chiêng. Có năm, Nhạc viện Quốc gia Việt Nam đón ông ra Hà Nội để truyền dạy về cồng chiêng gần nửa tháng. Cống hiến không mệt mỏi, năm 2015, ông Rơ Châm Hmút được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Hmút (người đánh trống) và các nghệ nhân ở làng. Ảnh: Đức Thụy
Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Hmút (người đánh trống) và các nghệ nhân ở làng. Ảnh: Đức Thụy
Trò chuyện cùng tôi, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan chia sẻ: “Là người gắn bó với âm nhạc gần 40 năm nay và cũng chừng ấy thời gian biết, chơi thân với Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Hmút, tôi thực sự trân trọng, cảm phục và quý mến anh. Anh là người am hiểu nhiều vốn âm nhạc dân gian và có ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Jrai, biết chế tác và sử dụng nhiều loại nhạc cụ. Anh từng lặn lội xuống tận Quảng Nam mua cồng chiêng, rồi chỉnh sửa lại âm thanh cho phù hợp với người Jrai”.
Có lẽ cũng cần nói thêm một điều rất thật là mấy năm gần đây, bệnh tật đã bắt đầu bủa vây người nghệ nhân tài hoa này. Thế nhưng chúng vẫn chưa thể quật ngã được ông. Ông vẫn tiếp tục dạy đánh chiêng và tập đàn cho đám trẻ trong làng.
Cho đến một ngày cuối năm 2020 vừa qua, những biểu hiện của một chứng bệnh nặng đã buộc ông phải dừng làm việc. Và, khi tôi viết những dòng này, ông Hmút đang nằm trên giường bệnh, chạy thận ở Quy Nhơn. Vợ và các con ông đều xác nhận: Ở nhà không còn gì để bán, ngoài vài đám rẫy. Nhưng đất ấy thì chẳng bao nhiêu tiền, mà có muốn bán cũng chẳng thể nhanh được... Tốn kém và vô cùng khó khăn, cả gia đình vẫn đang cùng ông chống lại bệnh tật. Mong sao, Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Hmút sẽ sớm trở lại với công việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà ông hằng yêu quý!
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm