TN - Đất & Người

Nghề rèn của người Mạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.

Ngày nay, các dụng cụ cần thiết phục vụ sản xuất đã phổ biến trên thị trường, nhưng nhiều nghệ nhân dân tộc Mạ ở Lâm Đồng vẫn giữ nghề truyền thống để truyền dạy cho các thế hệ.

Nghệ nhân Điểu K’Bôi truyền dạy nghề rèn cho con trai.

Nghệ nhân Điểu K’Bôi truyền dạy nghề rèn cho con trai.

Nghề rèn của người Mạ đã có từ lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của họ, nhất là hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống. Cùng với sản xuất nông cụ, dụng cụ săn bắn, sản phẩm rèn còn được sử dụng trong các nghi lễ mang yếu tố tâm linh và vật phẩm trao đổi trong cộng đồng, các dân tộc vùng lân cận.

“Nghề rèn của dân tộc Mạ do đàn ông đảm nhận, bởi nghề này khá vất vả, nặng nhọc và cần có sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Để làm được nghề này, những chàng trai người Mạ phải trải qua thời gian học việc khá lâu mới trở thành thợ và làm ra những sản phẩm đạt yêu cầu”, nghệ nhân Điểu K’Bôi, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng chia sẻ.

Giống nhiều đàn ông ở xứ người Mạ xã Đồng Nai Thượng, hàng chục năm qua, già Điểu K’Bôi luôn đau đáu với nghề rèn truyền thống. Ông bảo, ngày nay dao, rựa, búa, rìu… sẵn có trên thị trường, nhưng lò rèn của ông phải thường xuyên “đỏ lửa” để giữ nghề, sản xuất những thứ “hiếm” như xà-gạc, dao nhỏ thường đeo đi rừng và để con cháu biết nghề truyền thống của dân tộc mình.

“Trước đây, thợ rèn người Mạ thường chủ yếu sản xuất xà-gạc (loại thường và xà-gạc nghi lễ), xà bách, dao, rìu, cây chọc lỗ, lao, mũi tên... Nay thì cần cái gì thì sản xuất, nguyên vật liệu dễ kiếm, đồ nghề hiện đại hơn, cốt là giữ nghề”, nghệ nhân Điểu K’Bôi cho biết.

Xưa, nền kinh tế của người Mạ mang tính tự cung, tự cấp nên nghề rèn thủ công ra đời phục vụ cho nhu cầu đời sống của họ. Các sản phẩm rèn chủ yếu là công cụ phục vụ trực tiếp cho lao động sản xuất, nhất là hoạt động phát nương làm rẫy, một số được dùng trong hoạt động săn bắn để bổ sung nguồn thực phẩm cho gia đình.

Những vật dụng như xà-gạc, dao, lao luôn được đàn ông Mạ sử dụng trong các chuyến đi săn thú và là vũ khí trong việc bảo vệ bản thân và buôn làng. Cùng với sử dụng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, săn bắn, một số sản phẩm nghề rèn còn dùng để trao đổi những vật dụng cần thiết. Như một con dao đổi được một con gà đã lớn, cây xà-gạc có thể đổi được hai con lợn con, một cái cuốc có thể ngang giá với hai gùi thóc…

Giống như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Mạ quan niệm vạn vật hữu linh, các vật dụng trong đời sống đều được Yàng (thần linh) bảo vệ, nên nghề rèn của người Mạ cũng gắn liền với những yếu tố đời sống tâm linh. Ví như, cây xà-gạc nghi lễ sẽ được trang trí đẹp, bọc da trâu quanh đầu cán; dao nghi lễ, thường để cắt tiết con vật hiến sinh, vót tua cây nêu, khắc

hoa văn; lao nghi lễ được sử dụng trong nghi thức ăn uống trâu…“Riêng xà-gạc là vật luôn gắn bó với người Mạ, từ lễ đặt tên, lễ trưởng thành đến khi về với rừng Yàng; rồi trong các lễ cầu mùa, mừng lúa mới... Xà-gạc nghi lễ được lưu giữ từ đời này sang đời khác như một báu vật của dòng tộc và chỉ có những người đứng đầu dòng tộc hay già làng mới có loại xà gạc này”, già Điểu K’Bôi cho biết.

Nghề rèn thủ công truyền thống của người Mạ được tổ chức theo quy trình khép kín, từ khâu chọn vật liệu đến chế tác, như chọn phôi sắt; gỗ, tre làm cán đến tạo dáng, tôi sản phẩm và hoàn chỉnh… Dụng cụ nghề rèn khá đơn giản, gồm bếp lò, ống bễ thụt hơi (làm bằng lồ ô), kìm, kẹp, đe, búa, đá mài và máng nước tôi sản phẩm. “Đàn ông Mạ được truyền nghề giống nhau, nhưng để làm được những sản phẩm ưng ý, đẹp và trở thành thợ nổi tiếng trong vùng thì cái đầu phải sáng, cái tay phải giỏi và phải tỉ mỉ, kiên trì”, nghệ nhân Điểu K’Bôi chia sẻ.

Ngày nay, hầu hết các vật dụng phục vụ đời sống, sản xuất đã phổ biến trên thị trường. Song, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn thích sử dụng các công cụ do chính mình làm ra, cùng với những sản phẩm rèn nghi lễ là thứ không thể mua bán, nên nhiều bếp lửa nghề rèn người Mạ vẫn còn đỏ lửa, tuy không còn phổ biến như xưa.

Có thể bạn quan tâm