Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nghệ sĩ Nay Pharr đắm đuối với t'rưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có lẽ Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr là người hiếm hoi ở Tây Nguyên đã mang tiếng đàn trưng đến với bạn bè ở hơn 30 nước trên thế giới. Với ông, âm nhạc dân tộc là huyết mạch của sự sống, trong đó, cây đàn trưng nghiễm nhiên là một phần không thể tách rời. Chỉ vào cây đàn trưng “huyền thoại” của mình, ông tự hào nói: “Mình đã cùng nó đi biểu diễn ở nhiều nước anh em trên khắp thế giới”.
Mới đây, chúng tôi tìm đến nhà nghệ sĩ Nay Pharr. Đó là một căn nhà tường gạch, lợp tôn ở đầu con hẻm thuộc làng Ơi HBiu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa. Dạo này, ông hơi gầy, chân tay đã có phần run run nhưng nước da vẫn trắng và phong thái đĩnh đạc thì vẫn không thể lạc vào đâu được. Với nụ cười hóm hỉnh, ông nói: “Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang tuổi 90 rồi. Cái đầu lúc nhớ, lúc quên”. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông nói: “À, mà nhà báo nhớ viết tên mình chữ “Pharr” có 2 chữ “r” nhé. Có nhiều người cứ viết vắn tắt một chữ “r” thôi”. Ông kể, ngày trước cha mình là cụ Nay Der-người trí thức dân tộc có công sáng lập bộ chữ viết Jrai-nói rằng “Phar” phát âm theo tiếng Anh có nghĩa là xa (far), có lẽ với mong ước con mình sẽ tiến xa.
 Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr bên chiếc đàn trưng huyền thoại. Ảnh: Đ.P
Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr bên chiếc đàn t'rưng huyền thoại. Ảnh: Đ.P
Nói rồi, nghệ sĩ Nay Pharr mang chiếc đàn t'rưng huyền thoại đã cùng mình biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới ra giới thiệu. Cây đàn giờ được bọc trong nhiều lớp bao tải, cất kỹ trong buồng. Từ ngày nghỉ hưu (năm 1992) đến nay, ông ít khi sử dụng đến nó. Theo ông, để tiếng đàn trưng được vang vọng và mang cái hồn của núi rừng thì phải đánh đàn với cả lực và tâm. Ông đứng cạnh cây đàn, 2 tay run run cầm chiếc dùi tre nhỏ lướt trên những ống tre. Cặp mắt lim dim, cả thân mình người nghệ sĩ lắc lư phiêu theo tiếng đàn vừa như gần gũi, vừa như xa xăm, có lúc như tiếng suối chảy róc rách, có lúc vút cao như chim hót, lại có lúc ầm ào như thác đổ…
Dứt mạch cảm xúc, ngồi thủng thẳng nhấp ly trà nóng, nghệ sĩ Nay Pharr kể cho chúng tôi nghe về cái duyên ông đến với đàn trưng. Ông nhớ lại: Trưng tiếng Jrai có nghĩa là “đàn thưa”. Cả thời Pháp thuộc, nó chưa bao giờ ra khỏi làng, bởi người ta cho nó là một thứ nhạc cụ của thời sơ khai. Năm 1952, ông đi bộ đội, làm văn công của Trung đoàn 120, đóng tại tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ). Năm 1954, khi tập kết ra Bắc, ông mang theo đàn trưng nhưng không đánh. Đến khi Đoàn văn công Tây Nguyên được thành lập, cái đêm biểu diễn ra mắt yêu cầu phải có nhạc cụ Tây Nguyên thì nhạc sĩ Nhật Lai mới nhắc ông mang cây đàn trưng ra chơi. Chẳng thể từ chối, ông đánh liều mang đàn ra đệm cho bài “Ra đi” của chính nhạc sĩ Nhật Lai. Khi tiếng đàn vừa cất lên, tất cả khán giả đều vỗ tay tán thưởng vì lần đầu tiên trong đời họ thấy một thứ nhạc cụ lạ lùng, tạo ra âm thanh cũng lạ lùng và hay đến như vậy.
Lúc đầu, cây đàn trưng ông Nay Pharr mang theo được chế tác theo đúng nguyên bản với 11 ống. Được nhạc sĩ Nhật Lai hướng dẫn nhiệt tình, ông đã nghiên cứu nâng lên thành 15 ống theo thang âm. Bắt đầu từ đấy, gần như không đêm diễn nào của đoàn thiếu vắng tiếng đàn trưng. Từ chỗ chỉ lấp ló phía sau cánh gà góp vào các bản hòa tấu, dần dần, ông đưa đàn trưng ra độc tấu. Nghệ sĩ Nay Pharr nhớ mãi lần ông độc tấu bài “Vui được mùa” của nhạc sĩ Huy Thục. Khi tiết mục kết thúc, chính nhạc sĩ Huy Thục cứ xuýt xoa trầm trồ và đã tìm đến nơi ông ở để nhờ ông dạy cách chơi loại đàn độc đáo này.
Nghệ sĩ Nay Pharr nhớ nhất là năm 1959, khi ông cùng anh chị em Đoàn văn công Tây Nguyên được biểu diễn chính thức phục vụ Bác Hồ nhân dịp Tổng thống Indonesia lúc bấy giờ là ông Sukarno sang thăm Việt Nam. Bác ân cần hỏi chuyện rồi chỉ vào cây đàn trưng và các nhạc cụ dân tộc nói: “Đây là những báu vật của Tây Nguyên. Các cháu hãy gắng sức học cho giỏi, chơi cho hay để mai này trở về phục vụ đồng bào”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, đến nay, ông Nay Pharr đã mang đàn trưng đi biểu diễn ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. Giờ đây, bên cạnh cây đàn trưng, tài sản quý giá nhất mà ông gìn giữ kỹ càng là tấm hình chụp chung với Bác Hồ và Tổng thống Sukarno được treo trang trọng trong phòng khách.
Nghệ sĩ Nay Pharr vẫn nhớ như in ngày 5-11-1960, ngày cây đàn trưng lần đầu tiên “xuất ngoại”, chính thức xuất hiện trước khán giả Indonesia. Gương mặt nghệ sĩ già như giãn ra, ánh mắt lấp lánh khi nhớ lại khoảnh khắc ấy. Ông kể: “Không thể quên được cái cảm giác “mang chuông đi đấm xứ người”. Hồi hộp lắm. Khi tiếng đàn cất lên, khán giả đã nhiệt liệt hoan nghênh. Cả Tổng thống Sukarno cũng đến xem và cổ vũ”. Từ thành công bước đầu, ông mang cây đàn trưng của mình đi biểu diễn khắp các quốc gia trên thế giới: từ Trung Quốc đến Triều Tiên, Mông Cổ, Cu Ba, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Bungary, Liên bang Nga… Khán giả nhiều nơi còn yêu cầu ông diễn đi diễn lại nhiều lần, thậm chí chen lấn nhau lại gần hơn để được nhìn thấy rõ cây đàn trưng. Nhưng có lẽ Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai mới là người cảm nhận được rõ nhất sức truyền cảm của cây đàn khi ông nói với cán bộ ta ở Đại sứ quán: “Đã được thưởng thức tiếng đàn này ở Việt Nam nhưng tôi vẫn cứ mê, âm thanh của nó như có lửa. Một cái gì đó cứ rạo rực mãi trong lồng ngực tôi”.         
Suốt cuộc đời nghệ sĩ, ông Nay Pharr tâm niệm đi biểu diễn ở nước bạn không chỉ là để giao lưu với bạn bè quốc tế mà qua âm nhạc ông còn muốn gửi đi một thông điệp rằng: Đất nước ta đã kháng chiến chống giặc ngoại xâm thành công và ý chí của người dân Việt Nam là không gì có thể khuất phục. Và nay, ở cái tuổi đã xế chiều, nghệ sĩ Nay Pharr vẫn đau đáu một nỗi niềm, đó là làm sao để giữ được âm vang của trưng. Theo ông, học chơi trưng không khó, nhưng chơi hay thì không nhiều người làm được. “Ngặt nỗi bây giờ lớp thanh niên không còn mấy người mặn mà với nhạc cụ của dân tộc”-giọng ông trĩu nặng tâm tư.
 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm