Để rồi những di sản ấy được lưu dấu qua các loại hình nghệ thuật vô cùng sống động, giàu bản sắc.
Người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu âm nhạc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh là nhạc sĩ Lê Xuân Hoan. Với ông, âm nhạc dân gian Jrai có sức hấp dẫn lạ lùng: Thang âm điệu thức 5 âm có bán cung, 2 âm điệu đặc trưng, nét giai điệu vừa lảnh lót vừa trầm hùng. Đặc biệt là sự chuyển động giai điệu theo mô hình “lợp ngói” và chuyển dịch độ cao theo mô hình tiết tấu nhất định, nhịp điệu vừa khoan thai gần gũi vừa xa xăm.
Bằng tài năng của mình, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tạo được nhiều tác phẩm âm nhạc tiêu biểu, để đời, thể hiện rõ âm hưởng và phong cách Jrai như: “Bóng cây kơ nia” (Phan Huỳnh Điểu), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp)...
“Hiện nay, cùng với việc khai thác, sử dụng ngôn ngữ âm nhạc đặc trưng của người Jrai, các nhạc sĩ còn đưa cồng chiêng, goong, t’rưng, vòng xoang, chiếc gùi, rượu cần... vào tác phẩm của mình một cách khéo léo, giúp người thưởng thức hiểu sâu hơn về vùng đất, con người Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng.
Tây Nguyên không chỉ giàu truyền thống lịch sử, đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc, mà còn là mảnh đất đã và đang “thay màu áo mới” thông qua các tác phẩm như: “Hát giữa đêm trăng Chư Prông” (Vũ Thanh), “Hỡi em cô gái Ayun Pa” (Minh Khang), “Mưa Tây Nguyên” (Xuân Giao), “Đêm xoang Tây Nguyên” (Văn Chừng-Đào Phong Lan)…”-nhạc sĩ Lê Xuân Hoan nhận định.
Nói về sự gắn bó sâu sắc giữa nghệ sĩ và di sản, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh-chia sẻ: “Gia Lai có 44 dân tộc anh em sinh sống, mỗi tộc người có bản sắc văn hóa riêng trong trang phục, hoa văn, họa tiết trang trí, ngôn ngữ, truyện cổ, tập quán sinh hoạt… Tất cả tạo nên sự phong phú về văn hóa và nghệ thuật. Đây là tư liệu quý cho các văn nghệ sĩ, trong đó có các biên đạo múa khai thác để đưa vào tác phẩm”.
Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng bày tỏ sự khâm phục những tác phẩm nổi tiếng của các biên đạo gạo cội của ngành Múa Việt Nam, trong đó có Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La, Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm. Với ý tưởng xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, lấy bản sắc văn hóa làm nền tảng, các nghệ sĩ tài năng đã biên đạo nên những tác phẩm xuất sắc như: “Múa trống Tây Nguyên”, “Múa Khiêl”, “Múa giã gạo đêm trăng”, “Múa hồn cồng”, “Vui nhà mới”, “Tiếng đàn đêm trăng”...
Trong suốt hành trình cống hiến cho nghệ thuật, hầu hết các nghệ sĩ nhất quán phương châm sáng tạo trên hồn cốt dân tộc nhằm bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống, giá trị di sản cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Các tác giả chuyên ngành văn học cũng thành công từ sự khai thác sức hấp dẫn của di sản, khẳng định nội lực của từng cây bút. Nhà thơ Ngô Thanh Vân-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh-nhìn nhận: “Trong vô vàn đề tài được văn nghệ sĩ đề cập trong sáng tác của mình, chúng ta nhận ra một mạch ngầm len lỏi âm thầm chảy trong đời sống văn học Gia Lai.
Mạch ngầm ấy là mảng đề tài dân tộc thiểu số gắn liền với di sản văn hóa địa phương. Ý thức và trách nhiệm cũng như tình yêu với mảnh đất Tây Nguyên này luôn luôn hiện hữu trong tâm hồn và suy nghĩ của các văn nghệ sĩ”.
Theo nhà thơ Ngô Thanh Vân, có thể dễ dàng tìm thấy những hình ảnh mang đậm tính biểu trưng như: hoa dã quỳ, thông, núi lửa Chư Đang Ya, Biển Hồ, thổ cẩm, rượu cần, điệu xoang, bếp lửa, tiếng chiêng cồng lễ hội... cùng đời sống sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền trong tác phẩm của các tác giả Gia Lai như: Hoàng Thanh Hương, Lê Vi Thủy, Đào An Duyên, Lê Thị Kim Sơn, Lữ Hồng...
“Đọc để phần nào hiểu thêm về tình cảm của họ đối với mảnh đất đã, đang và sẽ “cưu mang”, bồi đắp cho tâm hồn để họ được thăng hoa trong từng trang viết. Một mặt họ vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hóa địa phương trước sự mai một, đồng thời tích cực lan tỏa, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo góp phần phát triển địa phương, nhất là mảng du lịch văn hóa trong thời gian tới”-nhà thơ Ngô Thanh Vân cho biết.
Nói đến những đóng góp âm thầm của người nghệ sĩ trong bảo tồn di sản, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân rất có lý khi nhắc đến vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng tại Gia Lai, đó là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong và họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu.
“Họ dìu nhau cùng tới những thành công và để lại những tác phẩm tuyệt vời về di sản văn hóa cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Họ là sự kết hợp hoàn hảo, để đời nhiều tác phẩm chân thực, đặc biệt giá trị bằng tranh, ảnh”-Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân khẳng định.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong nổi tiếng với tập sách ảnh “Điêu khắc gỗ dân gian Gia Rai-Bahnar”, mà theo nhận xét của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Văn Doanh thì “chắc chắn mỗi tấm ảnh trong tuyển tập này sẽ là những tư liệu một đi không trở lại đối với những ai yêu thích và muốn học hỏi ở tượng gỗ dân gian Tây Nguyên”.
Còn họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đến nay đã có 2 triển lãm cá nhân và nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước với những tác phẩm sơn mài “khiến người xem như đang lạc vào không gian Tây Nguyên đặc trưng không thể lẫn của một vùng văn hóa” như ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân.
Sức sống di sản chưa bao giờ ngừng nghỉ thông qua hoạt động nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ trong cả nước. Mới nhất là chương trình “Bước chân di sản 2” hội tụ những gương mặt nổi tiếng của làng nghệ thuật và giải trí Việt, diễn ra vào tối 22-11 tại Vườn âm nhạc (Nhà hát Lớn Hà Nội).
Tại đây, khán giả được chiêm ngưỡng 6 bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội hào hoa, thanh lịch, tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, con người của vùng đất ngàn năm văn hiến.
Trước đó, tháng 8-2024, cũng tại Hà Nội đã diễn ra triển lãm tranh, tượng chủ đề “Ngày xửa ngày xưa” giới thiệu 39 tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc, tất cả đều lấy cảm hứng từ văn hóa mỹ thuật cổ và các bảo vật quốc gia.
Có thể thấy, từ tình yêu với di sản văn hóa dân tộc, các nghệ sĩ thiết thực gìn giữ, phát triển và quảng bá di sản văn hóa Việt đến người dân trong nước và bạn bè quốc tế thông qua hoạt động nghiên cứu, sáng tác. Thật đáng quý khi trách nhiệm với di sản được người trẻ ý thức và kế thừa với một tình yêu sâu đậm.