Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nghe tiếng đàn goong nhịp tim xôn xao (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đàn goong được ví như “cây đàn tình yêu” của người Jrai, Bahnar khi hợp duyên cho biết bao chàng trai, cô gái. Âm nhạc từ cây đàn mộc mạc này mỗi khi vang lên đều khiến bao “nhịp tim xôn xao”, “chim rừng quên hót”.
Cung đàn mùa xuân
Nghệ nhân Ưu tú A Lip (làng Groi 2, xã Glar, huyện Đak Đoa) dành hẳn một gian lớn trong nhà sàn để cất giữ các loại nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên. Trong số ấy có 2 cây đàn goong đã cũ. Nhưng ký ức của ông về những đêm xuân mượn tiếng đàn để tâm tình với người con gái ông trót đem lòng yêu thì như vừa mới hôm qua.
Thạo đàn goong từ khi còn là thiếu niên, đến khi đủ tuổi trưởng thành để ra ngủ ở nhà rông hàng đêm, A Lip khiến bao người say mê bởi tiếng đàn thánh thót dưới ngôi nhà chung mỗi khi đêm xuống. Mê tiếng đàn goong của A Lip, con trai, con gái trong làng đêm nào cũng tụ tập, mong ngóng để được nghe ông đàn. Nghệ nhân bồi hồi kể lại, vì mê goong mà ông thường mang theo đàn để chơi mọi lúc mọi nơi, có khi còn vừa đi vừa “goong” trên đường làng. Hồi đó, chưa có đèn điện, đêm xuống, những ngôi nhà sàn trầm mặc trong bóng tối. Tiếng đàn goong vì thế càng ngân vang trong đêm thanh vắng và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Nghệ nhân ưu tú A Lich bên cây đàn goong do ông chế tác. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nghệ nhân ưu tú A Lip bên cây đàn goong do ông chế tác. Ảnh: Hoàng Ngọc
Dù được nhiều người thầm để ý nhưng trái tim A Lip chỉ rung động trước cô gái Bahnar nhỏ hơn ông 1 tuổi. Nhút nhát, không dám thổ lộ lòng mình, A Lip mượn tiếng goong để gửi gắm tâm tình. Ông kể: “Mình thường đến trước nhà người yêu, chơi bài nhạc nói về tình yêu đơn phương, có khi chơi bài dân ca nói về những cô gái đi làm rẫy và các chàng trai đi theo để bày tỏ tình cảm. Chàng trai ca ngợi sự đảm đang, tháo vát của cô gái và muốn được đồng hành cùng cô suốt đời”. “Lời tỏ tình” ấy cuối cùng cũng chạm đến trái tim Nhoi-và cô đã trở thành bạn đời của ông. Nghệ nhân Ưu tú nói về cây đàn mà ông rất yêu: “Trong các loại nhạc cụ truyền thống thì goong là loại đàn nhỏ gọn, rất nhẹ nên có thể mang theo khắp nơi, vừa đi vừa chơi được. Goong đánh được nhiều bài nhạc, đặc biệt là những bài nhạc về tình yêu nghe da diết lắm. Người Bahnar thường mượn goong để bày tỏ tình cảm chứ không mấy ai dám nói thẳng nói thật lòng mình”.
Những nghệ sĩ tài hoa
Đâu chỉ có người Bahnar, goong cũng trở thành sứ giả tình yêu cho biết bao chàng trai, cô gái Jrai. Ở làng Jút 1 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), tài đàn và khả năng chế tác nhạc cụ dân tộc của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih đã vang danh khắp cả nước. Nghệ nhân Tih lẳng lặng cầm chiếc goong trong ngổn ngang nhạc cụ ông chuẩn bị giao cho khách, chơi ngẫu hứng một vài giai điệu. Tiếng đàn vang ngân cùng thanh âm của loại đàn gió làm từ tre nứa treo quanh nhà như một hòa âm tự nhiên, khiến tâm trí con người trở nên thanh tĩnh. Ông hỏi chúng tôi “cảm thấy” gì và vui vẻ chia sẻ: “Tiếng đàn goong chính là tiếng lòng của người Jrai qua ngàn đời. Mình đã từng mang goong đi biểu diễn ở một số quốc gia trên thế giới như Anh, Úc, Phần Lan và rất vui khi được nhiều người tán thưởng, bày tỏ sự thích thú và muốn được đến Tây Nguyên để tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc làm từ tre nứa”.
Tình cờ, 2 người nghệ sĩ đại diện cho 2 dân tộc bản địa có dịp gặp gỡ để cùng song tấu một bản nhạc từ cây đàn goong. Nghệ nhân A Lip kể rằng, ông gặp ông Rơ Châm Tih trong một sự kiện văn hóa ở Hà Nội và 2 người đã cùng “goong” với nhau. Tiếng đàn vốn là lời thủ thỉ, tâm tình của 1 người dành cho 1 người ngày càng được cải tiến để có mặt trên những sân khấu lớn, chuyên nghiệp. Âm thanh kỳ diệu của cây đàn mộc mạc trở thành sứ giả làm con người xích lại gần nhau hơn, đồng thời quảng bá văn hóa Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước và thế giới.
Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih đã mang cây đàn goong giới thiệu tại nhiều sân khấu âm nhạc dân gian trong nước và quốc tế. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih đã mang cây đàn goong giới thiệu tại nhiều sân khấu âm nhạc dân gian trong nước và quốc tế. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ngoài Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih, từng có nhiều nghệ sĩ của Gia Lai mang cây đàn goong ra thế giới như cố Nghệ sĩ Ưu tú Thảo Giang, nghệ nhân Rơ Châm Nguych (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai)… Qua ngón đàn tài hoa của các nghệ sĩ, tiếng đàn goong như một “đặc sản” trên các sân khấu âm nhạc dân gian thế giới. Nghệ nhân Rơ Châm Nguych kể rằng, một chuyên gia người Australia nghiên cứu về nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên đã tìm đến nhà để tận nghe ông goong và tìm hiểu về cách chế tác nhạc cụ này. “Nhà nghiên cứu này rất thán phục trước sự sáng tạo của người bản địa Tây Nguyên trong âm nhạc, sáng tạo đơn giản nhưng vô cùng độc đáo, không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới”-nghệ nhân Rơ Châm Nguych cho biết.
Nói về kỹ thuật chế tác cây đàn dân tộc này, nghệ nhân A Lip cho hay, vật liệu rất đơn giản, chỉ gồm 1 ống nứa dài, nửa quả bầu khô, thậm chí dây đàn ông tái chế từ dây phanh xe đạp. Nhưng người chế tác goong nhất định phải biết chơi nhạc cụ này mới có thể làm cho goong “cất lời”. “Người Bahnar vì yêu thích tiếng đàn goong mà bắt chước nhau để chơi chứ ít khi được truyền dạy bài bản. Hiện nay, ngày càng ít người biết chơi loại nhạc cụ này, người chế tác càng hiếm. Vì thế, mình đang tính đến việc truyền dạy cho thế hệ trẻ trong làng cách chơi và chế tác goong để lưu giữ loại nhạc cụ này”-nghệ nhân A Lip chia sẻ.
Nhạc sĩ Ngọc Tường trong những chuyến về buôn làng tìm kiếm chất liệu và cảm hứng sáng tác đã bị tiếng đàn goong mê hoặc. Nhạc sĩ đã viết những ca từ rất đẹp về loại nhạc cụ độc đáo trong kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên: “Nghe tiếng đàn goong/Nhịp tim xôn xao/Nghe tiếng đàn goong/Nhịp chân nghiêng chao/Say với đàn goong/Chim rừng quên hót” (Tiếng đàn đinh goong). Mùa xuân này, nếu có dịp về làng, cùng với lễ hội tưng bừng rộn rã, bạn đừng quên lắng lòng để nghe lời thủ thỉ của tiếng đàn goong. Ở đó, dưới những nóc nhà sàn hay dưới mái nhà rông của làng, vẫn có những nghệ sĩ tài hoa mượn goong để tâm tình với đất trời, với con người.
-----------------------
(*) Lời bài hát “Tiếng đàn đing goong” của nhạc sĩ Ngọc Tường.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm