Nghề tiếp viên hàng không: nhiều cơ hội rộng mở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với mức thu nhập cao, được 'bay' đi đó đây hàng ngày, nghề tiếp viên hàng không trở thành ước mơ của nhiều bạn trẻ.

Tiếp viên hãng Vietnam Airlines



“Vietnam Airlines đang có nhu cầu tuyển dụng tiếp viên hàng không rất lớn. Hằng năm, hội đồng tuyển dụng của chúng tôi cũng có đi đến các trường ĐH tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM... để tuyển dụng. Nhưng chúng tôi thấy nguồn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng còn hơi khó”, bà Vũ Thị Kim Cúc, phó trưởng phòng đào tạo đoàn tiếp viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết.

Nhu cầu nhân lực cao

Hiện nay, sự phát triển bùng nổ của các hãng hàng không nội địa và quốc tế đã dẫn đến nhu cầu tuyển dụng tiếp viên hàng không là rất lớn. Theo đại diện của hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JP), hãng này đã đặt mua 10 máy bay mới 100%.

Cứ một máy bay mới sẽ cần ít nhất là 20 tiếp viên hàng không và 10 phi công. Như vậy, hãng sẽ cần ít nhất 200 tiếp viên hàng không và 100 phi công cho 10 máy bay mới.

Còn theo đại diện của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), năm 2016, hãng đã tuyển 430 tiếp viên hàng không. Năm 2017, con số này sẽ tăng lên 700 và đến năm 2018, hãng sẽ cần 800 tiếp viên hàng không.

Với nhu cầu về nhân lực cao như vậy, cơ hội nghề nghiệp trong ngành tiếp viên hàng không rất rộng mở cho sinh viên. Yêu cầu của các hãng đối với tiếp viên hàng không nam là độ tuổi từ 20-28 tuổi, chiều cao từ 1m65-1m82; với tiếp viên hàng không nữ là độ tuổi từ 20-26 tuổi, chiều cao 1m58-1m75.

Nhiều năm qua, Học viện Hàng không Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong đào tạo cơ bản, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành.

Theo bà Vũ Thị Kim Cúc, để làm được ngành này, sức khỏe là điều quan trọng nhất đối với một tiếp viên hàng không. “Nghề tiếp viên hàng không phải chịu áp lực lớn về tần suất lao động. Bạn có thể sẽ di chuyển từ nơi có khí hậu -30 độ C như Nga về nơi có khí hậu 30 độ C như TP.HCM. Chính vì vậy, bạn phải có sức khỏe tốt để thích nghi với những thay đổi thường xuyên của thời tiết, khí hậu, thay đổi múi giờ...”.

Bên cạnh đó, biết bơi cũng là một yêu cầu bắt buộc của các nhà tuyển dụng đối với sinh viên. Trong nhiều điều kiện khác nhau, có thể máy bay sẽ hạ cánh xuống biển, tiếp viên hàng không cần phải biết bơi để có thể tự cứu sống mình và cứu hành khách.

“Ngay từ bây giờ, các bạn hãy xây dựng một chế độ tập luyện thể dục thể thao, học bơi để rèn luyện cho mình một thể trạng tốt nhất”, bà Cúc đưa ra lời khuyên.

Ngoài ra, các tố chất khác như: giao tiếp tốt, tự tin; tính đúng giờ, tính kỷ luật cao; quảng giao, thích gặp gỡ nhiều người; biết quan tâm chăm sóc người khác... cũng là những tiêu chí quan trọng để các nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên hàng đầu.

Do đặc thù của nghề, người làm tiếp viên hàng không sẽ được tận hưởng những gì hiện đại nhất, bay đến nhiều nơi nhất, thưởng thức những món ăn ngon nhất, tiếp cận với thời trang mới nhất...

Tuy nhiên, bên cạnh những “màu hồng” do nghề mang lại, tiếp viên hàng không phải biết cách chấp nhận và vượt qua những khó khăn trong nghề: thường xuyên xa gia đình, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì điều kiện môi trường trên máy bay...

Bà Vũ Thị Kim Cúc khuyên sinh viên cần phải có sự nhận định đầy đủ những cái được và mất của nghề, xác định mình cần gì và phải trang bị những gì. Có như vậy mới đáp ứng những yêu cầu của nhà tuyển dụng và trở thành một tiếp viên hàng không chuyên nghiệp trong tương lai.

Phải trau dồi Anh văn giao tiếp

Tiếng Anh là một trong những yêu cầu bắt buộc của các hãng hàng không khi tuyển dụng. Hãng Jetstar Pacific yêu cầu bằng TOEIC 400 (dự kiến nâng lên 450) và Vietnam Airlines là bằng TOEIC 500.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Kim Cúc cho biết bằng TOEIC mới chỉ là “phần cứng” bên ngoài còn “phần mềm”, phần chủ yếu vẫn là giao tiếp tiếng Anh lưu loát. Có nhiều sinh viên dù điểm TOEIC chưa đạt nhưng vẫn vượt qua được các kỳ thi tuyển bởi vì khả năng nói tiếng Anh trôi chảy, rành rọt.

Đồng tình với điều này, TS Nguyễn Thị Hải Hằng, giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam, chia sẻ: “Có những sinh viên năm 2, 3 đã đi làm part-time tại sân bay cho các doanh nghiệp nhưng đến khi thi tuyển thì lại thất bại vì phát âm tiếng Anh không chuẩn... Đây là những lỗi rất cơ bản. Bạn nói nhanh, nói tốt như thế nào cũng không quan trọng bằng mỗi âm phát ra phải đúng quy tắc, phải tròn vành rõ chữ”.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Hải Hằng, Học viện Hàng không Việt Nam đã thiết kế các chương trình huấn luyện với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia và những người đang tham gia công tác tuyển dụng tại các hãng hàng không để đào tạo nguồn nhân lực tiếp viên hàng không chất lượng, chuyên nghiệp.

Năm 2016, Học viện Hàng không Việt Nam tổ chức hai chương trình đào tạo cơ bản. Một chương trình dài hạn dành cho những sinh viên chưa biết gì về nghề và một chương trình ngắn hạn hơn dành cho những sinh viên đã những nền tảng cơ bản nhất.

Tại các chương trình này, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức liên quan đến ngành hàng không của VN và quốc tế. Kiến thức về địa lý du lịch, phong tục tập quán, văn hóa các địa phương. Bên cạnh đó, sinh viên cũng sẽ được hướng dẫn các kỹ năng về trang điểm, trang phục, cách chăm sóc làn da, kỹ năng phục vụ khách hàng, giao tiếp, bơi lội, tự vệ...

Xuyên suốt các chương trình đào tạo này là chương trình rèn luyện thể chất để các sinh viên được tập luyện, bơi lội hằng ngày, duy trì sức khỏe đến thời điểm đi dự tuyển.

Là cựu sinh viên của Học viện Hàng không Việt Nam và vừa tốt nghiệp khóa đào tạo cơ bản của Vietnam Airlines, Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ: “Mình lựa chọn học tại học viện để theo đuổi ước mơ “bay” của mình. Chính sự đam mê đã thôi thúc mình không ngừng trau dồi, tiếp thu kiến thức về ngành. Những kiến thức này khiến mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều”.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm