Kinh tế

Giá cả thị trường

Nghịch lý giá heo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ đẩy mạnh tái đàn nên lượng heo cung cấp ra thị trường Gia Lai hiện rất dồi dào. Gần 1 tháng qua, giá heo hơi đã giảm mạnh. Tuy nhiên, thực tế đó lại phát sinh nghịch lý là người chăn nuôi gặp khó do giá heo hơi giảm, còn người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt do giá thịt heo ở chợ vẫn “neo” ở mức cao.

Người chăn nuôi gặp khó

Trang trại của ông Nguyễn Văn Hưng (tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) hiện có 100 con heo thịt sắp đến kỳ xuất bán. Song với giá heo hơi dao động quanh mức 68-72 ngàn đồng/kg (thấp hơn cách đây 1 tháng chừng 20.000 đồng/kg) khiến ông đứng ngồi không yên.

Ông Hưng cho biết: Lứa heo mà ông chuẩn bị xuất bán đợt này được tái đàn từ 3-4 tháng trước, khi con giống đang ở mức cao, tới 3,6 triệu đồng/con (đạt trọng lượng 10 kg/con). Cùng với đó, chi phí chăn nuôi khá cao nên đã đẩy giá thành lên khoảng 65 ngàn đồng/kg heo hơi.

“Giá bán đang gần sát với giá thành nên chỉ có người nào nuôi khéo lắm mới có lãi chút đỉnh, còn không chỉ mong huề vốn. Bây giờ, nuôi heo giống như đánh một canh bạc vậy!”-ông Hưng lo lắng.

Tương tự, trang trại của bà Huỳnh Thị Tuyết Lan (thôn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cũng đang có lứa heo 200 con nuôi được hơn 2 tháng. Bà Lan cho hay, do heo giống khan hiếm và giá quá cao nên từ chỗ trước kia chuồng trại lúc nào cũng có 600-1.200 con, hơn 1 năm nay, bà chỉ nuôi mỗi lứa 200 con heo thịt.

“Vừa rồi, con giống trọng lượng 7 kg có giá 3,1 triệu đồng, từ ký thứ 8-12 tính như giá heo hơi. Một lứa heo mất khoảng hơn 4 tháng và heo đạt trọng lượng 95-120 kg/con mới bán. Hiện tại, giá heo hơi các thương lái đưa ra cho trang trại của tôi là 72-75 ngàn đồng/kg, nhỉnh hơn mặt bằng chung giá thị trường một chút. Tuy nhiên, giá thành 1 con heo quá cao nên sau khi trừ chi phí thì không còn lãi bao nhiêu. Đó là với những hộ nuôi số lượng lớn, chứ hộ nuôi nhỏ lẻ còn bị thương lái ép giá, chỉ có đường lỗ vốn”-bà Lan cho biết thêm.

 Giá heo hơi giảm khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đức Thụy
Giá heo hơi giảm khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đức Thụy


Theo ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc đang diễn biến khó lường đã tác động đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong tỉnh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa phát triển theo chuỗi giá trị nên người chăn nuôi vẫn gặp nhiều rủi ro.

“Từ sau dịch tả heo châu Phi, các trang trại và hộ chăn nuôi khi tái đàn phải đáp ứng các yêu cầu như: vệ sinh khử trùng tiêu độc, phòng-chống dịch bệnh, tái đàn đảm bảo an toàn sinh học, sử dụng nguồn heo giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Các điều kiện này không phải hộ chăn nuôi nào cũng đáp ứng được, cộng với việc thiếu hụt nguồn vốn tái đầu tư, chi phí trong chăn nuôi khá lớn nên đã đẩy giá thành lên cao. Chỉ tính riêng tiền con giống và cám đã chiếm 55 ngàn đồng/kg, chưa kể chi phí điện nước, nhân công, vắc xin phòng bệnh. Chính vì vậy, nhiều hộ giảm đầu tư vì sợ rủi ro do dịch bệnh, rồi lo biến động giá đầu ra”-ông Thanh nêu thực tế.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng khẳng định, nguồn cung heo thịt trên thị trường đã dồi dào trở lại. Hiện nay, các doanh nghiệp, trung tâm giống, trang trại chăn nuôi gia công, hộ chăn nuôi lớn đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh hơn 80 ngàn con heo.

Người tiêu dùng luôn bị thiệt

Là người đi chợ hàng ngày, chị Nguyễn Thị Hiền (tổ 1, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) nhận thấy sự vô lý khi giá thịt heo ngoài chợ vẫn “neo” ở mức cao trong khi giá heo hơi đã “hạ nhiệt”. “Người bán bảo do lò mổ bỏ giá cao nên cũng chỉ giảm được chừng đó. Họ còn nói thời điểm cuối năm chắc chắn giá sẽ còn biến động. Như vậy, dù giá tăng hay giảm thì người tiêu dùng chúng tôi vẫn phải chịu thiệt”-chị Hiền nói.

Cùng quan điểm, chị Hồ Thị Huyền (tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) bức xúc: “Lúc nào cũng nghe giá heo hơi giảm, nhưng thực tế đi chợ người dân vẫn phải trả giá cao. Giá heo hơi giảm, ai được lợi chứ người tiêu dùng chẳng thấy đâu. Lúc tăng thì vèo lên mấy chục ngàn đồng/kg, còn lúc xuống thì nhỏ giọt, chỉ có vài ngàn đồng/ký. Lẽ ra, mức giảm phải tương ứng với giá heo hơi mới đúng, tức là phải giảm 20-25 ngàn đồng/kg. Rõ ràng, có sự bất hợp lý ở đây”.

Khâu trung gian thao túng giá heo

 


Toàn tỉnh hiện có 204 trang trại chăn nuôi heo và khoảng 40.649 hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ. Trong 9 tháng năm 2020, tổng đàn heo toàn tỉnh hơn 421.000 con (tăng hơn 85.000 con so với cùng kỳ năm 2019); sản lượng thịt heo hơi đạt hơn 38.467 tấn (tương đương với cùng kỳ năm 2019).

Để thịt heo từ người chăn nuôi đến tay người tiêu dùng phải qua ít nhất 4 khâu trung gian: thương lái thu mua-lò mổ-kênh bán sỉ-kênh bán lẻ. Qua mỗi khâu, giá bị đẩy lên từ vài ngàn đến hàng chục ngàn đồng/kg. Chính vì vậy, giá từ chuồng đến chợ đã bị đội lên rất cao.

Bà Hồ Thị Kim Chi (người bán sỉ thịt heo tại chợ đêm TP. Pleiku) cho biết, giá heo móc hàm hiện đã giảm chút đỉnh từ lò mổ, nhưng việc buôn bán vẫn không thuận lợi. “Lò mổ họ bán giá cao thì mình cũng phải bỏ mối lại cao. Nếu ngày nào mua trúng heo mỡ thì coi như lỗ vài ba trăm ngàn đồng/con là chuyện bình thường”-bà Chi nói.

Ở khâu bán lẻ, các tiểu thương cũng cho rằng mình lãi rất ít, mỗi kg chỉ xấp xỉ 7-10 ngàn đồng. Bà Nguyễn Thị Tơ (tiểu thương tại Trung tâm Thương mại Pleiku) cho hay: “Hộ kinh doanh không quyết định được giá trên thị trường, mối sỉ bỏ lại cao thì mình bán lại chỉ ăn chênh lệch đồng lời trong một vài giá. Thậm chí, có ngày ế quá phải bán ngang bằng hoặc thấp hơn giá nhập vào để mong hết hàng. Từ nhiều tháng nay, việc mua bán ế ẩm, lượng thịt bán ra giảm rất mạnh”.

Do qua nhiều khâu trung gian, chỉ cần mỗi khâu nhích lên một ít thì khi đến tay người tiêu dùng giá heo đã bị đẩy lên rất cao. Ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh-cho biết: “Giá cả hàng hóa hoàn toàn do thị trường điều tiết, trừ những mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá, điều chỉnh và thực hiện niêm yết giá. Lực lượng Quản lý Thị trường vẫn tăng cường kiểm soát thị trường, khi phát hiện trường hợp người bán tăng giá một cách bất hợp lý thì sẽ can thiệp. Tuy nhiên, đối với mặt hàng thịt heo, giá tăng hay giảm do thị trường quyết định vì không phải mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý và điều chỉnh giá”.

Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng lò mổ gia súc tập trung sẽ góp phần kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch bệnh từ gốc cũng như kiểm soát về giá. Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ mới có một vài lò mổ gia súc tập trung ở các huyện. Thành phố Pleiku có đến 60% lượng heo tiêu thụ toàn tỉnh nhưng chưa có lò mổ tập trung.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku Nguyễn Đăng Yên, thành phố đang tìm quỹ đất để kêu gọi đầu tư xây dựng lò mổ tập trung, nhưng lại vướng các quy định về điều kiện xây dựng lò mổ là phải cách xa khu dân cư. Đây là điều kiện khó, bởi nếu đặt lò xa quá thì làm tăng thêm chi phí vận chuyển. Trong khi đó, lò mổ phải có công suất lớn mới đáp ứng nhu cầu giết mổ của các cơ sở này trong cùng một thời điểm.

Còn theo ông Lê Hồng Hà, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào xây dựng được chuỗi liên kết từ chăn nuôi cho đến giết mổ và tiêu thụ. Hoạt động giết mổ tập trung sẽ chủ động được nguồn hàng, giảm chi phí và tiết giảm khâu trung gian.

Cùng với đó, tỉnh cũng chưa có doanh nghiệp nào đủ mạnh để có thể điều phối được giá thịt heo trên thị trường. Vì khi doanh nghiệp đầu mối lớn đưa thịt heo ra thị trường mức giá thấp, buộc các đầu mối nhỏ lẻ khác cũng phải hạ giá thấp theo mới có thể cạnh tranh, giá cả từ đó sẽ ổn định hơn.

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm