Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Nghịch lý ở nhiều công trình ngàn tỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều công trình có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng ở Tây Nguyên chậm tiến độ nhiều năm, không chỉ đội vốn mà còn khiến cuộc sống người dân khốn khổ
Ngày 17-9, ông Hòa Quang Khiêm - Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk - cho biết đoàn công tác của UBND tỉnh đã tổ chức khảo sát, chuẩn bị các phương án di dời khẩn cấp 200 hộ dân đang sinh sống trong lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng. Câu "Nước đến chân mới nhảy" khá đúng trong trường hợp này khi không lâu nữa, nước ngập lòng hồ mà nay vẫn còn hàng ngàn hộ dân sinh sống ở đây.
Phải di dân khẩn cấp
Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pách Thượng với tổng mức đầu tư gần 2.900 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 5 năm. Dự án ngàn tỉ này được kỳ vọng sớm hoàn thiện để làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội một vùng rộng lớn của các huyện phía Đông tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, sau gần 10 năm ì ạch thi công, tháng 12-2018, dự án đội vốn thêm 1.500 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng.
Vì tiến độ giải phóng mặt bằng chậm nên hàng trăm hộ dân khu vực lòng hồ Krông Pách Thượng vẫn chưa được nhận tiền bồi thường cũng như bố trí tái định cư.

Người dân gặt lúa bị ngập lụt trong lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng .Ảnh: CAO NGUYÊN
Người dân gặt lúa bị ngập lụt trong lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng .Ảnh: CAO NGUYÊN
Theo kế hoạch, cuối tháng 9-2019, nước trong lòng hồ Krông Pách Thượng bắt đầu dâng lên và đến hết tháng 12-2020 sẽ đạt cao trình, ngập 1.000 ha. Tuy nhiên, trên diện tích này, còn 800 hộ dân với hàng ngàn con người đang sinh sống. Trước tình hình này, UBND huyện M’Đrắk đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng phương án di dời dân khẩn cấp và bảo đảm việc học tập cho con em trong vùng. "Chúng tôi đề nghị phải làm ngay phương án di dời dân khẩn cấp để chủ động trong khi chúng ta còn có điều kiện. Bên cạnh đó, phải tổ chức ngay cho người dân bốc thăm tại khu tái định cư để dân có chỗ ở trước rồi mới nói đến chuyện giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn" - ông Khiêm nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và tỉnh Đắk Lắk vào đầu tháng 9-2020, đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình cũng thuộc bộ này cho biết chỉ một lượng mưa nhỏ vừa qua đã gây ngập gần 30 ha hoa màu của người dân, giao thông bị chia cắt. Nếu khu vực trên xuất hiện lượng mưa ở mức cao hơn khoảng 100 mm thì nước sẽ dâng cao, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Tắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng
Tương tự, dự án đường Đông Tây TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cũng loay hoay giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, đội vốn. Có chiều dài gần 7 km, dự án do UBND TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 9-2015, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2018. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là hơn 990 tỉ đồng. Do chậm tiến độ nên tổng mức đầu tư của dự án đã lên hơn 1.200 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn đang mỏi mòn đợi chờ bồi thường, bố trí tái định cư.
Theo quan sát của phóng viên, hiện một số hạng mục trên tuyến đường vẫn đang xây dựng dở dang, hai bên vỉa hè cỏ dại mọc um tùm, một số điểm bị xói mòn, có dấu hiệu xuống cấp.
Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Trương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột, cho hay trước đây do không bố trí được nguồn vốn để đền bù cho người dân. Hiện nay thì đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định mức giá bồi thường đất do người dân không chịu nhận tiền đền bù khi áp theo giá từ nhiều năm trước.
Tại buổi kiểm tra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết dự án đã được trung ương cấp thêm vốn cách đây nhiều tháng. Do đó, UBND TP Buôn Ma Thuột phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công tiếp tục triển khai xây dựng những hạng mục còn lại, sớm hoàn thành dự án.
Xây hồ nhưng không có đất tưới
Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai, dự án hồ chứa nước Ia Mơr (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) được Bộ NN-PTNT phê duyệt từ năm 2005 với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng. Theo thiết kế, dự án khi hoàn thành, dự kiến vào cuối năm 2020, sẽ cung cấp nước tưới cho 12.500 ha đất canh tác của các huyện ở địa phương cũng như tỉnh Đắk Lắk.
Tuy nhiên, nghịch lý là dù công trình có hoàn thành thì cũng không có đất để tưới. Nguyên nhân là quanh khu vực đa phần đất rừng. Cụ thể, khi phê duyệt dự án, trong tổng diện tích dự kiến để tưới có gần 8.000 ha đất rừng tự nhiên. Đến năm 2016, khi công trình đang xây dựng thì Thủ tướng ra Kết luận 191 và Chỉ thị 13 của Bộ Chính trị không cho chuyển đổi mục đích đất rừng tự nhiên thành đất canh tác.
Ông Đỗ Hữu Thu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT), cho biết vừa qua, UBND tỉnh Lai Lai, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, để tìm giải pháp chuyển đổi mục đích đất rừng, tạo vùng tưới cho công trình. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn phải chờ Thủ tướng Chính phủ.
Lo xài không hết tiền!
Khác với nhiều dự án chậm tiến độ trong thời gian qua là do nguồn vốn hạn chế, các đơn vị liên quan đến công trình hồ chứa nước Krông Pách Thượng lại đang lo... không sử dụng hết vốn. Cụ thể, dù chỉ còn ít tháng nữa hết năm 2020 nhưng khoảng 200 tỉ đồng vốn chuyển từ năm 2019 qua vẫn chưa sử dụng hết, chưa nói vốn bố trí trong năm. Điều này khiến tỉnh Đắk Lắk đang lo bị thu hồi vốn khiến dự án không thể tiếp tục triển khai và một số công trình thủy lợi mà Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng ở Đắk Lắk trong giai đoạn tới cũng không được cấp vốn.
CAO NGUYÊN - HOÀNG THANH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm