Vấn nạn cháy rừng, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ đầu năm đến nay diễn ra hết sức phức tạp với 288 vụ xâm hại rừng trái phép, một số địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng ở quy mô lớn như huyện Chư Prông, Chư Pưh. Điều quan tâm là trong 288 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nói trên, “lâm tặc” chỉ chọn rừng tự nhiên làm mục tiêu xâm hại.
Ông Trần Trưng- Chủ tịch UBND huyện Ia Grai nêu vấn đề: Vì sao gỗ rừng tự nhiên bị xâm hại, còn gỗ rừng trồng lại được bình yên. Mỗi người có kiến giải riêng cho câu hỏi này dựa vào nhìn nhận của mình. Song, theo cách nhìn của ông Trưng là do nghịch lý lợi ích từ công tác giữ rừng mang lại cho các chủ rừng hiện nay, xét ở cấp độ quản lý, rừng trồng và rừng tự nhiên đều có chủ. Thế nhưng, trong quá trình giữ rừng, ông chủ rừng trồng xây dựng phương án tổ chức quản lý tốt diện tích rừng của mình, đến chu kỳ khai thác giá trị kinh tế từ rừng mang lại cho chủ rừng rất cao; trong khi đó ông chủ rừng tự nhiên quản lý tốt diện tích rừng được giao thì lợi ích kinh tế mang lại cho chủ rừng vẫn không tăng. Nghịch lý trên có phải là nguyên nhân dẫn đến thực tế diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh hiện nay luôn đặt vào tình trạng bị xâm hại?
Ảnh minh họa |
Xử lý tận gốc vấn nạn phá rừng là giải pháp giữ bình yên cho rừng. Giải pháp là vậy, nhưng khi vận dụng vào thực tiễn giữ rừng lại vấp phải nhiều khó khăn như: Lực lượng kiểm lâm mỏng, diện tích rừng được giao quản lý lại quá lớn; người khai thác và tiêu thụ gỗ trái phép có nhiều “chiêu” đối phó với cơ quan chức năng. Đặc biệt, từ ngày chủ trương của Chính phủ cho phép doanh nghiệp tự in hóa đơn giá trị gia tăng đẩy công tác quản lý bảo vệ rừng tận gốc gặp không ít khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro- ông Phan Văn Trung nêu thực tế: Mới đây, các lực lượng giữ rừng của huyện đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ vận chuyển gỗ trái phép; trong đó có 1 trường hợp không xuất trình được giấy tờ hợp pháp, song qua ngày hôm sau lại xuất trình đầy đủ hồ sơ giấy tờ hợp pháp. Phân tích thêm cách thức hợp thức hóa gỗ lậu theo cách “lách luật” mới này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh- ông Nguyễn Nhĩ khẳng định: Hóa đơn giá trị gia tăng có nhưng nguồn gốc gỗ thì không. Để tạo ra hồ sơ nguồn gốc gỗ hợp pháp, các đối tượng vận chuyển mua sẵn hóa đơn giá trị gia tăng từ tỉnh Kon Tum, Đak Lak “cất ở nhà”. Quá trình vận chuyển gỗ không có nguồn gốc “trót lọt” thì thôi, còn nếu bị các lực lượng tuần tra, kiểm tra phát hiện, đối tượng điện thoại về chủ gỗ hoàn tất hồ sơ gỗ mang đến trình cơ quan chức năng. Thủ thuật “lách luật” là vậy nhưng quá trình kiểm tra, xử lý gỗ không có nguồn gốc của các lực lượng làm nhiệm vụ giữ rừng lại vấp phải chủ trương của các cơ quan quản lý là hạn chế kiểm tra nguồn gốc gỗ tại các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm nhập- xuất lâm sản, trong đó có… gỗ.
Để giảm thiểu vấn nạn vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên yêu cầu cơ quan Công an khẩn trương điều tra, hoàn tất hồ sơ các vụ phá rừng sớm đưa ra xét xử. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá lại nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến để có giải pháp xử lý; nắm bắt và cung cấp đầy đủ danh sách đầu nậu cho cơ quan chức năng xây dựng phương án đấu tranh, bóc gỡ. Đặc biệt là Chi cục Kiểm lâm khẩn trương xây dựng phương án kiểm tra quy trình xuất- nhập gỗ của các cơ sở, qua đó xác định nguồn gốc gỗ để có giải pháp xử lý, hạn chế tối đa tình trạng hợp thức hóa gỗ lậu thành gỗ hợp pháp…
Quang Văn- Lê Nam