Kinh tế

Nông nghiệp

Nghiệm thu mô hình thí điểm trồng rau chân vịt tại huyện Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 31-1, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tổ chức nghiệm thu mô hình thí điểm trồng rau chân vịt (hay còn gọi là cải bó xôi) tại thôn Tân Sơn, xã Tân An. 
Trước đó, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cùng huyện Đak Pơ tổ chức khảo sát và chọn hộ ông Nguyễn Văn Sự (thôn Tân Sơn, xã Tân An) để triển khai, thực hiện mô hình trồng rau chân vịt xuất khẩu trên diện tích 1,5 sào. Hạt rau được Công ty cung cấp và gia đình ông Sự xuống giống từ ngày 15-12-2019. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của Công ty và cây rau hợp điều kiện khí hậu nên phát triển tốt. Sau 45 ngày kể từ ngày trồng, gia đình ông Sự thu hoạch được hơn 4 tấn rau thành phẩm. Số rau này, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thu mua với giá 4.000 đồng/kg. Sau khi trừ tiền thuốc, tiền phân, tiền điện, công chăm sóc, công thu hoạch, gia đình ông Sự thu về hơn 10 triệu đồng. Ông Sự phấn khởi nói: “Đây là mức thu nhập tương đối cao so với các loại rau ăn lá trồng cùng thời điểm. Với mức già này và công ty đảm bảo đầu ra thì người dân yên tâm sản xuất”.
Rau chân vịt hay còn gọi là cải bó xôi trồng trên địa bàn huyện Đak Pơ cho sản lượng, chất lượng tốt. Ảnh: Ngọc Minh
Rau chân vịt hay còn gọi là cải bó xôi trồng trên địa bàn huyện Đak Pơ cho sản lượng, chất lượng tốt. Ảnh: Ngọc Minh
Theo ông Sự, rau chân vịt thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nên sinh trưởng phát triển tốt. Để đạt năng suất, chất lượng theo tiêu chuẩn ký kết với Công ty, người dân phải áp dụng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, từ khâu làm đất, bón phân, tưới nước, thu hoạch…; chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết và ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc… và phun theo 4 đúng (đúng cách, đúng liều lượng, đúng thuốc và đúng thời điểm).
Nhận xét về mô hình trồng cây rau chân vịt trên địa bàn huyện Đak Pơ, ông Trần Công Quang-Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chia sẻ: “Cùng với điều kiện đất đai, cây rau thích ứng, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết từ 12-180C. Do đó, tốt nhất, bà con chọn thời điểm trước Tết Nguyên đán để xuống giống. Rau chân vịt được xuất sang thị trường Nhật Bản, vì thế, Công ty chỉ thu mua rau đạt các tiêu chuẩn như rau phải có màu xanh tự nhiên, không bị dập thối, sâu bệnh, chiều cao tính từ gốc đến đỉnh lá đạt từ 30-35 cm, rau chưa ra ngồng (có nụ hoa); rau thành phẩm được cắt sạch phần gốc, nhặt sạch sẽ lá già, lá bị bệnh. Đặc biệt, trước khi thu hoạch từ 7-8 ngày, hai bên tiến hành lấy mẫu rau, gửi vào Công ty SGS Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) để kiểm tra, nếu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm không vượt quá ngưỡng cho phép thì Công ty tiến hành thu mua. Rau đạt các tiêu chuẩn mà Công ty đưa ra thì Công ty sẽ thu mua với giá 4 ngàn đồng/kg.
Ông Ngô Khắc Ngọc-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Pơ (thứ 2 bên phải) cùng lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao kiểm tra rau. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Ngô Khắc Ngọc-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Pơ (thứ 2 bên phải) cùng lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao kiểm tra rau. Ảnh: Ngọc Minh
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho biết: Qua mô hình thí điểm cho thấy cây rau chân vịt phù hợp với điều kiện thời tiết Đak Pơ, cho sản lượng, chất lượng đạt tiêu chuẩn. Vì thế thời gian tới, phòng sẽ tham mưu cho huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tổ chức cho bà con trồng rau chân vịt; ưu tiên trồng tại khu quy hoạch công nghệ cao với diện tích trên 20 ha; tổ chức triển khai trồng các loại đậu tương rau, ngô ngọt...cung ứng cho Công ty, để nâng cao thu nhập cho người dân.
“Huyện cũng đã phối hợp với Công ty triển khai cho bà con trồng được 6 ha chuối tiêu hồng và 3 ha dứa. Đến nay, các loại cây trồng này sinh trưởng và phát triển tốt”-ông Hiệp thông tin thêm. 
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm