Ở xứ sở 'nghìn lẻ một đêm', phụ nữ hành nghề liên quan đến nghệ thuật như làm tóc, mẫu thời trang, xăm mình… bị xem là cấm kỵ, có thể bị bắt giam.
Sản phẩm làm từ đá được vẽ trang trí bằng chất liệu sơn dầu của Yesna. Ảnh: Lam Phong
Ở một đất nước còn nhiều bất bình đẳng giới, ngay cả việc đồng ý cho phụ nữ đến sân xem bóng đá cũng là đề tài bàn cãi, nhưng khi săn những tác phẩm thủ công mỹ nghệ danh tiếng của Iran như pháp lam, gốm...; tôi bất ngờ bởi hầu hết người tác tạo nên sản phẩm ấy đều là nữ.
Ở Iran, phụ nữ hành nghề liên quan đến nghệ thuật như làm tóc, mẫu thời trang, xăm mình… bị xem là cấm kỵ, có thể bị bắt giam. Cách đây hơn một năm, ngày 21.6.2018 Hãng thông tấn ISNA của Iran loan tin hai phụ nữ bị bắt giữ tại Mashhad vì có hành vi tổ chức đào tạo xăm mình.
Những sản phẩm do nghệ nữ Ba Tư thực hiện, không chỉ đẹp ở hiện vật, mà còn ở phong thái thong thả nhưng miệt mài trong lao động sáng tạo, định hình một tính cách khác biệt đầy thú vị nơi nghệ nữ Ba Tư |
Nhưng Ba Tư cũng là xứ xở nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm thủ công độc đáo. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới có số nghề thủ công được Hội Nghề thủ công thế giới (World Crafts Council) công nhận nhiều nhất với 8 TP gồm Mashhad (đá trang sức), Sirjan (thảm dệt), Isfahan (pháp lam), Meybod (thảm len), Abadeh (điêu khắc gỗ), Lalejin (gốm tráng men), Marivan (giày đan) và Tabriz (lụa) bởi những sản phẩm đặc thù, có sức ảnh hưởng và lan tỏa cho văn hóa nhân loại.
Những ngày ở Mashhad, tôi có cơ may tiếp cận các nghệ phẩm danh tiếng của Iran như pháp lam (đồ kim loại tráng men) từ Isfahan và gốm từ Lalejin, cùng những nữ nghệ sĩ, nghệ nhân tác tạo nên các sản phẩm độc đáo ấy.
Săn nghệ phẩm Ba Tư
Từ cửa ngõ Dubai, nghệ phẩm xuất xứ từ Iran là món hàng được giới sưu tầm quốc tế ưa chuộng, nhất là thể loại tranh sáng tác đương đại của nghệ sĩ trẻ. Nguyên do được Muhammad Inayat - người sưu tập họa phẩm từ Iran - chia sẻ: “Là đất nước Cộng hòa Hồi giáo, đương đầu với lệnh cấm vận, tuân thủ khắt khe giáo luật trong đời sống thường ngày, dễ khiến tâm hồn nghệ sĩ bị dồn nén và biểu hiện cảm xúc cá nhân qua tác phẩm, nhất là khía cạnh khai thác nội tâm. Có thể thấy trong đó sự u uất kín đáo, bí ẩn, hoặc những đường nét đầy chất đương đại, thoát, chạm cả vào những đề tài nhạy cảm như khỏa thân mà nữ nghệ sĩ Mina Hamidi là một ví dụ. Họa phẩm đương đại Ba Tư vẫn còn là thị trường tiềm năng hấp dẫn sưu tập ngoài nước. Người trong nước quen trang trí bằng các loại tranh có nội dung, bố cục mang tính truyền thống, cổ điển gắn với văn hóa Hồi giáo hơn những tác phẩm đương đại”.
Một lý do khác khiến Muhammad có cảm tình với họa phẩm đương đại xuất xứ từ Iran là bởi giá thành rẻ bèo so với mặt bằng chung thị trường hội họa quốc tế. Một bức sơn dầu tả thực, vẽ hình chim đại bàng đang đứng trên tay chủ nhân ngoài sa mạc, kích thước 1,2 x 1,2 m giá chỉ 1.000 dirham tiền UAE (khoảng 7 triệu đồng). Muhammad tiết lộ thêm: “Nếu bạn sang Iran, giá họa phẩm đương đại còn rẻ hơn nhiều, có lẽ chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 hoặc nhiều hơn nữa so với Dubai”.
Một dòng nghệ phẩm nổi trội khác của Iran xuất hiện nhiều trên thị trường Dubai chính là gốm, được chế tác với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, chủng loại, trang trí trên cốt thai bằng kỹ thuật khắc chìm, tô men. Chi tiết trang trí này khá tương đồng với dòng gốm Limoges (Pháp), Biên Hòa (VN), Chiang Mai (Thái Lan) nhưng có độ khó cao bởi chi tiết li ti, bố cục lặp lại cân xứng, chặt chẽ. Mỗi sản phẩm gốm Iran ở Dubai ấy có giá trung bình từ 250 dirham (khoảng 1,6 triệu đồng) trở lên.
Những chiếc đĩa gốm ở Mashhad có giá rẻ hơn rất nhiều so với Dubai
Dòng gốm khắc chìm tô men ấy có xuất xứ từ Lalejin, và ở Mashhad có hẳn một cửa tiệm đồ sộ trên đường Ayatolah Bahjat. Nhưng thứ khiến tôi bất ngờ hơn không phải là vẻ đẹp của gốm mà là mức giá. Chiếc đĩa ở Dubai có giá 270 dirham (khoảng 1,7 triệu đồng), ở Mashhad với mẫu chế tác tương tự, giá chỉ… 100.000 rial (chưa đến 200.000 đồng).
Nghệ nữ
Là thánh địa Hồi giáo ở Iran, nơi quy tụ tín đồ hành hương từ khắp vùng Trung Đông, Mashhad cũng là nơi hội tụ những tinh hoa nhất của nhiều ngành nghề thủ công Iran, đặc biệt các dòng sản phẩm đậm chất mỹ thuật, hội họa.
Nếu việc buôn bán ngoài các khu chợ trung tâm (thống kê có đến hơn 1.100 cửa tiệm lớn nhỏ) quanh đền Imam Reza đều do nam giới đảm nhiệm, việc sáng tạo nghệ thuật ở thành phố này có vẻ do nữ giới chiếm ưu thế bởi hầu hết những nghệ nhân tôi có dịp tiếp cận ở lĩnh vực vẽ trên đá, pháp lam, hay chế tác gốm… đều là nữ.
Khi gặp những cô gái Ba Tư trên đường phố, dù rất đẹp nhưng vẫn thấy “có khoảng cách”, có thể bởi chiếc áo choàng đen và lớp khăn che nên nhìn ai cũng có chút u buồn, không nói, không quen tiếp xúc người lạ, hạn chế nụ cười, chỉ có ánh mắt là bí ẩn, xa xăm. Nhiều lúc tôi tự hỏi, đằng sau những bí ẩn của bộ trang phục áo chùng đen, khăn che đầu, che mặt kín như bưng kia, những nét đẹp nội tâm của con gái Ba Tư liệu có bao giờ được bộc lộ?
Có dịp tiếp cận không gian sáng tác của những nữ nghệ sĩ đang hoạt động tại Mashhad, tôi phần nào tìm được câu trả lời.
Người đầu tiên tôi có duyên gặp là Yesna trong xưởng chế tác đá thủ công. Cô đang miệt mài, tỉ mẩn họa từng đường cọ sơn dầu lên những ly, chén, bình... bằng cốt đá. Với vẻ điềm đạm, thậm chí là nhút nhát khi tiếp chuyện, Yesna cho biết: “Tôi học kỹ thuật sáng tác sơn dầu trên chất liệu đá được hơn 7 năm. Ban đầu chỉ tô theo các ký tự khắc sẵn trên đá, sau hai năm có thể tự sáng tác mẫu hoa văn theo cảm hứng và chủ đề riêng”. Mỗi ngày Yesna đều đặn đến xưởng, lao động 8 tiếng, nhận mức lương khoán khoảng 4 triệu rial (tương đương 7 triệu đồng)/tháng.
Nhìn Yesna vừa cặm cụi vẽ, vừa trông chừng cậu con trai 10 tuổi, từng đường cọ bay bướm, lả lướt, phóng khoáng trên nền đá xám để rồi hiện ra một bức tranh khi hoa lá, khi chi chít ký tự, khi phong cảnh thiên nhiên đầy tưng bừng khiến đồ dùng bằng đá trở nên có hồn, sinh động hơn. Giá trị hiện vật ấy khi ra thị trường cũng được nâng lên hơn gấp ba lần.
Tìm hiểu về pháp lam ở Ba Tư, tôi được giới thiệu đến Saeed Nami, một nghệ nữ trẻ được giới chuyên môn đánh giá cao ở Mashhad với 23 tuổi đời, 5 năm tuổi nghề. Nami được đào tạo làm pháp lam từ cái nôi của pháp lam thế giới là thành phố Isfahan nổi tiếng Iran với câu thành ngữ trứ danh: “Esfahān nesf-e- jahān ast” (Isfahan là một nửa của thế giới). Bởi Isfahan tập trung hơn 100 nghề thủ công nổi tiếng hơn ngàn năm tuổi, và pháp lam - người bản địa gọi là Minakari - chỉ là một trong số đó.
Nami đang thực hiện công đoạn vẽ men lên cốt đồng cho chậu đựng trái cây có chân đế. Hơn một tuần thực hiện, 8 giờ/ngày nhưng theo lời Nami sản phẩm cần hơn một tháng nữa mới hoàn thiện. Nhìn Nami tỉ mỉ, cẩn trọng đưa nét cọ mảnh như sợi tóc, chấm men lên cốt đồng đã tráng qua lớp men lót, biểu đạt đường nét của hoa lá, phong cảnh, cùng những hình kỷ hà, tạo đối xứng, liền mạch trong lòng chậu, tuy chưa hoàn thiện nhưng thấy ở đó sự tài hoa và vẻ đẹp đặc biệt trong kỹ thuật chế tác Minakari xứ Ba Tư.
Những sản phẩm do nghệ nữ Ba Tư thực hiện, không chỉ đẹp ở hiện vật, mà còn ở phong thái thong thả nhưng miệt mài trong lao động sáng tạo, định hình một tính cách khác biệt đầy thú vị nơi nghệ nữ Ba Tư.
(còn tiếp)
Lam Phong (Thanh Niên)