Những học trò “đặc biệt nhất nước”
Tình cờ gặp lại ông Phạm Văn Căn-nguyên Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên-Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Gia Lai), người từng có gần 6 năm gắn bó với Trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm Đak Tô, ký ức những lần về thăm trường trong tôi bỗng trỗi dậy.
Ngày đó, chẳng riêng cánh báo chí, ai có dịp lên Đak Tô công tác cũng thường ghé lại trường. Ngoài lý do là đơn vị điển hình của ngành GD-ĐT, sự phóng khoáng và mến khách của Hiệu trưởng Bùi Quang Lơi cũng là nguyên cớ khiến mọi người muốn ghé thăm trường. Còn nhớ, trong một cuộc rượu cần “quay đầu gà” nhớ đời, ông Lơi đã kể cho tôi nghe chuyện “ngoại lề” về những học trò “đặc biệt nhất nước” của mình.
Nay cùng ông Căn ôn lại chuyện cũ, tôi chợt ngẫm ra đó chẳng phải là những điều “nghe để biết cho vui” mà là những chuyện thật đáng trân trọng. Nó nói lên bao công sức khó nhọc về sự nghiệp “trồng người” của một thế hệ các thầy-cô giáo ở thời điểm ngành GD-ĐT Gia Lai-Kon Tum đang bắt đầu những bước đầu tiên.
Năm 1977, trước nhu cầu cấp bách về một đội ngũ cán bộ, viên chức có trình độ học vấn, tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã thành lập 2 trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm. Ở phía Đông là Trường Đê Par đóng ở xã Nam (sau chuyển về xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê); phía Bắc là Trường Đak Tô đóng tại xã Kon Đào, huyện Đak Tô. Đối tượng tuyển sinh là tất cả học sinh người dân tộc thiểu số trong tỉnh có trình độ học vấn từ lớp 3, 4 trở lên.
Ông Căn nhớ lại: Hàng năm, cứ vào đầu tháng 7 là giáo viên chúng tôi lại khăn gói lên đường đi tuyển sinh. Hành trang mang theo ngoài quần áo thì thứ không thể thiếu là cá khô, thuốc lá, kẹo để làm “công tác dân vận”. Về các xã vùng sâu, vùng xa lúc ấy đương nhiên là phải đi bộ. Có những xã xa phải vượt suối, băng rừng cả ngày đường mới tới. Được cái bấy giờ, các em đang có tâm lý muốn mở mang tầm mắt khỏi ngôi làng nhỏ bé của mình nên thích đi học. Đặc biệt, phụ huynh lại rất quý trọng thầy-cô giáo. Nghe tin giáo viên đến làng tìm con em “đi học để mai mốt làm cán bộ”, có thứ gì quý nhất là bà con mang ra mời.
Ấn tượng nhất là những lần vào vùng đồng bào Xê Đăng, Giẻ Triêng tuyển sinh. Với bà con vùng này, món quý nhất chỉ dùng để đãi khách quý là chuột ngâm măng. Một mùi vị thật khó tả với những ai lần đầu được nếm. Dù vậy thì với các thầy-cô giáo không còn cách nào khác là phải ăn. Ăn thì bà con mới tin, mới chịu cho con em đi học. Tuyển được học sinh nào thì ra xã làm thủ tục rồi dẫn về trường.
Các vị lãnh đạo Trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm Đak Tô chụp ảnh lưu niệm trước cổng trường xưa. Ảnh: N.T |
Tuyển sinh tuy vất vả nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với việc dạy dỗ các em làm quen với môi trường mới. Ở nhà, các em vẫn quen ăn bốc, uống nước lã, muốn đi vệ sinh thì chỉ việc… chạy ra rừng. Bây giờ, tất cả những việc nhỏ nhặt ấy các thầy cô phải dạy. Sáng dậy tập thể dục, ăn sáng rồi lên lớp, ăn cơm trưa rồi nghỉ ngơi, chiều lao động… tất tật mọi việc đều phải có thầy cô đi kèm.
Tuy vậy, để “gò” các em vào khuôn phép vẫn luôn là công việc khó khăn. Có những thói quen xấu phải làm “lớn chuyện” thì các em mới ý thức được mà từ bỏ. Tôi còn nhớ câu chuyện nhà giáo Bùi Quang Lơi kể: Ở làng, nhiều em nhiễm thói quen xấu là hút thuốc lá từ rất sớm. Đến trường các em vẫn mang theo thuốc để hút. Mỗi lần sinh hoạt tập thể xong, hội trường lại nhan nhản mẩu thuốc và đầy nước bọt. Nhắc nhở mãi vẫn không dứt được, nhà trường đành phải dùng đến biện pháp quyết liệt: Cứ mỗi lần sinh hoạt xong, tất cả học sinh phải đi xách nước dội, kỳ cọ sàn nhà cho hết mùi thuốc lá mới thôi. Và cũng phải 3-4 lần dùng biện pháp mạnh, thói quen hút thuốc và nhổ nước bọt vặt mới chấm dứt. Ấy là chỉ thói quen xấu thường ngày, đối với những việc làm dại dột và nguy hiểm khác thì phải dùng đến biện pháp nghe còn đáng sợ hơn.
Ông Căn kể: Ngày đó, đồi 42 Đak Tô nguyên là căn cứ quân sự của Mỹ nên còn rất nhiều bom mìn. Cứ vào ngày nghỉ là một số em ra đó cưa bom đạn lấy thuốc nổ để mang về làng đánh cá. Năm nào cũng có một vài em thiệt mạng vì việc làm nguy hiểm này. Khuyên nhủ, răn đe đủ cách, nhà trường vẫn không sao ngăn cấm triệt để được. Cuối cùng thì Hiệu trưởng Bùi Quang Lơi phải dùng đến biện pháp bất đắc dĩ: Ông cho đi mượn 5 cỗ quan tài chở về đặt ở hội trường. Tập hợp tất cả các em lại, ông yêu cầu từng em lần lượt đi vòng quanh từng cỗ quan tài và thề: “Tôi hứa từ nay không bao giờ đụng đến bom mìn; đụng đến là chết”. Cũng nhờ biện pháp quyết liệt này mà nạn cưa trộm bom mìn chấm dứt.
Những biện pháp giáo dục như thế, bây giờ có thể có người cho là “phi sư phạm” nhưng với những học trò “đặc biệt nhất nước” trong bối cảnh bấy giờ thì đó là con đường ngắn nhất để các em ý thức được kỷ luật cá nhân trong đời sống tập thể, điều nhất thiết phải có để trở thành những cán bộ, công chức, viên chức sau này.
Thẳm sâu tình nghĩa thầy trò
Để tạo những hạt giống tốt phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, chính sách dành cho các em cũng như học sinh, sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp bấy giờ: lương thực tháng 17 kg, mỗi năm 5 m vải. Tất nhiên là chưa thể đầy đủ nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, đó đã là sự ưu đãi. Vấn đề bấy giờ là làm thế nào để kết hợp tiêu chuẩn của Nhà nước cấp với sản phẩm sản xuất của nhà trường, đảm bảo cho các em ăn no, mặc đủ để yên tâm học tập. Tuy nhiên “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, về điều này trước hết phải nói tới vai trò của Hiệu trưởng Bùi Quang Lơi.
Ông Lơi quê ở tỉnh Hà Nam, vào chiến trường B năm 1972, từng là cán bộ của Ty Giáo dục Khu 5. Sau giải phóng, ông về công tác tại Ty Giáo dục Gia Lai-Kon Tum rồi đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng Trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm Đak Tô từ ngày thành lập cho đến lúc nghỉ hưu. Ai đã từng gặp hay công tác cùng ông cũng đều chung một cảm nhận: Đó là một con người rất “mô phạm” trong công việc nhưng cũng rất giàu tình yêu thương học trò. Chính từ tình yêu thương đó mà ông đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với tâm lý của các em. Ngoài những điều đã kể trên đây, có thể kể thêm nhiều chuyện đáng nhớ như thế về ông.
Chuyện là lúc ở nhà, các em có thói quen ăn uống tự do, thức ăn thường chỉ có rau rừng, muối ớt. Khi đến trường, bữa cơm có nhiều món lạ miệng, các em ăn rất khỏe. Vẫn chưa đủ, đêm đói, có em còn lẻn đi hái trộm mít, trộm mì của người dân về nấu ăn. Để khắc phục tình trạng này, ông Lơi chủ trương tăng khẩu phần ăn cho những em mới vào năm đầu. Được ăn no, đủ chất, dần dần, nhu cầu cơ thể bão hòa, sang năm thứ 2 thì nhu cầu ăn uống của các em ít đi, chấm dứt luôn tệ trộm vặt.
Rồi đến chuyện các em lần đầu đi xa, nhớ nhà luôn là nỗi nhớ khó dứt, có em không chịu được trốn về. Thấu hiểu điều này, Hiệu trưởng chủ trương tổ chức thật nhiều hình thức sinh hoạt tập thể để kéo các em khỏi nỗi nhớ nhà. Hàng tuần, hàng tháng, trong các hình thức sinh hoạt phong phú như chơi trò chơi dân gian, hái hoa dân chủ, nhà trường lại tổ chức nấu phở, chè là những món ăn mà ở làng các em không có.
Thêm một chuyện nữa là lúc bấy giờ, ngoài chế độ cung cấp cố định, các em còn được cấp tiền sinh hoạt phí. Ông Lơi chủ trương không giao thẳng tiền đó cho các em mà bằng hình thức phát phiếu mua hàng. Vào mỗi dịp sinh hoạt tập thể, mỗi em sẽ được phát các phiếu mua hàng có giá trị 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng… có đóng dấu nhà trường. Với phiếu đó, các em sẽ mua những món hàng tùy thích tại căng tin nhà trường. Mục đích của việc làm này là dạy cho các em làm quen với công việc mua bán, biết sử dụng đồng tiền một cách có ích.
Thương yêu học sinh, chăm lo chu đáo cho các em không chỉ việc lớn là ăn mặc, học hành mà còn cả những việc nhỏ như vậy, nhà trường đã thực sự gắn kết thầy-trò trong một mái nhà chung. Thầy cô xem học trò như những đứa con của mình và ngược lại, các em cũng coi thầy cô như cha mẹ mình.
Ông Căn kể: “Ngày tôi bàn giao lớp mình chủ nhiệm để làm Bí thư Đoàn trường, có xa trường đâu, vậy mà các em vẫn khóc rấm rứt xin thầy đừng đi. Trong một môi trường tràn ngập tình thương như vậy, thành tích toàn diện mà nhà trường đạt được cũng là đương nhiên. Còn nhớ, trước lúc trường được phong danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động, một lần, tôi đã hỏi Hiệu trưởng Bùi Quang Lơi về những phần thưởng nhà trường đạt được, ông trả lời tôi nửa vui nửa thật: “Anh xem, bốn bức tường nhà hội trường chúng tôi đã gần hết chỗ treo cờ, bằng khen và giấy khen rồi”.
Trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm Đak Tô giải thể cách đây hơn 20 năm. Hàng ngàn học sinh của trường giờ đã tung cánh muôn phương. Các thầy cô từng tham gia giảng dạy tại trường nay đã nghỉ hưu. Nhưng trong tim họ, ngôi trường xưa vẫn sống. Là bởi, một ngôi trường đã cho họ những cung bậc tình thương mà có lẽ chẳng một ngôi trường nào lúc bấy giờ có được.