Bạn đọc

Ngủ trong mùng vẫn bị rắn cắn suýt tử vong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông C. bị rắn cắn vào chân khi đang ngủ trong mùng. Vợ ông đập được con rắn và mang lên cho bác sĩ xem. Các bác sĩ xác định đó là loại rắn cạp nia.

Bệnh nhân được bác sĩ điều trị giải độc do rắn cắn tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân được bác sĩ điều trị giải độc do rắn cắn tại Bệnh viện Chợ Rẫy



Chiều qua (28-7), bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới và đơn vị chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ông N.Đ.C. (62 tuổi, ngụ Bình Phước) nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy hô hấp.

Vợ ông kể lại: “Tôi đang ngồi coi ti vi thì thấy ổng la lên. Tui chạy vô thì thấy con rắn nằm gọn trong mùng, còn ổng thì bị rắn cắn vào chân khi đang ngủ”.

Vợ ông C. đập được con rắn và mang lên cho bác sĩ xem. Các bác sĩ xác định đây là loại rắn cạp nia.

Cùng nằm viện còn có bệnh nhân N.V.B. (45 tuổi, ngụ Đak Lak). Buổi sáng khi vừa mở cửa nhà thì anh đạp trúng một con rắn và bị cắn vào chân.

Bệnh nhân được cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, sau 2 giờ bị rắn cắn, anh có biểu hiện sụp mi mắt, khó nói, khó thở. Các bác sĩ bệnh viện tỉnh đã đặt nội khí quản và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

“Mặc dù nhận biết được mọi thứ xung quanh nhưng tôi không sao nói được, không cử động được và khó thở. Khi xe cấp cứu đi tới Bình Dương, tôi cảm giác mình không qua khỏi, định nói gì đó với vợ mà bất lực”-anh B. kể lại.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cả hai bệnh nhân bị rắn cắn đều được truyền huyết thanh kịp thời để giải độc. Sau 6 giờ điều trị, bệnh nhân ổn định sức khỏe và dần hồi phục.

Sai lầm khi cứu người bị rắn cắn

Ghi nhận của Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp bệnh nhân bị các loại rắn cắn. Đặc biệt, vào mùa mưa, bệnh nhân nhập viện có xu hướng tăng hơn vì là mùa cây cối xanh tốt, rậm rạp, khả năng tiếp xúc, bị rắn tấn công cũng cao hơn.

Theo bác sĩ Thơ, rắn cạp nia là loại rắn độc và được xếp vào nhóm rắn hổ. Nọc độc của rắn hổ khiến nạn nhân bị nhiễm độc thần kinh với các triệu chứng sụp mi mắt, khó nói, nói đớ, khó thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do ngưng thở.

“Loại rắn này đặc biệt thích hơi ấm của người nên có thể chui vào chăn, nệm và tấn công người”, bác sĩ Thơ cho biết.

Ngoài rắn cạp nia, có một nhóm rắn độc khác cũng thường gặp là rắn lục, chàm quạp, sải cổ đỏ… Nhóm rắn độc này gây nên tình trạng rối loạn đông máu cho nạn nhân. Trúng độc loại rắn này, nạn nhân có biểu hiện chảy máu không ngừng. Bệnh nhân có thể bị xuất huyết, xuất huyết não và tử vong.

Cách điều trị hiệu quả nhất là truyền huyết thanh giải độc cho bệnh nhân.

Vì vậy, khi bị rắn cắn, nạn nhân tuyệt đối không được rạch vết thương để hút nọc độc như cách dân gian thường làm. Cách này có thể gây chảy máu không ngừng nếu không may nạn nhân bị nhóm rắn gây rối loạn đông máu tấn công.

Mặt khác, khi bị rắn cắn, nạn nhân càng không được tự ý đắp các loại lá. Cách này có thể gây nhiễm trùng rất nguy hiểm.

Người thân nếu đập được con rắn đã tấn công nạn nhân có thể đem đến để bác sĩ xem, xác định loại rắn. Như vậy, việc điều trị sẽ thuận lợi hơn.

Trong trường hợp bị rắn cắn, cần phải bình tĩnh, dùng xà phòng và nước sạch để rửa vết thương. “Bước này rất quan trọng, có tác dụng rửa một phần nọc độc bên ngoài da”, bác sĩ Thơ nói.


Sau đó, băng ép vết thương (không phải cột ga-rô) cho nạn nhân. Cần chú ý băng ép mức độ vừa phải, tránh băng quá chặt có thể gây hoại tử.

Nạn nhân bị rắn cắn phải được đưa đến các cơ sở y tế để cấp cứu, truyền huyết thanh giải độc.

Bác sĩ Thơ khuyên người dân để tránh bị rắn cắn nên: đeo ủng khi ra vườn hay đi những rậm rạp. Khi đi rừng, nơi nhiều cây cối um tùm nên cầm theo cây gậy dài khua vào vùng cỏ cây rậm rạp để đuổi rắn trước.

Nguyên Mi (theo Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm