Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ngược dòng thời gian tìm về "truyền thống hiếu học"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Diễn ra đúng thời điểm người dân cả nước hân hoan chào đón Tết Độc lập lần thứ 77 (2/9/1945-2/9/2022) và trẻ em đang hào hứng bước vào năm học mới, triển lãm “Truyền thống hiếu học” đã mang đến cho công chúng yêu mỹ thuật cơ hội được tìm về miền ký ức trong veo ngập tràn xúc cảm để sống lại một thời đã xa, khi cả nước hừng hực khí thế quyết tâm “diệt giặc dốt”, “chống nạn mù chữ”.

Tranh “Lớp học bình dân” của họa sĩ Nguyễn Thế Vinh. (Ảnh Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)
Tranh “Lớp học bình dân” của họa sĩ Nguyễn Thế Vinh. (Ảnh Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)


50 tác phẩm của 43 tác giả, với quãng thời gian sáng tác trải dài từ sau Cách mạng Tháng Tám đến những năm gần đây đã cùng hội ngộ trong không gian vàng rực sắc thu ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với sự đa dạng chất liệu (từ sơn dầu đến sơn mài, từ chì than tới mầu nước hay bột mầu, từ tranh khắc gỗ tới tranh lụa), rất nhiều tranh tượng giá trị của hàng loạt họa sĩ tên tuổi, trong đó một số tác phẩm lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng đã mang đến những xúc cảm đong đầy hoài niệm cho người thưởng lãm. Đó cũng là tôn vinh truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, động viên thế hệ trẻ tiếp nối cha ông học tập, rèn luyện, phấn đấu để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục. Phong trào Bình dân học vụ với mục tiêu Diệt giặc dốt, Chống nạn mù chữ... do Người phát động là những bước đi đầu tiên quan trọng của Chính phủ nước Việt Nam DCCH non trẻ về giáo dục, định hướng việc tiếp nối truyền thống hiếu học của nhân dân ta, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, vùng miền. Trong những ngày gian khó, đau thương bởi đói nghèo, bom đạn ấy, cuộc chiến không khoan nhượng với giặc dốt đã lan tỏa rộng khắp trên cả nước. Khí thế sôi nổi ấy đã hào hứng tái hiện trong các tác phẩm hội họa, để những lớp học đông đảo đối tượng tham gia - từ bé thơ tới cụ già, từ anh công nhân tới chị nông dân, từ nữ dân quân tới bà bủ… hiện lên vô cùng chân thực, sinh động qua nét phác thảo hay ký họa, qua những hình khối hay mảng mầu in đậm nhãn quan nghệ sĩ của những cây cọ tài hoa.

Điểm chung của các tác phẩm hội họa ra đời từ 1945 đến trước 1970, vì điều kiện sinh hoạt thời chiến rất khó khăn cho nên thường có khổ nhỏ, chất liệu sáng tác không tốt và thiên về phác thảo, ký họa. Những bức tranh khổ lớn, chất liệu tốt hơn như sơn dầu, sơn mài thường được sáng tác từ sau năm 1975, được các họa sĩ kỳ công chăm chút cả về bút pháp lẫn ngôn ngữ tạo hình.

Dạo ngắm tranh tượng trong không gian triển lãm, người xem sẽ có cảm giác những hình ảnh ấn tượng Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng (tác giả Đỗ Hữu Huế), Công nhân học vẽ (Hoàng Công Luận) hay Đi học đêm (Nguyễn Thế Minh), Giờ học văn hóa của nữ du kích Củ Chi (Đào Hữu Phước)… đang hiện hữu sống động ngay trước mắt.

Những dáng người trẻ già lớn bé cặm cụi, miệt mài làm quen từng con chữ trong Lớp học miền núi (Hoàng Đạo Khánh), Bủ Đường biết đọc (Tô Ngọc Vân), Lớp học bình dân Lâm Bền (Trần Văn Cẩn) hay Lớp 5 dưới lòng đất (Ngô Tôn Đệ), Lớp học bổ túc văn hóa (Hà Xuân Phong), Lớp học sơ tán (Nguyễn Huy Lộc), Đồng bào Thanh Y đi học (Hồ Khải Dìn)… đang chậm rãi kể cho chúng ta nghe những nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, để cái chữ không còn làm khó mình.

Những câu chuyện về truyền thống hiếu học trong quá khứ qua những bức tranh, tượng ở triển lãm đã mang lại những dữ liệu lịch sử quý giá của một thời đã xa nhưng vẫn mới mẻ, hấp dẫn với công chúng hôm nay. Triển lãm mở cửa tới hết ngày 11/9/2022.

Theo BẢO NGỌC (NDO)

 

Có thể bạn quan tâm