Năm 1957, khi vừa sang tuổi 17, chàng trai Lê Xuân Lý đã thoát ly gia đình để tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Năm 1960, ông được điều động về Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Bộ Tư lệnh Đặc công và tham gia huấn luyện tại đây trong 4 năm. Đến năm 1964, ông tham gia đoàn hành quân vào Quảng Ngãi, sau đó được biên chế về Đại đội 2, Tiểu đoàn đặc công 406 (Quân khu 5) với nhiệm vụ tiêu diệt các căn cứ quân sự của quân đội Mỹ tại các chiến trường thuộc tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định trong 10 năm (1964-1974). “Thời điểm đó, nhiệm vụ của lực lượng đặc công là phá các căn cứ quân sự của quân đội Mỹ. Lúc này, Đại đội 2 được chia làm 6 mũi tấn công địch và tôi là mũi trưởng mũi điểm. Các mũi trưởng sẽ thâm nhập căn cứ của địch để nắm bắt quy mô và đường đi lối lại, sau đó, lên kế hoạch đưa quân tấn công căn cứ quân sự của địch”-ông Lý hồi nhớ.
Để đảm bảo an toàn, đại đội chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Ông và đồng đội phải luồn lách qua từng hàng rào kẽm gai với bãi mìn dày đặc để tiến vào căn cứ của địch. Tuy cẩn thận hết sức nhưng không ít lần bị địch phát hiện và truy đuổi. Trong đó, lần thực hiện nhiệm vụ nắm tình hình địch đóng tại xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) khiến ông nhớ mãi. Lúc đó vào khoảng 1 giờ sáng một ngày cuối tháng 8-1972, sau khi nắm tình hình từ căn cứ của địch trở về, ông cùng với một số anh em du kích xã Tịnh Hiệp xuống hầm trú ẩn. Do bị lộ thông tin, địch tấn công bắt sống 2 chiến sĩ canh gác hầm đưa đi nơi khác rồi liên tục nã súng. Khi ấy, ông và 1 du kích chạy thoát ra ngoài, số còn lại đều hy sinh.
83 tuổi, trí nhớ có phần suy giảm nhưng khi nhắc đến cuộc đời binh nghiệp, ông Lê Xuân Lý nhớ rõ từng trận đánh trong niềm xúc động xen lẫn tự hào. Ảnh: N.H |
Hướng mắt về phía những tấm huân chương treo trên tường nhà, ông Lý cho biết thêm: Cho đến bây giờ, ông không nhớ được mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh. Song trận tiến công phá hủy chi khu quân sự của địch đóng tại khu vực cầu Nước Mặn (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là kỷ niệm khó quên. “Vào lúc gần 1 giờ sáng một ngày cuối tháng 12-1969, tôi và đồng đội vẫn bám sát mục tiêu và vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Khi có hiệu lệnh, chúng tôi đồng loạt ném lựu đạn phá hủy lô cốt của địch. Bị tấn công bất ngờ, địch dời xuống hầm trú ẩn. Khi ấy, tôi ném liên tục 17 quả thủ pháo vào hầm khiến hơn 40 tên lính Mỹ chết tại chỗ. Sau sự kiện này, tôi được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và Huân chương Chiến công hạng nhì. Ngoài thành tích trên, sau này, tôi còn có thêm 4 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 15 lần được tặng huân chương kháng chiến các loại”-ông Lý tự hào.
Tháng 12-1974, ông Lý được điều động về làm Trợ lý Hậu cần của Đoàn 773 (Quân khu 5). Với kinh nghiệm dày dặn của người lính đặc công, ông vừa đảm nhận nhiệm vụ chuẩn bị lương thực cho đơn vị chiến đấu, vừa tham gia nghiên cứu, kiểm tra hồ sơ trận địa góp phần cùng đơn vị lập nên nhiều chiến công. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông tiếp tục công tác tại các đơn vị thuộc Đoàn 773. Sau đó, ông được luân chuyển sang công tác tại một số sở, ngành của tỉnh Gia Lai-Kon Tum cho đến năm 1983 thì nghỉ hưu. Trong suốt những năm tháng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Lý luôn xem gian lao, thử thách là cơ hội để rèn luyện ý chí của người lính Cụ Hồ.