(GLO)- Hôm nay (ngày 1-10) là Ngày Quốc tế người cao tuổi. Người cao tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong xã hội. Nhưng họ không phải gánh nặng, họ là vốn quý.
Nước ta 5-7 năm nữa sẽ bước vào thời kỳ già hóa dân số (khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm hơn 10%). Đến năm 2050, Việt Nam sẽ ở vào thời kỳ dân số già khi người cao tuổi chiếm 20%. Nhiều người tỏ ra bi quan khi đất nước bước vào thời kỳ già hóa dân số. Họ gắn tuổi cao với mất sức, hưu trí, đau yếu, bệnh tật... xem người cao tuổi như gánh nặng xã hội.
Khen thưởng người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Ảnh: T.N |
Thực tế, trong gia đình Việt Nam từ xưa đến nay, người cao tuổi có vai trò vô cùng quan trọng. Những người trên 60 tuổi chưa bao giờ ngừng lao động, cho đến khi họ không thể lao động. Có chăng, khi lớn tuổi, đa số họ thay đổi cách thức làm việc cho phù hợp độ tuổi, sức khỏe. Ở nông thôn, những người 70-80 tuổi còn sức khỏe vẫn lao động chân tay, đôi lúc là trụ cột gia đình, lao động chăm chỉ, hiệu quả công việc cao hơn một số thanh niên lười nhác. Khi không đủ sức làm đồng áng, người cao tuổi ở nhà chăm con cháu, giúp việc gia đình. Vì thế, dân gian Việt Nam có câu “Một mẹ già bằng 3 đứa ở”, “Một mẹ già bằng 3 mẫu ruộng”.
Vai trò người già không chỉ ở lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, mà quý giá hơn là truyền đạt kinh nghiệm mọi mặt cho thế hệ trẻ. Những bài học về luân thường đạo lý, đối nhân xử thế, những kinh nghiệm quý giá trong sản xuất, kinh doanh... của người cao tuổi là hành trang quan trọng của lớp trẻ khi vào đời, khởi nghiệp. “Kính già già để tuổi cho” là thế.
Gia Lai có 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống, tập tục, các mối quan hệ xã hội của cộng đồng này một thời gian rất dài tuân theo luật tục, khi đó vai trò phán xử của già làng, của hội đồng già làng có ý nghĩa quyết định. Đến nay, cũng chỉ một vài nơi “già làng” là người trẻ, có độ tuổi trên dưới 40, còn hầu hết người được tôn vinh “già làng” bao giờ cũng là người cao tuổi. Sự tồn tại, phát triển, an ninh trật tự... của làng phụ thuộc lớn vào sự lãnh đạo, điều hành, định hướng của già làng.
Ngày nay, đời sống vật chất, tinh thần của xã hội được nâng cao, tuổi thọ dân số tăng đáng kể, người sống 70 tuổi không còn hiếm. Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi nghiệp chính trị khi ở tuổi 70, nhậm chức lần đầu lúc 71 tuổi. Cuộc bầu cử ở Malaysia tháng 5-2018 với chiến thắng vang dội của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad ở tuổi 92, trước đương kim Thủ tướng Najib Razak, đã chứng minh sức khỏe thể chất, tinh thần vô bờ bến của người cao tuổi.
Thế giới đang vào thời kỳ “trí tuệ nhân tạo”, “công nghệ 4.0”, khẳng định tài nguyên không giới hạn, đó là sự sáng tạo của con người. Vì vậy, vai trò, trí tuệ của người cao tuổi cần được nhìn nhận, đánh giá và có hướng tiếp cận khác, khách quan hơn, để phát huy tối đa nguồn lực này. Giá trị lao động của người cao tuổi không phải ở năng suất hay đảm đương công việc đòi hỏi cơ bắp. Giá trị của người cao tuổi là kinh nghiệm, trải nghiệm và tri thức truyền lại; là sự uốn nắn, định hướng cho thế hệ trẻ. Mô hình gia đình 3 thế hệ trong xã hội truyền thống Việt Nam, với sự đề cao vai trò của ông bà, cha mẹ trong giáo dục, truyền đạt kinh nghiệm cho con cháu đã giúp xã hội ổn định, an toàn, trật tự, đỡ rối loạn hơn.
Gia Lai hiện có trên 113.000 người cao tuổi. Như các địa phương khác trong nước, số lượng người cao tuổi trong tỉnh ngày một tăng. Chăm lo cho người cao tuổi, năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2013-2020. Theo đó, đến năm 2020: 100% người cao tuổi khi đau ốm được khám-chữa bệnh và được hưởng chăm sóc của gia đình và cộng đồng; trên 80% số xã, phường, thị trấn thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn; 100% người cao tuổi đủ điều kiện theo quy định được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát... Năm 2017, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt Kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2025. Mục tiêu đến năm 2025 là: 100% bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố có lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng; trên 80% người cao tuổi được tiếp cận các dịch vụ vui chơi giải trí, thể dục thể thao tại địa phương...
“Tuổi cao chí khí càng cao”. Sức khỏe thể chất, tinh thần của người cao tuổi nay đã khác trước. Chúng ta cần phát huy nguồn lực quý giá này cho sự phát triển của mỗi gia đình, cộng đồng, góp phần vào sự thịnh vượng và ổn định chung của xã hội, để người cao tuổi thực sự là vốn quý.
Nhật Cường