Thời sự - Bình luận

Thuế nên chủ động khoan sức dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đó là nói về một số chính sách thuế không hợp lý hay đã lỗi thời... nhưng chưa điều chỉnh hiện nay.

Đầu tiên là thuế thu nhập cá nhân, được đề xuất, kiến nghị sửa đổi suốt nhiều năm qua nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên định quan điểm đến kỳ họp năm 2025 mới trình Quốc hội. Như vậy, nếu được thông qua thì phải đến năm 2026 mới áp dụng. Nghĩa là kéo dài thêm 2 năm nữa cho một ngưỡng thuế đã hết sức lỗi thời, hết sức lạc hậu mà đối tượng chiếm đa số là người làm công ăn lương.

Thứ hai là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xăng, chuyện này cũng được các chuyên gia kinh tế phân tích, mổ xẻ nhiều lần. Chúng ta đều biết, bản chất của thuế TTĐB là đánh vào những hàng hóa đặc biệt, mang tính chất xa xỉ để hạn chế tiêu dùng. Nhưng xăng là hàng hóa thiết yếu, bắt buộc phải dùng nên áp thuế TTĐB là chưa thỏa đáng. Cứ mỗi lần giá xăng tăng cao, đề xuất này được xới lại nhưng không ăn thua.

Tương tự, thuế TTĐB áp dụng với máy điều hòa nhiệt độ cũng nên xem xét tháo bỏ vì máy lạnh hiện nay không còn là hàng xa xỉ. Thậm chí trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nắng nóng gay gắt như thế này, máy lạnh cũng có thể coi là thiết yếu. Giảm bớt thuế, phí để giảm giá thành sẽ giúp nhiều hộ có điều kiện sắm điều hòa nhiệt độ, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt với nước sạch, mặt hàng dùng hằng ngày, hằng giờ, thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu cũng đang chịu thuế VAT mà theo nhiều người là chưa hợp lý. Kiến nghị bỏ thuế VAT với nước sạch cũng được đưa ra khi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM họp góp ý về luật Thuế GTGT sửa đổi mới đây.

Sửa đổi các sắc thuế không còn phù hợp, lỗi thời là việc cần thiết của cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm sự công bằng trong nghĩa vụ thuế. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính sách thuế càng nên chủ động phát huy tinh thần khoan sức dân để hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn lịch sử. Chúng ta đều biết, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài chưa từng thấy. Nếu tính từ lúc đại dịch Covid-19 xuất hiện, đến nay đã qua năm thứ 5. Hết giãn cách, đứt gãy chuỗi cung ứng thì lại đến khủng hoảng kinh tế, lạm phát toàn cầu, chiến sự Nga - Ukraine, xung đột ở Trung Đông... khiến chi phí tăng, giá hàng hóa ngày càng đắt đỏ. Khảo sát mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy chi tiêu bình quân đầu người năm 2022 xấp xỉ 2,8 triệu đồng/tháng, giảm so với năm 2020. Cục này nhận định dưới tác động của dịch Covid-19 các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị. Chi tiêu bình quân đầu người ở thành thị là 3,3 triệu đồng/tháng, trong khi ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/tháng. Thực ra chuyện người dân thắt lưng buộc bụng diễn ra từ khá lâu rồi. Doanh nghiệp khó khăn đơn hàng, sa thải lao động, giảm lương trong khi mặt bằng giá trên thị trường mỗi năm mỗi tăng, nên cách duy nhất để vượt qua là tiết kiệm tối đa mọi khoản chi không cần thiết. Cũng chính vì tâm lý và thực trạng đó, sức mua trên thị trường sụt giảm mạnh, kéo dài mà rất nhiều chương trình kích cầu triển khai hầu như không mang lại hiệu quả. Sức mua giảm thì tồn kho tăng, tồn kho tăng thì sản xuất cầm chừng, sản xuất cầm chừng thì doanh nghiệp buộc phải sa thải bớt lao động, giảm lương, giảm chi tiêu dẫn đến sức mua yếu... vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại. Vì thế như nói trên, chính sách thuế nên chủ động khoan sức dân để từ đó tăng tổng cầu trong nền kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng.

Thuế khoan sức dân chính là bồi đắp nguồn thu bền vững và thể hiện sự đồng hành, chia sẻ của Nhà nước với người dân trong khó khăn.

Có thể bạn quan tâm