Kinh tế

Nông nghiệp

Người cao tuổi ở Gia Lai làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 4.325 người cao tuổi (NCT) được công nhận danh hiệu làm kinh tế giỏi. Họ là những tấm gương sáng, tạo động lực, lan tỏa tinh thần tích cực cho các thế hệ tiếp nối chung sức đóng góp xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ở các địa phương.

Tiên phong trồng nhãn đầu dòng

Đã 79 tuổi nhưng ông Nguyễn Xuân Tảo (làng Greo Sét, xã Dun, huyện Chư Sê) vẫn hăng say lao động. Trong khu vườn rộng hơn 1 ha, ông trồng 300 cây nhãn Hương Chi, trong đó có 250 cây nhãn đầu dòng. Đây là những cây nhãn luôn đạt năng suất, chất lượng cao và phát triển ổn định, có sức chống chịu dịch bệnh tốt.

Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xem xét và cấp giấy công nhận là những cây nhãn đầu dòng. Nhờ vậy, ông còn có thêm nguồn thu nhập từ việc chiết cành nhân giống. Năm 2022, gia đình ông thu nhập hơn 300 triệu đồng, năm 2023 là hơn 350 triệu đồng.

Cùng với nguồn thu từ vườn nhãn, ông còn có thêm nguồn thu từ việc nuôi thả hơn 200 con gà ở trong vườn. Việc trồng trọt kết hợp chăn nuôi trên cùng một diện tích đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập trung bình 450 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ các khoản chi phí.

Bà Hoàng Thị Trang-Chủ tịch Hội Nông dân xã Dun-cho biết: “Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Tảo còn sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cây-con giống cho người dân trong vùng. Do đó, bà con ở xã Dun, nhất là hội viên nông dân người Jrai rất kính trọng và luôn học theo cách làm của ông để phát triển kinh tế gia đình”.

Trồng dâu nuôi tằm giỏi

Bà Nguyễn Thị Quỳnh (70 tuổi, ở làng Păng Gol-Phù Tiên, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) chia sẻ: Khi cây hồ tiêu bị chết, giá cà phê lại giảm nên gia đình bà lâm vào cảnh khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, năm 2015, bà Quỳnh chuyển đổi 1 sào cà phê già cỗi kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.

Nhận thấy công việc trồng dâu nuôi tằm có mức đầu tư thấp, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật và rất phù hợp với gia đình nên bà quyết định đầu tư mở rộng quy mô. Mấy năm nay, gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm từ mô hình này.

“Giá kén dao động trong khoảng 170-190 ngàn đồng/kg, có thời điểm tăng lên 230 ngàn đồng/kg đã giúp gia đình yên tâm sản xuất. Ngoài nguồn thu từ nghề trồng dâu nuôi tằm, gia đình còn có nguồn thu từ trồng cà phê, rau màu, chăn nuôi”-bà Quỳnh phấn khởi nói.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh (làng Păng Gol-Phù Tiên, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) chăm sóc tằm. Ảnh: H.C

Bà Nguyễn Thị Quỳnh (làng Păng Gol-Phù Tiên, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) chăm sóc tằm. Ảnh: H.C

Ngoài thời gian làm công việc gia đình, bà Quỳnh còn tích cực nghiên cứu sách báo và chia sẻ những thông tin hữu ích mà mình tiếp nhận được với bà con trong xã. Nhiều hội viên NCT được bà hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm. Kết quả, nhiều gia đình có NCT làm chủ đạt thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, đạt danh hiệu NCT làm kinh tế giỏi.

Ông Tạ Văn Ánh-cán bộ Địa chính và Nông nghiệp xã Ia Bă-cho hay: “Người cao tuổi trong xã tích cực lao động và hướng dẫn, hỗ trợ các con, cháu học tập, làm việc, tránh xa các tệ nạn xã hội. Nhờ sự gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào của họ mà làng xóm yên vui và ngày càng phát triển”.

Sự đóng góp của những NCT luôn được chính quyền địa phương kịp thời biểu dương, khen thưởng. Bà Rơ Chăm H'Yéo-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội NCT Việt Nam, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh-khẳng định: Ban Đại diện Hội NCT tỉnh luôn đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ NCT nói chung, những NCT làm kinh tế giỏi nói riêng. Mong rằng những NCT luôn phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, thực hiện tốt phong trào “Tuổi cao-gương sáng”.

Có thể bạn quan tâm