Đô thị

Người dân bức xúc vì bãi rác gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bãi rác thải của huyện Chư Păh nằm ở thôn 2, xã Hòa Phú đã tồn tại từ lâu gây ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Mặc dù người dân địa phương nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Bãi rác huyện Chư Păh cách Hội trường thôn 2 (thị trấn Phú Hòa) khoảng 1 km đường chim bay nhưng lại gần khu sản xuất của người dân địa phương. Ông Bạch Hữu Thanh-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 2 (thị trấn Phú Hòa) cho biết: Gia đình ông có 4 ha cao su bên cạnh bãi rác. Hàng ngày, khi đi cạo mủ, khói bụi cùng mùi hôi thối nồng nặc từ bãi rác bốc lên khiến ông thấy rất khó chịu và đau đầu. Không những vậy, vào mùa khô thường hay đốt rác khiến khói bụi ảnh hưởng đến vườn cây xung quanh.

Cách đây 2 năm, ông treo biển bán rẫy cao su này để mua đất chỗ khác nhưng vẫn chẳng thể bán nổi do môi trường xung quanh bị ô nhiễm. “Bãi rác này được quy hoạch nằm giáp ranh giữa thôn 2 (thị trấn Phú Hòa) và thôn 2 (xã Hòa Phú) đồng thời cũng gần đất canh tác nên người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong các buổi họp dân, chúng tôi đều kiến nghị lên chính quyền địa phương di dời nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục”-ông Thanh nói.

Người dân thị trấn Phú Hòa bức xúc vì bãi rác của huyện gây ô nhiễm môi trường. Ảnh R.H

Người dân thị trấn Phú Hòa bức xúc vì bãi rác của huyện gây ô nhiễm môi trường. Ảnh R.H

Có 1 ha rẫy cao su đang khai thác cách khu vực bãi rác 100 m, ông Nguyễn Hữu Thọ (thôn 2, thị trấn Phú Hòa) bức xúc: "Bãi rác không chỉ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tại khu vực mà còn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong thôn. Mỗi khi trời nổi gió hoặc khi đốt rác khiến khói bụi bay tới khu dân cư, chúng tôi phải hít toàn bộ mùi khét từ bãi rác này. Vì vậy, người dân kiến nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng có các phương án xử lý phù hợp để trả lại môi trường sống trong lành”.

Còn ông Huỳnh Bá (thôn 2, xã Hòa Phú) thì cho hay: Bãi rác của huyện nằm ở gần con suối. Vào mùa mưa, lượng rác cùng nước thải đen kịt từ bãi rác chảy ra xuống con suối gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất của người dân. Nhà tôi cách bãi rác khoảng 500 m nên thường xuyên bị ruồi nhặng bu bám xung quanh gây cảm giác rất khó chịu. Vào mùa khô, việc đốt rác khiến khói bụi cùng mùi khét bao phủ cả một vùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân”.

Ông Huỳnh Tấn Bộ-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Hòa-cho biết: Bãi rác của huyện gây ô nhiễm môi trường đã tồn tại từ lâu. Thời gian qua, trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân liên tục phản ánh, nêu ý kiến. Trên cơ sở đó, UBND thị trấn cũng có văn bản gửi huyện về tình trạng ô nhiễm tại bãi rác này. Mong muốn của người dân được huyện, các cấp, ban ngành quan tâm, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sớm ngày nào hay ngày đó.

Bãi rác huyện Chư Păh có diện tích quy hoạch là 41.408 m2, hiện trạng thực tế sử dụng là 18.900 m2. Trong đó, diện tích đang chôn lấp thực tế khoảng 8.000 m2 do Trạm Cấp nước và Dịch vụ đô thị huyện Chư Păh quản lý, vận hành. Rác thải được thu gom từ các xã: Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa, Ia Khươl, Ia Nhin, Ia Ka, Hòa Phú và thị trấn Phú Hòa với khoảng 8 tấn rác được thu gom mỗi ngày.

Trao đổi với P.V, ông Lê Xuân Dũng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Păh-thông tin: Về vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi rác của huyện, đơn vị đã tiếp nhận nhiều ý kiến, phản ánh của người dân. Phương pháp xử lý tại bãi rác thải này chủ yếu là đốt thủ công kết hợp phun thuốc xử lý mùi hôi, sau đó, tiến hành chôn lấp thông thường nên không thể khắc phục tối đa việc ảnh hưởng đến môi trường được.

Nhằm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại bãi rác này, theo hướng dẫn của tỉnh, UBND huyện Chư Păh đã có Tờ trình số 90/TTr-UBND ngày 19-12-2018 và Tờ trình số 65/TTr-UBND ngày 15-7-2019 gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường về việc đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Xử lý cải tạo, phục hồi môi trường bãi rác huyện Chư Păh với tổng kinh phí là 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi cũng như kinh phí để triển khai thực hiện.

“Giải pháp trước mắt là đề nghị huyện ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, thu hút nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để xử lý cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các bãi rác, giảm thiểu tối đa việc để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”-ông Dũng cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm