Điểm đến Gia Lai

Người dân Ia Rbol thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo buôn làng.

Thay đổi phương thức sản xuất

Những ngày này, bà con nông dân xã Ia Rbol đang tích cực chăm sóc lúa vụ mùa. Anh Rô Thi (buôn Rưng Ma Đoan) cho hay: Vụ này, gia đình gieo sạ gần 1 ha giống lúa Đài Thơm 8. Sau hơn 2 tháng xuống giống, lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Dự kiến năng suất lúa đạt 8 tấn/ha. Nếu giá vẫn ổn định ở mức 7.000 đồng/kg lúa tươi như hiện nay thì gia đình lãi gần 30 triệu đồng/ha.

“Trồng lúa bây giờ không vất vả như trước vì hầu hết các khâu như làm đất, thu hoạch đã được cơ giới hóa. Lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng, người dân không mất công vận chuyển về nhà phơi sấy”-anh Thi nói.

Nhiều hộ dân xã Ia Rbol thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển hướng sang chăn nuôi bò nhốt chuồng vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tận dụng được nguồn chất thải để bón cho cây trồng. Ảnh: V.C

Nhiều hộ dân xã Ia Rbol thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển hướng sang chăn nuôi bò nhốt chuồng vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tận dụng được nguồn chất thải để bón cho cây trồng. Ảnh: V.C

Buôn Rưng Ma Đoan hiện có gần 200 hộ canh tác lúa nước 2 vụ với tổng diện tích khoảng 80 ha. Anh Ksor Long-Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Rưng Ma Đoan-cho biết: “Bà con không tính lúa bằng bao nữa mà tính bằng tạ, bằng tấn. Hầu hết các hộ sau khi thu hoạch đều bán lúa tươi tại ruộng, chỉ giữ lại một phần để làm giống và ăn. Có máy móc làm hết, 1 ha thu hoạch chỉ trong buổi sáng, trong khi trước đây phải huy động cả họ hàng đổi công, thu hoạch tới mấy ngày mới xong”.

Anh Long chia sẻ thêm: Trước đây, gia đình anh dù chăm chỉ làm lụng nhưng vẫn chịu cảnh đói nghèo. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, anh trăn trở tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Qua thời gian tìm hiểu, nhận thấy dê là động vật dễ nuôi, sinh sản nhanh, thức ăn dễ kiếm trong khi nhu cầu thị trường lớn, năm 2022, anh vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để mua 10 con dê giống và xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

Thời gian đầu, anh Long gặp không ít khó khăn do chưa biết cách chăm sóc nên đàn dê thường bị bệnh. Không nản chí, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do các cấp tổ chức; đồng thời, dành thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các xã lân cận. Qua hơn 2 năm, đàn dê của gia đình đã tăng lên gần 50 con.

Cán bộ xã Ia Rbol trực tiếp xuống thôn, buôn tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Vũ Chi

Cán bộ xã Ia Rbol trực tiếp xuống thôn, buôn tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Vũ Chi

Cùng với chăn nuôi dê, gia đình anh Long nuôi thêm 2 con bò và canh tác 1 ha lúa, bắp. Mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Không chỉ là điển hình trong phát triển kinh tế, với vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận, anh Long thường xuyên vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng phát triển kinh tế.

“Tôi ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính quê hương mình. Nuôi dê không quá khó nhưng phải đảm bảo chuồng trại cao ráo, sạch sẽ. Dê phải được tiêm phòng đầy đủ, không ăn rau cỏ khi còn ướt sương. Trồng trọt thì thực hiện theo nông lịch, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng. Bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm so với trước đây, mạnh dạn thay đổi thì sẽ sớm ra khỏi đói nghèo, lạc hậu”-anh Long tâm sự.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt và sản xuất. Hầu hết các hộ chăn nuôi đều có chuồng trại; không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn tiết kiệm thời gian, tận dụng phân bón cải tạo đồng ruộng hoặc bán tăng thu nhập. Một số hộ không có kinh phí mua bò đã mạnh dạn nhận nuôi bò rẽ của các hộ khá giả trong làng. Nhờ sự cần cù, chịu khó, dần dần họ đã có trong tay đàn bò của riêng mình làm phương tiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Lan tỏa cuộc vận động

Xã Ia Rbol có 1.048 hộ với trên 5.000 khẩu, trong đó, dân tộc Jrai chiếm 99%. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Rơcom Bình Nguyên: Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 23-5-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động được đặc biệt chú trọng theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người dân. Cán bộ xã trực tiếp xuống các buôn làng hướng dẫn bà con đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào canh tác, cải tạo vườn tạp trồng rau, trồng mì cao sản, làm chuồng nuôi bò, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh…

Cùng với đó, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng. “Trước đây, lối sống, nếp nghĩ của một bộ phận người dân còn lạc hậu, quẩn quanh bó hẹp. Bây giờ, không như thế nữa, bà con bảo ban nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, buôn làng ngày thêm khởi sắc. Toàn xã chỉ còn 39 hộ nghèo”-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thông tin.

Diện mạo các buôn làng của xã Ia Rbol ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: V.C

Diện mạo các buôn làng của xã Ia Rbol ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: V.C

Nhờ sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” tại xã Ia Rbol đã tạo sức lan tỏa rộng rãi. Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã lồng ghép thực hiện với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”, phong trào “Phụ nữ tiết kiệm nuôi heo đất mua bảo hiểm y tế”.

Hội Nông dân xã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với các mô hình phát triển kinh tế hộ, mô hình chi/tổ hội nghề nghiệp.

Đoàn Thanh niên triển khai phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc và đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Hội Cựu chiến binh gắn việc thực hiện cuộc vận động với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”…

Ông Trần Trọng Kim-Chủ tịch UBND xã: “Cuối năm 2023, xã còn 39 hộ nghèo, chiếm 3,75% và 76 hộ cận nghèo, chiếm 7,31%. Xã quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa toàn bộ 39 hộ nghèo và giảm 29 hộ cận nghèo vào cuối năm 2024”.

Từ các phong trào thi đua, người dân có sự chuyển biến trong nhận thức, không còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động vươn lên, tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo.

Đơn cử như gia đình anh Nay Đáy (buôn Rưng Ma Nhiu). Ra ở riêng sau khi lập gia đình cách đây 5 năm, không có ruộng rẫy, vợ chồng anh chỉ dựng được căn nhà tạm che mưa che nắng. Lần hồi tích góp được một số vốn, đầu năm 2023, anh chị làm đơn tự nguyện ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Vợ chồng anh vay thêm 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã dựng căn nhà mới khang trang, làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh.

“Tôi nghĩ rằng, còn sức lao động thì không nên trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, tôi làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo để nhường sự hỗ trợ cho các gia đình khác và cũng để có động lực vươn lên làm giàu. Thật mừng vì ước mơ thoát nghèo của gia đình nay đã thành hiện thực”-anh Đáy bộc bạch.

Ông Trần Trọng Kim-Chủ tịch UBND xã Ia Rbol-cho hay: Thành công lớn nhất của cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” là người dân trong xã dần thay đổi nhận thức, tự giác vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hộ mạnh dạn thay đổi phương thức làm ăn cũ, vay vốn ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã thông qua các hội, đoàn thể để trồng trọt, chăn nuôi.

Chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động; phân công các ban, ngành, đoàn thể phụ trách giúp đỡ các hộ thoát nghèo, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Bên cạnh đó, xã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, cấp cây-con giống để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Có thể bạn quan tâm