Kinh tế

Nông nghiệp

Người dân phường An Bình đa dạng mô hình sinh kế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ triển khai các dự án phát triển sản xuất và đa dạng mô hình sinh kế nên công tác giảm nghèo của phường An Bình (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đạt được những kết quả khả quan.

Phường An Bình có 7 tổ dân phố với hơn 1.400 hộ cán bộ, công chức, viên chức, kinh doanh nhỏ lẻ và 982 hộ dân sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các hội, đoàn thể đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo; vận động người dân tham gia mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng sinh kế để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Ông Hoàng Văn Hùng (bìa phải, tổ 7, phường An Bình, thị xã An Khê) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch bưởi. Ảnh: A.P

Ông Hoàng Văn Hùng (bìa phải, tổ 7, phường An Bình, thị xã An Khê) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch bưởi. Ảnh: A.P

Được cán bộ Hội Nông dân phường tư vấn, đầu năm 2017, gia đình ông Hoàng Văn Hùng (tổ 7) đã chuyển đổi diện tích rau xanh sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi bò. Trên diện tích 6 sào đất, ông Hùng trồng 160 cây bưởi da xanh Tân Triều xen với 300 cây ổi Ruby. Ông canh tác theo hướng hữu cơ. Không những vậy, ông còn tận dụng khoảng đất trống trồng ớt, đậu cô ve, rau gia vị và trồng cỏ nuôi 4 con bò.

“Từ khi triển khai mô hình này, tôi thu về hơn 200 triệu đồng/năm. Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên Nông hội cây ăn quả, rau An Bình để nhân rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi”-ông Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Châu-Chủ nhiệm Nông hội cây ăn quả, rau An Bình-cho hay: Nông hội được thành lập vào cuối năm 2020 với 31 thành viên/136 ha đất sản xuất. Trong đó, 7 thành viên trồng các loại cây ăn quả như: mít, na, ổi, bưởi da xanh, nhãn, vải, bơ; 24 thành viên trồng rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

“Khi tham gia Nông hội, các thành viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới do cơ quan chuyên môn thị xã tổ chức. Qua các buổi sinh hoạt, mọi thành viên đều nắm bắt thông tin giá cả thị trường, liên kết phát triển chuỗi giá trị sản xuất, không ngừng nâng cao kỹ năng, áp dụng kiến thức vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, cải thiện thu nhập và đời sống”-ông Châu nói.

Hội Nông dân phường An Bình có 7 chi hội với 476 hội viên. Bên cạnh vận động hội viên nông dân hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Hội thường xuyên vận động hội viên xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế.

Hiện có 15 hội viên vay hơn 118 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân; 58 lượt hội viên nông dân vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã với dư nợ hơn 3,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Châu (bìa phải)-Chủ nhiệm Nông hội cây ăn quả, rau An Bình (phường An Bình, thị xã An Khê) thăm hỏi tình hình sản xuất rau của hội viên. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Nguyễn Văn Châu (bìa phải)-Chủ nhiệm Nông hội cây ăn quả, rau An Bình (phường An Bình, thị xã An Khê) thăm hỏi tình hình sản xuất rau của hội viên. Ảnh: Ngọc Minh

Chủ tịch Hội Nông dân phường Nguyễn Kim Vinh cho biết: Năm 2023, Hội phối hợp với các ngành tổ chức 24 buổi tuyên truyền cho 547 lượt hội viên nông dân về các chủ trương, chính sách nông nghiệp, nông dân và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; cử 7 hội viên là các chủ trang trại, hộ sản xuất kinh doanh nông sản tham gia lớp tập huấn kiến thức kinh doanh và các quy định pháp luật liên quan đến thương nhân trong kinh doanh nông sản do Sở Công thương tổ chức; vận động 7 hội viên tham gia tổ nghề nghiệp xây dựng công trình phụ, 7 hội viên tham gia tổ hội nghề nghiệp cắt tóc.

“Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ bò, cây-con giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; vận động hội viên nông dân duy trì, phát triển mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi thỏ, trồng cây ăn quả; tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để đầu tư chăn nuôi sản xuất, nâng cao thu nhập”-ông Vinh thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Phan Đình Nguyên-Phó Chủ tịch UBND phường-khẳng định: “Việc triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng nông hội, tổ hội nghề nghiệp đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nhờ vậy, toàn phường chỉ còn 5 hộ nghèo và 30 hộ cận nghèo”.

Có thể bạn quan tâm