Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Người dân Plei Dơng cần lắm cây cầu qua khu sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phần lớn đất sản xuất của người dân tổ dân phố Plei Dơng (thị trấn Kông Chro) nằm bên kia suối Srơh, mùa mưa tới, nước dâng cao khiến bà con phải đi đường vòng rất xa. Vì vậy, bà con rất mong Nhà nước xây dựng cây cầu bắc qua suối để đi lại an toàn, vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn.

Tổ dân phố Plei Dơng có 280 hộ với hơn 1.400 khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 75%. Ông Đinh Văn Prinh-Tổ trưởng tổ dân phố Plei Dơng-cho biết: Phần lớn người dân sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Bà con có hơn 100 ha ruộng rẫy ở bên kia suối Srơh. Những năm qua, người dân đã hình thành 3 điểm cắt ngang lòng suối để đi sang khu sản xuất. Mùa khô (từ tháng 2 đến tháng 7), lòng suối cạn, hàng ngày có hàng trăm lượt người đi làm rẫy, chở vật tư, phân bón; khi về chở nông sản. Những tháng mùa mưa, nước suối đổ về cuồn cuộn, dâng cao, có chỗ sâu hơn 3 m. Bà con không thể đi tắt đành phải đi đường vòng, mất thời gian, chi phí xăng xe tăng; đó là chưa kể đến việc nông sản bị hư hỏng vì không được đưa về nhà bảo quản kịp thời.

 Anh Đinh Văn Nhâm (tổ dân phố Plei Dơng, thị trấn Kông Chro) khó nhọc chở bao đậu xanh vượt qua lòng suối Srơh. Ảnh: N.M
Anh Đinh Văn Nhâm (tổ dân phố Plei Dơng, thị trấn Kông Chro) vất vả chở bao đậu xanh vượt qua lòng suối Srơh. Ảnh: Ngọc Minh


Đường chật hẹp, trơn trượt, lòng suối sâu, anh Đinh Văn Nhâm vất vả lắm mới chở được bao đậu xanh về nhà an toàn. Anh cho hay: Gia đình anh có 4 ha đất chuyên trồng bắp, mì, đậu. Mỗi năm, anh trồng 1 vụ mì, 2 vụ đậu, bắp, thu nhập gần 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thời điểm mùa mưa trùng với vụ thu hoạch đậu, bắp. Nếu mưa ít, suối cạn thì có thể kịp thời mang nông sản về nhà. Còn khi nước dâng cao đành phải đi đường vòng, nông sản không kịp thời đưa về nhà bảo quản sẽ bị hư hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng, giá bán. “Cuối năm ngoái, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, mưa to, nước dâng cao, gia đình vừa thu hoạch bắp, đậu không kịp vận chuyển về nhà nên bị hư hỏng khoảng 2 tấn đậu, 6 tấn bắp. Tôi mong chính quyền địa phương quan tâm xây dựng cầu bắc qua suối để bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn”-anh Nhâm bày tỏ.

Cùng nguyện vọng, anh Bùi Văn Nam chia sẻ: “Tôi mong Nhà nước sớm làm cầu hoặc cống bắc qua suối để bà con đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn. Như gia đình tôi, bình quân ngày 4 lượt chạy qua chạy lại từ nhà sang rẫy. Nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao, đi qua rất nguy hiểm, nhất là với phụ nữ, trẻ em. Tôi đã bị mấy lần nước cuốn trôi xe, may mà nhờ mọi người kéo kịp”.

Theo đa phần ý kiến của người dân, nếu từ nhà đi qua suối sang khu sản xuất thì khoảng cách chừng 5-10 km. Khi nước suối dâng cao, bà con phải đi đường vòng xa gấp 3 lần, vừa mất thời gian, tăng chi phí, giảm lợi nhuận. “Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm làm cầu bắc qua suối Srơh sang khu sản xuất. Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, chính quyền địa phương cũng như tổ dân phố thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền bà con nâng cao ý thức cảnh giác, không vượt suối khi nước dâng cao. Nhờ vậy, thời gian qua, tại những điểm đi qua suối không xảy ra việc người, xe cộ, nông sản bị cuốn trôi”-ông Prinh thông tin.

 Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND thị trấn Kông Chro Chu Văn Thuần cho biết: “Ngoài bà con ở tổ dân phố Plei Dơng, một số hộ dân ở các tổ khác cũng có đất sản xuất bên kia suối Srơh. Tuy nhiên, thị trấn không có kinh phí làm cầu bắc qua suối nên chúng tôi đã báo cáo với ngành chức năng và cấp trên có hướng giải quyết. Nhưng vì hạn chế về nguồn kinh phí, trong khi phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số công trình thiết yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn hơn nên việc bố trí kinh phí xây dựng cầu bắc qua suối sẽ được huyện cân nhắc giải quyết trong thời gian tới”.

 

 NGỌC MINH

 

Có thể bạn quan tâm