Phóng sự - Ký sự

Người Hàn Quốc ở Việt Nam: Bình yên như ở quê nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nép mình giữa lòng TP.HCM nhộn nhịp, khu phố Hàn Quốc (P.4, Q.Tân Bình) là nơi sinh sống bình yên của hàng trăm người Hàn. Tại đây, những người Hàn xa xứ tìm thấy hương vị quê hương nơi đất khách.

"Quê hương thứ hai" của nhiều người Hàn

Khác với sự hào nhoáng, nhộn nhịp của phố Hàn ở Phú Mỹ Hưng (Q.7), khu phố Hàn Quốc kéo dài từ đầu đường Hậu Giang đến hết đường Thăng Long (P.4, Q.Tân Bình) mang dáng vẻ bình dị, gần gũi và trầm lắng.

Vừa mới đến đầu đường Hậu Giang, chúng tôi đã thấy những bàn ăn tỏa khói cùng mùi thịt nướng thơm phức. Đi dọc con đường, có thể chứng kiến cảnh những gia đình người Hàn ngồi ăn tối với nhau hay tản bộ, trò chuyện trên hè phố.

Khu phố Hàn ở P.4, Q.Tân Bình yên tĩnh, nhẹ nhàng lúc về đêm

Con phố nhỏ này được điểm tô bởi những quán ăn, siêu thị bán thực phẩm nhập khẩu và các tiệm cà phê ấm cúng mang phong cách Hàn Quốc. Khác với sự ồn ào, tấp nập ngoài kia, khu phố Hàn Quốc này mang một bầu không khí rất khác: yên tĩnh, chậm rãi, nhẹ nhàng.

TP.HCM được mệnh danh là "thành phố không ngủ" khi càng về đêm lại càng nhộn nhịp. Nhưng lạ thay, khu phố Hàn này lại "đi ngủ" rất sớm. Mới khoảng 22 giờ, các cửa hiệu đã rục rịch thu dọn để đóng cửa, dòng người trên phố cũng thưa dần.

Theo lời người dân nơi đây, người Hàn đặc biệt chú trọng đến sức khỏe nên họ đi ngủ rất sớm. Những ngày cuối năm, tiết trời TP.HCM se lạnh cũng khiến mọi người nôn nóng về nhà nghỉ ngơi hơn sau một ngày dài làm việc.

Một người đàn ông Hàn Quốc đứng tuổi mà chúng tôi vô tình gặp trên phố cho hay khu này an ninh rất tốt. Sau 22 giờ, nếu hàng quán nào còn mở cửa cũng sẽ giữ trật tự để mọi người được yên tĩnh nghỉ ngơi.

"Tôi sống ở đây đã vài năm, cảm thấy rất yên bình. Lâu lâu muốn trải nghiệm các hoạt động hay không gian sôi động hơn, gia đình tôi có thể sang Phú Mỹ Hưng hoặc vào trung tâm thành phố", ông nói.

Khu phố Hàn, nhưng rất Việt…

Ẩn mình trong một góc phố giữa lòng TP.HCM sôi động, khu phố Hàn tại Q.Tân Bình không chỉ mang nét đặc trưng của văn hóa Hàn mà còn hòa quyện bản sắc Việt độc đáo.

Điểm thú vị của khu phố này là tất cả hàng quán, từ tiệm làm đẹp, quán ăn, tiệm thuốc, cửa hàng tiện lợi, tiệm quần áo… đều có bảng hiệu tiếng Hàn lẫn tiếng Việt. Dạo một vòng trên đường Hậu Giang dài chừng 500 m, chúng tôi dừng lại trước tiệm làm đẹp có bảng hiệu tiếng Việt rất lớn mang tên "Làm đẹp quê hương". Tiệm chuyên gội đầu, tạo mẫu tóc theo phong cách Hàn Quốc…

Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của nhiều người Hàn

Vừa bước vào tiệm, nhân viên đã nở nụ cười rất tươi, cúi đầu chào chúng tôi bằng tiếng Hàn lẫn tiếng Việt. Để ý xung quanh, chúng tôi thấy cả khách Hàn lẫn khách Việt đang chờ đến lượt. Một điều khá đặc biệt là người Hàn ở đây nói tiếng Việt khá sành, họ vui vẻ và rất hòa nhã với người Việt.

Xen kẽ hàng quán kiểu Hàn là những quán ăn rất Việt Nam nào là hủ tiếu, bún riêu, cơm tấm, phở, bánh canh… Nhiều người Hàn đến con phố này, rồi dần yêu thích hương vị của những món ăn Việt. Chị chủ tiệm cơm tấm trên đường Hậu Giang chia sẻ với chúng tôi không những người Việt mà người Hàn cũng rất thích món cơm tấm sườn, bì, chả của chị.

"Tôi bán trên con đường này cũng 6 - 7 năm rồi. Người Hàn quanh đây mê cơm, đồ ăn của tôi bán lắm. Khi nào tới họ cũng dắt theo vài người bạn hoặc đi cùng gia đình. Bán ở đây lâu năm, dần dần tôi cũng biết vài câu tiếng Hàn để tiện giao tiếp", chị cười nói.

Ông Trần Văn Hùng (48 tuổi, ở Q.3) thường đưa gia đình đến phố Hàn trên đường Hậu Giang vào dịp cuối tuần. Ông Hùng cho biết các con ông rất thích món thịt nướng Hàn Quốc, còn ông và vợ thì hay gọi một tô hủ tiếu, bánh canh ngay bên cạnh.

Khu phố góp phần khắc họa sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt - Hàn

Một trong những điểm thu hút khác của con phố này là giá cả. Các cửa hàng và quán ăn tại đây thường có giá rẻ hơn so với những khu vực nổi tiếng khác như phố Hàn ở Phú Mỹ Hưng. Cũng chính vì lý do này mà con phố có khá nhiều thực khách đến vui chơi, ăn uống, mua sắm...

Dù không nhộn nhịp, hào nhoáng nhưng khu phố Hàn tại Q.Tân Bình đã góp phần khắc họa sự giao thoa hài hòa giữa hai nền văn hóa Việt - Hàn. Đây không chỉ là nhịp cầu kết nối cộng đồng người Việt và người Hàn mà còn góp phần làm sâu sắc thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

(còn tiếp)

Theo thạc sĩ Tạ Thị Lan Khanh (Học viện Cán bộ TP.HCM), cộng đồng người Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam đã có nhiều tác động tích cực đến mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Thông qua các hiệp hội, tổ chức thương mại, người Hàn Quốc luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia qua các dự án và chương trình cụ thể tới từng địa phương. Những dự án, chương trình trải rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, giáo dục… được tổ chức xuyên suốt trong năm.

Các tổ chức Hàn - Việt như Hiệp hội gia đình Hàn - Việt TP.HCM, Hội Phụ nữ Việt - Hàn (Hội dâu Việt)... cũng tạo cơ hội cho các gia đình Việt - Hàn gặp gỡ, giao lưu và hỗ trợ lẫn nhau, tập trung vào các sự kiện mang tính gia đình.

Theo Thái Thanh - Hoài Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm