Phóng sự - Ký sự

Người Hàn Quốc ở Việt Nam: Ký ức phố Hàn Quốc đầu tiên tại TP.HCM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo tờ Nikkei Asia, hiện có khoảng 178.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam, nhiều hơn khoảng 60.000 tổng số người Hàn Quốc tại các nước còn lại của Đông Nam Á. Nhiều người Hàn Quốc cho biết khi đến Việt Nam để sống và làm việc, kinh doanh..., họ cảm thấy được chào đón.

Con đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM) một thời là nơi sinh sống, kinh doanh sầm uất của cộng đồng người Hàn Quốc. Ở phố Hàn Quốc "xưa cũ" này từng có nhiều quán ăn, nhà hàng, khách sạn treo biển bằng tiếng Hàn hoặc Hàn - Việt.

Chúng tôi đến đường Phạm Văn Hai nằm bên hông khu chợ cùng tên, cả con đường dài khoảng 800 - 900 m. Theo lời người dân nơi đây thì khoảng những năm 2000, đa số cư dân sống trong khu này đều là người Hàn Quốc sang Việt Nam làm ăn, sinh sống.

Trước đây, khu chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM) thường xuyên có người Hàn Quốc lui tới

Bước chân đầu tiên của người Hàn Quốc ở Việt Nam

Theo nhiều tư liệu, đường Phạm Văn Hai được xem là khu phố đầu tiên mà người Hàn Quốc sinh sống khi đến Việt Nam. Thời hưng thịnh, khu phố này sầm uất, tập hợp nhiều nhà hàng, khách sạn, thẩm mỹ viện "chuẩn Hàn" để phục vụ dân bản địa.

Tuy vậy, phố Phạm Văn Hai bây giờ hầu như không còn người Hàn Quốc. Họ đã chuyển đến những nơi khác như Phú Mỹ Hưng (Q.7), Super Bowl (Q.Tân Bình)... để sống cùng nhiều đồng hương.

Ông Phạm Na (68 tuổi, ở Q.Tân Bình), một người bán hàng lâu năm ở chợ Phạm Văn Hai, cho biết hơn chục năm về trước, đây là nơi sinh sống của rất nhiều người Hàn Quốc. Trên khắp con phố, hàng quán có treo biển hiệu tiếng Hàn san sát, ăn uống, mua sắm, làm đẹp đều có đủ.

"Người Hàn Quốc sống ở đây rất hòa nhã, dễ mến, nghĩa tình và có tính cộng đồng. Tôi buôn bán ở đây mấy chục năm, cũng từng gặp không ít người Hàn Quốc nên cũng có thể giao tiếp vài câu cơ bản. Nhưng bây giờ người Hàn Quốc sống ở đây ít, lâu lắm mới gặp một, hai người. Tôi để ý có nhiều người Hàn Quốc rất yêu Việt Nam, thường xuyên lui tới trong khu chợ này để ăn hủ tiếu, bánh canh hay uống cà phê", ông Na kể.

Đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) trước đây có nhiều cửa hàng Hàn Quốc

Theo thạc sĩ Tạ Thị Lan Khanh (Học viện Cán bộ TP.HCM), ngày 22.12.1992, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Đây được xem như một sự khởi đầu, mở đường cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử quan hệ song phương Việt - Hàn.

Theo dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, con số người Hàn Quốc ở Việt Nam hiện nay nhiều hơn khoảng 60.000 người so với tổng số người Hàn Quốc ở các quốc gia còn lại của Đông Nam Á. Từ đó có thể thấy Việt Nam đã và đang là một quốc gia đầy sức hút với người dân xứ sở kim chi.

Nói về lý do khiến Việt Nam trở thành "bến đỗ" lý tưởng được nhiều người Hàn Quốc lựa chọn, thạc sĩ Lan Khanh cho biết thị trường Việt Nam những năm 2000 mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nhân Hàn Quốc. Bên cạnh đó, chi phí thực phẩm và tiêu dùng ở Việt Nam khá rẻ; người Hàn Quốc học tiếng Việt khi làm trong các công ty Hàn Quốc cũng sẽ được tăng lương và chức vụ.

Không những thế, việc người Hàn Quốc đến Việt Nam sinh sống còn là "bước khởi đầu" cho nhiều câu chuyện tình truyền cảm hứng. Mặt khác, các quyền lợi của công dân Hàn Quốc vẫn được bảo đảm dù sinh sống, làm việc ở Việt Nam.

"Phố Hàn" Phạm Văn Hai hiện nay

Nhớ về một thời "vang bóng"

Chúng tôi đến đường Phạm Văn Hai vào một buổi sáng cuối tuần. Con đường này từng được biết đến là khu phố Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam nhưng giờ đây đã thay diện mạo mới.

Hiện tại, đường Phạm Văn Hai không còn dấu ấn rõ nét của một phố Hàn sầm uất như ngày trước. Phần lớn những điểm cung cấp dịch vụ Hàn Quốc đã được thay thế bởi những quán ăn, tiệm tạp hóa, nhà ở… của người Việt. Với những người đã sống qua thời kỳ hưng thịnh của cộng đồng Hàn Quốc tại khu phố, ký ức về một phố Hàn từng rộn rã vẫn còn văng vẳng đâu đây.

Chúng tôi tình cờ quen biết ông Nguyễn Bình (56 tuổi), người đã chứng kiến sự đổi thay của con phố qua hàng chục năm. Ông Bình kể lại: "Ngày trước, con phố này nhộn nhịp lắm. Nào là quán ăn, quán cà phê, tiệm làm tóc, tiệm tạp hóa, khách sạn, tiệm làm đẹp… Tất cả đều có bảng hiệu tiếng Hàn lẫn tiếng Việt. Ban ngày ở đây cũng nhiều người qua lại nhưng cứ đêm đến là rộn ràng, náo nhiệt nhất".

Ông Bình cho biết người Hàn Quốc sinh sống trên khu phố này rất đông. Họ thuê nhà, mở quán ăn, tiệm làm đẹp, có người còn cưới cả vợ Việt và sinh con.

"Người Hàn ở đây nhiều nên quán xá cũng lắm. Các cửa hàng chuyên bán thực phẩm nhập từ Hàn Quốc như cá hộp, mì tôm, cá, thịt, hải sản đông lạnh, đồ uống… Tôi còn nhớ có tiệm bán giò heo hầm kiểu Hàn Quốc lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Không những người Hàn mà còn có người Việt đến ăn", ông Bình cho hay.

Vừa kể, ông vừa chỉ về phía những căn nhà đối diện từng là nơi ở của một số người Hàn Quốc hồi đó. Ông nói người Hàn Quốc, người Việt sống ở đây có lúc gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp nhưng đôi bên vẫn hòa nhã, gắn kết.

Chị Thu Hương (32 tuổi), một người dân sống ở gần đường Phạm Văn Hai từ nhỏ, cho biết: "Thời nhỏ, tôi mê đến đây chơi vì thích nhà sách Hàn Quốc trên con đường này. Ở đó chuyên bán băng đĩa, sách, báo nhập từ Hàn Quốc. Cứ hễ dành dụm được ít tiền là tôi lại trốn mẹ ra tiệm mua vài chiếc đĩa về nghe nhạc".

Chị Hương cũng quen biết và kết bạn với rất nhiều người Hàn Quốc. Chị kể bạn bè người Hàn Quốc của chị còn biết nói cả tiếng Việt. Chị thường cùng bạn bè đến đường Phạm Văn Hai để ăn giò heo hầm và canh sườn bò Hàn Quốc.

Dù đã qua rồi thời "vang bóng", khu phố Phạm Văn Hai vẫn là nơi lưu dấu những bước chân đầu tiên của cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam. Con phố này gắn liền với sự giao thoa văn hóa đặc sắc giữa hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc, như một minh chứng sống động cho mối quan hệ khăng khít giữa hai nền văn hóa.

(còn tiếp)

Theo Thái Thanh-Hoài Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm