TN - Đất & Người

Người H'Mông ở Lơ Ku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những người H’Mông đầu tiên đến xã Lơ Ku (huyện Kbang, Gia Lai) từ những năm 90 của thế kỷ trước. Họ duy trì tập quán sống trên vùng núi cao, xa khu dân cư và tách biệt với các dân tộc anh em khác. Đến năm 2014, dòng tộc H’Mông tự quản được thành lập tại thôn 1, xã Lơ Ku.

Hiện nay trong dòng tộc đã có 23 hộ với 123 nhân khẩu, trong đó có 2 hộ đã thiết lập quan hệ gia đình với dân tộc khác là Kinh, Bahnar và dần dần sống hòa đồng cùng các dân tộc khác trên địa bàn.

Tích cực lao động sản xuất

 

Thổi kèn lá và thổi khèn là những hoạt động văn hóa tinh thần còn được đồng bào H’Mông ở xã Lơ Ku (huyện Kbang) gìn giữ. Ảnh: H.D

Đồng bào H’Mông xem bắp là loại cây lương thực chính. Sau mỗi vụ thu hoạch, bà con thường đem từng bó bắp hong trên gác bếp. Những hạt bắp khô, vàng tươi sau khi được xay nhuyễn thành bột sẽ trở thành nguyên liệu chính làm nên món “cơm khô” gọi là mèn mén. Chị La Thị Mỵ-một phụ nữ H’Mông ở thôn 1, cho biết: Công đoạn chế biến mèn mén mất khoảng gần 1 tiếng đồng hồ. Đầu tiên là trộn bột bắp với nước theo tỷ lệ phù hợp cho thấm đều, rồi cho vào nồi hấp. Khi nước trong chảo sôi, trên nắp chõ có hơi nước bốc lên thì bắc nồi xuống. Bột bắp sau khi nguội sẽ được vò cho tơi, trộn với nước rồi đem hấp thêm một lần nữa. Món mèn mén thường không quá khô, chín bùi và có mùi thơm đặc trưng của bắp. “Ngày trước, người H’Mông ở ngoài Bắc không có đất ruộng để làm, toàn đất đá thôi. Do đó, chúng tôi phải trồng bắp để làm món mèn mén ăn hàng ngày. Hiện nay, bà con đã có ruộng nước nhưng vẫn không quên được món mèn mén”-chị Mỵ kể.

Sau nhiều năm vào xã Lơ Ku sinh sống, đồng bào H’Mông đã thay đổi nhận thức, biết cách làm ăn. Bên cạnh cây bắp, nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng lúa nước, mía... Phần lớn các hộ người H’Mông còn kết hợp chăn nuôi thêm gà, vịt, ngan, trâu, bò để tăng thu nhập. Theo chị Hoàng Thị Huyền-Trưởng thôn 1, hiện nay, cả dòng tộc có 52,3 ha cây trồng, đàn trâu 28 con, đàn bò 34 con và trên 2.000 con gia cầm các loại. Nhờ vậy mà trong dòng tộc đến nay chỉ còn 1 hộ nghèo.  

Gìn giữ bản sắc văn hóa

Là một dân tộc rất coi trọng bản sắc, 100% người H’Mông ở đây đều nói được tiếng mẹ đẻ. Các giá trị văn hóa truyền thống như: trang phục, ẩm thực được bảo tồn. Một số hoạt động vui chơi dịp lễ, Tết như: hát múa, thổi khèn, chơi kèn lá, ném còn... được bà con tái hiện thường xuyên nhằm giúp thế hệ trẻ người H’Mông giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Đáng chú ý, 100% phụ nữ và trẻ em gái H’Mông tại đây đều có trang phục truyền thống. Một bộ trang phục của người phụ nữ H’Mông gồm có áo gấm thêu hoa, không có cúc; bên trên lớp áo là chiếc yếm trắng dày dặn làm nổi lên những đường chỉ màu thêu tay đều tăm tắp; váy xòe nền trắng có nhiều nếp gấp được đính kết các hạt màu nổi bật dọc thân váy, đi kèm với đó là chiếc tạp dề trang trí sặc sỡ, được cố định với phần váy bởi một thắt lưng to bản màu trắng cũng được thêu chỉ màu. Chị Lý Thị Hoa cho hay: Trong trang phục của người H’Mông thì chiếc yếm và dây thắt lưng là khó làm nhất; chỉ riêng yếm đã phải làm mất 2 tuần mới xong.

 

Bà Hoàng Thị Nga-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lơ Ku: “Toàn xã hiện có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Tày, Thái, Mường, Nùng, H’Mông, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Thổ, Bahnar, Jrai... Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, bảo tồn và phát huy truyền thống các dân tộc. Hàng năm, vào mỗi dịp hội Xuân do xã tổ chức, đồng bào H’Mông ở đây cũng nô nức tham gia để cùng giao lưu, giới thiệu đến các dân tộc anh em khác sắc màu văn hóa của mình; đồng thời ôn lại và giữ vững những giá trị truyền thống mà các thế hệ người H’Mông đã dày công truyền lại”.

Đối với dòng tộc H’Mông tự quản, mùng 1 tháng 1 Âm lịch là ngày Tết và cũng là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Trong ngày này, bà con trong dòng tộc tụ hội lại cùng nhau thực hiện nghi lễ cúng đầu năm, đồng thời tổ chức vui chơi, múa hát quanh tiếng khèn. Đứng giữa vòng tròn của những nam thanh nữ tú, người đàn ông trình diễn 1 màn “múa khèn” với những bước chân nghiêng chao theo kiểu “bắt chéo mà đi” như thể đã thấm rượu, tạo cho người xem cảm giác thích thú, chỉ muốn vui say ca hát cả ngày. Anh Đào Văn Hoa-Trưởng dòng tộc H’Mông tự quản thôn 1, nói: “Những giá trị truyền thống ấy còn gìn giữ là vì bà con luôn ý thức tự mình giữ lấy và truyền lại cho nhau. Như trang phục truyền thống thì mẹ truyền sang con. Các lễ hội thì mình tập trung anh em lại với nhau ca múa, cũng là một cách để giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Hà Duyệt

Có thể bạn quan tâm