Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Người mẹ hiền thứ hai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhớ ngày đầu tiên đi học, tôi được mẹ đưa đến lớp cùng với các bạn trong xóm. Chúng tôi vẫn gọi nhau bằng tên ở nhà là Rô, Bin, Còi, Mít… rụt rè đứng nấp sau lưng mẹ, vẻ mặt đứa nào cũng lo lắng, thi thoảng len lén nhìn người phụ nữ đeo kính cận, mặc chiếc áo sơ mi trắng, tóc thắt bím dài đến nửa lưng đang ngồi đối diện vừa hỏi chuyện mẹ vừa ghi chép. Sau đó, mẹ quay sang kéo tay bảo tôi: “Chào cô đi con”, rồi mẹ ra về, không quên nói với cô giáo: “Em giao cháu cho cô, cháu không nghe lời cô cứ chỉ dạy”.
Mái trường là ngôi nhà thứ hai và cô giáo chính là người mẹ thứ hai của tôi và chúng bạn. Những đứa trẻ sinh ra ở làng quê như chúng tôi nào được học thêm, học kèm trước khi đến trường nên bước vào năm học mới với biết bao bỡ ngỡ. Đón nhận chúng tôi, cô kiên trì dạy dỗ, dìu dắt từng chút một, từ cách cầm bút chì, cách ngồi viết đúng tư thế... Có những hôm đi học mặt mũi lem luốc, chân tay chưa kịp rửa, cô lại ngồi kì cọ từng ngón chân, kẽ tay, nhẹ nhàng lau mặt cho từng đứa.
Mùa đông đến thi thoảng cô lại mang đến lớp chiếc áo lạnh, vài cây bút chì, cục gôm, quyển sách cũ… đưa cho học trò của mình. Hôm cho đứa này, bữa sau cho đứa khác, chúng tôi háo hức đón nhận và cứ nghĩ những thứ ấy, trong nhà cô giáo lúc nào cũng có nên cô cho chúng tôi. Đâu đứa nào biết rằng, cô cũng có một gia đình với 2 đứa con nhỏ cùng muôn mối lo toan. Lương giáo viên thời ấy, chẳng thấm tháp gì. Và mãi sau này, khi lớn thêm chút, tôi mới biết, những thứ cô mang cho chúng tôi đều là do cô dùng một phần tiền lương của mình để mua.
Minh họa: Sam
Minh họa: Sam
Tôi mãi không quên hình ảnh cô giáo lớp 1 của tôi đạp chiếc xe đạp mi ni đã cũ, phía sau chở thêm 2 đứa học trò. Thường thì mỗi ngày như thế, chúng tôi được cô giáo luân phiên chở về. Hôm nay chở 2 bạn này thì hôm sau lại chở 2 bạn khác.
Chúng tôi đứa nào cũng mong ngóng đến lượt mình để được ngồi sau xe cô, vòng tay ôm chặt lấy cô, áp mặt vào lưng cô nghe mùi bồ kết thoang thoảng từ mái tóc đen dài óng ả. Những đoạn dốc, cô cố lấy hết sức để đạp, mồ hôi vã ra ướt cả vạt áo sau lưng. Có hôm tôi bị ốm được cô chở về, qua đoạn dốc cao, cô xuống dắt bộ nhưng vẫn bảo tôi ngồi yên trên xe, các bạn thấy thế xúm xít đẩy phía sau, vừa đẩy vừa cười tíu tít, tiếng trò hòa trong tiếng cô, cả đường quê vui nhộn hẳn lên.
Tôi ra trường cũng đã nhiều năm, các bạn cùng trang lứa với tôi ngày ấy nay hầu hết đã có gia đình, con cái, có bạn cũng đã trở thành giáo viên. Thi thoảng, nhìn các bạn của tôi trong tà áo dài đến trường gieo chữ cho bao thế hệ học trò, lòng tôi lại nhớ những người thầy, người cô của mình da diết…
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm