Đã từ lâu, Đinh Píp được dân làng Tpông 2, xã Yang Nam, huyện Kông Chro xem như một “ca sĩ” trong những dịp lễ hội của làng, một bảo tàng sống về dân ca của cư dân Bahnar. Cuộc đời của ông ngoài những tháng ngày lặn lội trên nương rẫy, thời gian còn lại ông dành cho việc sưu tập, sáng tác những bài dân ca của dân tộc mình. Ông có thể hát mọi lúc, mọi nơi kể cả những lần đi săn một mình trong rừng sâu… Mọi người vẫn thường gọi ông là “dị nhân”…
Người nặng nợ với dân ca Bahnar
Đinh Píp trong chòi canh rẫy. Ảnh: Lê Nam |
Khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được Đinh Píp, trong căn chòi canh rẫy hoang tàn dưới chân núi Dơng sau 2 ngày ông đi rừng trở về. Vẻ bề ngoài rắn chắc, dạn dày sương gió không ai nghĩ người đàn ông 56 tuổi này là một người đam mê dân ca Bahnar đến cuồng nhiệt: “Tôi đam mê dân ca của dân tộc mình từ nhỏ. Cha tôi cũng là người rất đam mê và am hiểu về dân ca Bahnar. Năm tôi hơn 10 tuổi, ông đã dạy cho tôi những bài dân ca của dân tộc mình, những bài cúng Yàng và cách diễn xướng. Lúc đầu tôi cũng không thích lắm, nhưng lâu dần nó đã ăn vào tâm trí của tôi…”, Đinh Píp tâm sự.
Con đường đến với “nghệ thuật” của ông không phải từ trường lớp mà từ những lần lê đôi chân trần bé nhỏ cùng cha lên nương, rẫy hay lặn lội săn bắn trong chốn rừng sâu. Bằng trí nhớ của mình, ông ghi lại tất cả những bài dân ca mà cha mình vẫn thường hát. Đến năm 18 tuổi, ông đã có thể song tấu cùng cha mình trắng đêm trong những đêm trăng hay các dịp lễ hội của làng…
Hơn nửa đời mình, chỉ bằng trí nhớ ông đã đi sưu tầm những bài dân ca của người Bahnar và ông cũng sáng tác thêm rất nhiều bài mà đến giờ ông cũng không thể nào nhớ hết: “Người Bahnar mình chăm làm và rất ưa ca hát, sống và gắn bó với đại ngàn hùng vĩ nên có rất nhiều bài dân ca đặc sắc. Mỗi khi lên nương, rẫy người Bahnar mình vẫn thường hát để quên đi mệt mỏi. Dù đã sưu tầm được rất nhiều bài dân ca, nhưng mình cũng chưa thể nào biết hết được sự phong phú của dân ca dân tộc mình…”.
Một đời nặng nợ với dân ca, ông cũng mang trong mình nhiều âu lo, ông sợ đến một lúc nào đó đời sau sẽ không còn biết đến nền văn hóa của dân tộc mình. Cùng với sự phát triển của cuộc sống, những đứa trẻ trong làng không còn thích thú với những điệu dân ca của người Bahnar nữa: “Ngày trước, mỗi khi trong làng có lễ hội, những người già vẫn thường hát dân ca cho dân làng nghe. Ai cũng thích thú, thức trắng đêm để nghe hát… Đã nhiều lần tôi dạy cho bọn trẻ trong làng những bài hát, cách diễn xướng, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Không đứa nào nhớ được trọn vẹn một bài. Có lẽ chúng không còn thích những bài dân ca của dân tộc mình nữa rồi…”, ông buồn rầu tâm sự.
Sân khấu là… trời đất bao la
Không còn những sân khấu đông khán giả như thời ông còn ở văn công, bây giờ ông chỉ còn biết hát trong những dịp hội họp, hay lễ hội của làng. Nhưng những sân khấu đó cũng không thể nào thỏa mãn được điềm đam mê của ông. Nên bây giờ với ông sân khấu lớn nhất chỉ còn là trời đất bao la. Như để chứng minh lời mình nói, ông hát cho chúng tôi nghe những bài dân ca của dân tộc mình một cách say mê. Điều làm chúng tôi bất ngờ ở người đàn ông này là giọng hát trầm ấm, mang chất hoang dã của núi rừng.
Già làng Đinh Nôk cho biết: “Dân làng mình xem Píp như một người giữ hồn dân ca cho dân tộc mình. Píp đam mê dân ca đến độ có thể hát bất cứ lúc nào và có thể hát suốt đêm, Píp rất đặc biệt, nhiều lần dân làng gặp Píp đang vừa hát, vừa khóc bên mả cha, mẹ ông. Rất khó để có thể gặp được Píp vì ông thường lang thang ngoài nương rẫy hay trong rừng. Nhưng mỗi khi về làng, Píp đều cùng với những người già trong làng uống rượu và hát một cách rất say sưa…”.
Mọi người vẫn gọi ông là “dị nhân Píp” để nói về cách sống hoang dã của ông và cũng như một lời thừa nhận về sự đặc biệt của Píp, một “bảo tàng sống” đối với nền văn hóa của dân tộc mình.
Lê Anh- Lê Nam