Sau tiêm filler nâng mũi tại một cơ sở spa, vùng canh mũi người phụ nữ bị bầm tím, hơi nhức, sau chuyển sưng nề nặng và hoại tử.
BV TƯ Quân đội 108 vừa tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân bị hoại tử nặng cánh mũi trái kèm chảy mủ trắng sau tiêm filler.
Bệnh nhân cho biết, đã đến một cơ sở spa tại Hà Nội tiêm filler để nâng mũi vì đây là phương pháp được spa quảng cáo nhanh, gọn không xâm lấn. Tuy nhiên sau tiêm 1 ngày, vùng cánh mũi đổi sang màu tím nhẹ kèm đau nhức và sau vài ngày chuyển sưng nề, chảy mủ do hoại tử phía trong.
Bác sĩ phải cắt lọc vùng hoại tử, dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm đồng thời chăm sóc theo dõi vết thương để xử lý biến chứng.
Mũi người phụ nữ bị hoại tử sau tiêm filler |
Hiện nay, làm đẹp bằng filler khá phổ biến do đây không phải là thủ thuật quá phức tạp. Tuy nhiên, chỉ những bác sĩ thẩm mỹ được đào tạo về filler và được cấp chứng chỉ hành nghề mới được phép tiêm.
Trong khi đó, tại các thành phố lớn, các quán cắt tóc, gội đầu cũng thực hiện tiêm filler cho khách.
Trên thị trường, filler có tới vài chục loại, từ trôi nổi giá vài trăm ngàn/ml đến giá 2-3 triệu đồng/ml, hoặc loại tốt được cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp, có giá tới 8-9 triệu/ml. Thường sau tiêm 12 – 18 tháng, filler sẽ tiêu dần và phải tiêm lại.
Để tiêm filler nâng mũi, nâng ngực an toàn, người dân cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, nguồn gốc filler rõ ràng, bác sĩ tiêm có kĩ thuật, am hiểu về cấu trúc cơ thể.
Nếu bác sĩ có tay nghề cao, khả năng bị biến chứng rất ít. Trái lại, nếu là nhân viên spa, thợ cắt tóc tiêm, có thể tiêm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, có thể mất mũi hoặc mũi không trở lại bình thường nếu bị hoại tử, thậm chí biến chứng mù mắt.
Minh Anh (VIE)